Aa

“Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”

Thứ Tư, 07/10/2020 - 07:00

Mọi thứ giá trị của con người nếu không nuôi dưỡng chăm sóc, nó vẫn cứ rời bỏ ta mà đi, dù lá vàng mùa thu mỗi năm vẫn trở lại, xao xuyến và day dứt.

Vị bác sỹ Tô Côn từng có nhiều năm điều trị sức khỏe ở một khoa tâm thần của bệnh viện Thường Tín. Ông nghỉ hưu đã lâu, vẫn đi châm cứu điều trị thiện nguyện cho những người cô đơn, ốm đau, neo khó. Lặng lẽ như vậy nhiều năm. Ông sống một mình ở căn hộ chung cư cũ gần nhà máy rượu Hà Nội. Vợ ông, một viên chức theo con ngụ cư ở nước Đức. Bệnh nghề nghiệp, quen đối mặt với sự cô độc, khốn khổ của con người, nhất là người ở dạng thần kinh thể nhẹ, ông vẫn sẵn lòng đi cứu giúp người bệnh hàng ngày và coi đó là niềm hạnh phúc của mình.

Một chiều muộn, sau khi chữa cho một bà cụ láng giềng gần nhà tôi, tôi mới được nghe câu chuyện:  Số là nhớ lại nhiều đêm thức trắng, phải lắng nghe chuyện của người bệnh khi họ còn tỉnh táo, để điều chỉnh thuốc men cho họ. Ông vui khi người bệnh tỉnh táo như người bình thường. Có nhiều phận người chữa trị, có trường hợp khỏe lại, cũng có người thì không; người thì rời cõi tạm nhiều lắm. Nhưng trong nghề ông vẫn hay tự hỏi: Đàn bà sâu sắc hay nông nổi đây? Vì đâu đến nỗi.

Chuyện này rơi vào năm 1980, đời sống miền bắc còn ở thời kỳ gieo neo, ngày thường lo sống còn chật vật lắm. Vào viện, năm đó có một bệnh nhân nữ ngơ ngẩn không biết gì. Cô ta tên Vy, người mặn mà xinh xắn, đặc biệt cặp mắt to, đen, rờm rợp trong cái nhìn hoang dại. Rồi điều trị mãi nửa năm, cô ấy ổn định trở lại. Người bệnh này có chồng làm giảng viên đại học, hai người có một cậu con trai. 

Tranh minh họa (Sưu tầm)

Có một đêm cô Vy khá tỉnh táo, còn cười cười nói với bác sỹ: “Em mắc tội, tội ngoại tình có chữa được không, bác sỹ?” Bác sỹ Côn nói rắn: “Chữa được chứ! Nếu chị không nghĩ đến nhân vật thứ ba kia, thì sẽ chóng khỏi thôi”. "- Vâng!" - Vy đáp rất ngoan: "Giờ, thì em làm sao yêu được hắn nữa, khi mà hắn đã chết. Đáng đời."

“Ừ. Đáng đời!” Vy tự đáp lại, rồi tự kể, hồi đó em ngoại tình với một tay họa sỹ mấy năm giời bỏ bê gia đình, bỏ bê chồng, con. Mãi về sau, tay người tình đi giật lùi, ngắm nghía tranh vẽ của mình trên tầng 2 sân nhà, thế quái nào mà người rơi đánh bộp như quả mít rụng. Hắn chết. Hắn từng là học trò cũ của chồng em. Chồng em biết hết và tha thứ hết. Nhưng em thì không thể tha thứ cho cách nghĩ nông nổi của mình, khi em từng giây phút tôn thờ tình yêu, ngỡ tình yêu là duy nhất mà chàng dành cho em. 

Hắn có nhà cửa, vợ đẹp và con gái xinh xắn, không hiểu sao hắn còn si mê em nữa, khi đó em làm người mẫu cho hắn vẽ nuy. Nhưng khi hắn chết đột ngột, thì em được chính vợ hắn kể lại. Vợ hắn cũng không hề hay biết em từng là người tình của hắn, thế mới khốn nạn cho em. Số là hôm đưa tang người tình họa sỹ, có một người thiếu phụ đã đưa cậu con trai độ 5 tuổi đến, nghe O ấy nói tiếng Huế, giọng rất dễ thương:

“Xin phép chị, xin phép vợ của anh Tuệ cho con trai em thắp hương cho người cha của mình một nén nhang.” Vợ Tuệ ngạc nhiên lắm, nhưng là người có học nên xử sự rất cao tay. “Ôi thì ra anh Tuệ nhà tôi còn có một cậu con trai, giỏi lắm, con ngoan vào thắp hương cho bố nhé, và quả thực con rất giống bố!” 

Người đàn bà xứ Huế nom nhẫn nhịn và dịu dàng: “Là lỗi ở em cả thưa chị. Cùng trái tim phụ nữ, mong chị độ lượng cho mẹ con em có đường lui, ẩn dật. Em quen anh nhà trong một triển lãm 5 người; rồi quý mến nhau, chính em chủ động ngỏ lời xin anh Tuệ cho em một đứa con. Có thư tay làm chứng. Em không có nhu cầu gì khác, càng không muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình anh; càng không đòi hỏi trách nhiệm gì ở anh, kể cả vật chất lẫn tinh thần. Em chỉ xin anh nhà một đứa con; ở Huế em cô đơn, nhà em có nhà vườn, có đủ kinh tế nuôi con, chị hè. Mong chị tha lỗi cho em”, sau ngắt câu, người thiếu phụ xứ Huế kèm một tiếng “hè” rất ngọt rất dịu. Vợ Tuệ nghe muốn thua cuộc luôn. 

Rồi vợ Tuệ nghĩ ngay: “Cô này hơn đứt mình ở sự dịu dàng, hèn nào Tuệ đã yêu cô ta”.  Sau này vợ Tuệ còn tìm thấy những chiếc vé tàu Hà Nội đi Huế. Lý do đi Huế để vẽ. Giỏi lắm, Tuệ vẽ cô người tình này; giỏi lắm Tuệ, còn để lại đứa con trai này đây. Bao năm, ngỡ chỉ có mỗi cô tên Vy ở Hà Nội dám yêu, hy sinh, dành dụm cả đồng tiền chẵn cho đến đồng tiền lẻ đều cho Tuệ để mua toan, mua thuốc vẽ. Hóa ra thế giới phức tạp của đàn ông, chưa bao giờ là đủ, hắn vẫn bỏ đi tìm kiếm vẻ đẹp dịu dàng khác của Huế thương, người thứ 3, đứng thứ tư sau vợ hắn.

Ảnh minh họa (Sưu tầm)

Trước đó bệnh nhân Vy tin tưởng trên đời có tình yêu. Vì cuộc hôn nhân với chồng mình, chỉ theo sự sắp đặt của hai gia đình môn đăng hộ đối, hai ông thông gia cùng là bạn học, có địa vị xã hội, họ muốn hai con thỏa hiệp với cuộc nhân duyên cho dù không phải hai đứa yêu nhau. Khi về chung sống không có tình yêu, vợ hiểu rằng chồng tốt lắm, anh chỉ cắm cúi nghiên cứu thôi; không biết một việc gì khác, kể cả âu yếm vợ cũng là xa xỉ. 

Còn Vy, nhà con một vốn được cưng chiều, thì rất cần sự vỗ về, đằm thắm, cần có phút chồng khen khi nấu ăn ngon. Dù vợ muốn nâng giấc tình yêu, nhưng chồng thì không. Đến lúc ngồi mẫu cho họa sỹ Tuệ vẽ, anh vừa ga lăng vừa tâm lý, thì Vy rơi vào cái bẫy ngoại tình. Khổ nỗi mỗi lần vụng trộm hẹn hò, ở thời bao cấp ấy, nó làm cho trái tim Vy sợ hãi tăng lên gấp nhiều lần. Trong đó, có những đối thoại dối trá, không thể qua được mắt chồng. Nhưng chồng Vy lại thản nhiên như không hay biết. 

Dù vẫn sống bên nhau mà không gian như ở trên nghĩa địa. Sợi dây níu kéo lúc đó là chăm sóc cậu con trai, mỗi ngày con khỏe, khôn lớn hơn mà thôi. Vài năm sau, không ngờ cái chết của Tuệ đến sớm, đã để lộ ra người đàn bà xứ Huế với một cậu con trai; biết chuyện Tuệ có con với cô gái Huế, Vy mới hay mình không phải là người yêu duy nhất anh từng nói. Ai bảo đàn bà tin vào lời nói gió bay? Ai bảo Vy luận tội trong nước mắt khô, khi nhớ lại đủ thứ chuyện... 

Nghĩ lắm hóa dại. Vy lơ ngơ, mất trí. Từ một cô giáo dạy nhạc, đàn piano, sau cuộc tình, cô bỏ dạy nhạc, được chồng đưa đi chữa trị ở bệnh viện tâm thần. Có thời Vy chơi đàn, hát như “Vân dại” ở chỗ góc vườn bệnh viện kia, cũng may chưa xé quần áo, hoặc đem cho mọi thứ đồ dùng trong nhà vứt ra thùng rác.

Bác sỹ Côn cũng hỏi chồng Vy: “Lúc vợ anh vụng dại, anh không có ý định ly hôn, chịu đựng nhiều năm, chắc cũng mệt chứ?”. Chồng Vy hút thuốc và thở ra rất lâu: “Mệt! Tôi chỉ cố giữ thể diện cho gia đình, nhà hai bên nội ngoại đều nề nếp, gia giáo; hơn nữa con trai tôi quá nhỏ, cháu cần hơi ấm của mẹ. Thực ra Vy ngoại tình, lỗi cũng có ở tôi. Tôi lơ là vai trò làm chồng, bi kịch ở đó!”.

Thật cảm động khi nghe đàn ông nhận lỗi về mình, vừa nể phục vừa thương cảm. Mấy chục năm sau không gặp lại Vy? Nghe nói, đứa con trai của Vy làm ăn rất khá giả. Cháu gửi mẹ vào trại dưỡng lão, mẹ Vy hay được nhắc tên trong cả lúc giao ban, vì đêm đêm bà không ngủ, hay kéo bàn kéo ghế, khua khoắng dựng người khác dậy nói chuyện. Có kiếp người lại rất khó chết. Họ vẫn sống, làm khổ người thân không rõ đến niên hạn nào? Không tính trước được, giời ạ.

Còn một chuyện nữa: Chuyện bác sỹ Côn điều trị cho một nữ bác sỹ sản khoa, bà từng đón bao sinh linh chào đời. Bà tốt bụng, rất hay giúp người, trong những ca đẻ khó. Từng nuôi dưỡng bỏ tiền ra chăm con người dưng, cuối cùng gặp một loại mẹ trẻ vô ơn bỏ con đi, và để lại bao vấn đề mà trong khoa giải quyết… Do áp lực, do quá căng thẳng, nữ bác sỹ này đi đường đã va quệt xe, chấn thương sọ não, bệnh não nhớ nhớ quên quên rất nhiều. 

Ông Côn đã châm cứu và bấm huyệt cho bác sỹ này nhiều năm. Được biết nữ bác sỹ cũng từng ly hôn khi con chị học đại học năm cuối. Bà bập vào một phi công trẻ cũng là bác sỹ, sau khi con giai lấy vợ, chọn sống ở vùng biển Thái Bình; còn tay phi công trẻ đã rời bỏ bà, kết cục là do bà nông cạn, không biết chăm sóc tổ ấm gia đình. Bà về hưu với bệnh trầm cảm trong những ngày cuối năm, khi chết vẫn không gặp được mặt con. Bác sỹ Côn còn nhắc bà ấy đọc thơ Xuân Quỳnh “tình yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?”

Tôi viết lại câu chuyện của vị bác sỹ thiện nguyện, chỉ hy vọng ở mỗi người phụ nữ hãy lắng nhìn vào phía bên trong mình, biết trân quý nâng giấc tổ ấm của gia đình; nếu không, ngay cả tuổi trẻ, tình yêu chồng vợ, mọi thứ giá trị của con người nếu không nuôi dưỡng chăm sóc, nó vẫn cứ rời bỏ ta mà đi, dù lá vàng mùa thu mỗi năm vẫn trở lại, xao xuyến và day dứt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top