Aa

Dàn dựng Cty “ma” để lừa đưa người đi xuất khẩu lao động

Thứ Tư, 06/03/2019 - 02:40

Ngày 10-4-2017, CA quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhận được đơn của anh Dương Huy Phong, SN 1981, quê Phú Thọ, tố cáo Nguyễn Huy Vững, SN 1986, quê Phú Thọ, có hành vi chiếm đoạt của anh 81 triệu đồng và hứa hẹn đưa anh đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Từ đó, các cơ quan tố tụng làm rõ, trong thời gian làm cộng tác viên cho các Cty có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động, Vững biết Cty Vinamex là đơn vị có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động và biết trong thời gian từ cuối năm 2015 đến tháng 6-2016, Cty Vinamex có thuê nhà của bà Lê Thị Kim Đức, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, để đặt văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động Bảo Ngọc.

Ngày 28-6-2016, Cty Vinamex thay đổi địa chỉ kinh doanh, chuyển toàn bộ thiết bị văn phòng và biển hiệu đến địa chỉ mới. Lợi dụng việc này, với mục đích chiếm đoạt tiền của những người đi xuất khẩu lao động. Cụ thể: Tháng 7-2016, Vững thuê lại nhà của bà Đức và thành lập Văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động, đặt tên và gắn biển hiệu theo mẫu giống như của Cty Vinamex với tên gọi: “Văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động Bảo Ngọc thuộc Cty CP Xuất khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam Vinamex JSC”.

Anh ta đã thuê nhiều nhân viên vào làm việc như: Nguyễn Thị Hường, SN 19991, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội; Lê Ngọc Yến, SN 1987, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Nguyễn Thị Tâm, SN 1993, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Nguyễn Thị Oanh, SN 1993, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội; Bùi Thị Thu Trang, SN 1993, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội… Anh ta còn thuê may đồng phục và làm thẻ nhân viên phát cho mọi người, trên thẻ có in tên và chức danh, logo Vinamex.

dan dung cty ma de lua dua nguoi di xuat khau lao dong
Bị cáo nghe tòa tuyên án.

Do trước đây đã làm cho các Cty đưa người đi lao động nước ngoài nên Vững nắm rõ thủ tục làm hồ sơ mà người lao động cần phải có để trực tiếp hoặc thông qua nhân viên hướng dẫn người có nhu cầu xuất khẩu lao động tin tưởng, nộp tiền. Vững còn tổ chức mạng lưới cộng tác viên. Qua mạng internet, anh ta liên hệ với chị Vũ Thị Thanh Hà, Chu Thị Hà, Nguyễn Thị Diệu Thúy, giới thiệu về Văn phòng tư vấn và nhờ họ tìm người có nhu cầu, hứa cắt lại hoa hồng từ 200 đến 300 USD.

Sau đó, Vững yêu cầu Tâm, Oanh, nhân viên thị trường, đăng tin tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật và tìm nguồn lao động trên internet, tuyển cả những người đã đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản về nước có nhu cầu đi lại lần 2. Vững đưa ra các thông tin, hướng dẫn cách thức tư vấn, đăng tin tuyển dụng người lao động và để một bộ hồ sơ pháp lý (photocopy) công chứng của Cty Vinamex…

Vững chỉ đạo Tâm, Oanh, có kết quả khám sức khỏe của người lao động thì điền thông tin vào mẫu cho đầy đủ rồi chụp ảnh gửi cho Vững để chuyển cho Cty bên Nhật Bản xét duyệt. Khoảng 7 đến 15 ngày sau, Vững thông báo cho Tâm, Oanh về danh sách người lao động đã đỗ đơn hàng và danh sách những người không đỗ vì lý do sức khỏe. Với những người không đỗ, nhóm này thông báo cho họ đến khám lại sức khỏe và nộp đơn mới. Nếu muốn chắc đỗ thì nộp thêm 10-15 triệu đồng. Sau đó, người lao động sẽ được thông báo đã đỗ đơn hàng và yêu cầu đến nộp tiền lần 2 (từ 2.500 đến 4.500 USD) ký hợp đồng với Cty.

Hòng che đậy hành vi của mình, tháng 11-2016, Vững làm thủ tục thành lập Cty TNHH Xây dựng và vận tải Huy Phát do Vững làm GĐ, Vững thay biển hiệu bên ngoài Cty từ “Văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động Bảo Ngọc” thành “Cty Huy Phát”. Cty Huy Phát hoạt động về lĩnh vực vận tải. Những người lao động thắc mắc về các giấy giao nhận tiền trước đây không có dấu thì Vững chỉ đạo nhân viên là Tâm hoặc Oanh gọi điện cho họ đến đổi giấy giao nhận tiền thành Bản cam kết có chữ ký của Vững và đóng dấu Cty Huy Phát và báo người lao động chờ xuất cảnh.

Các hồ sơ của người lao động Vững để tại Cty, không làm thủ tục gì như đã cam kết, hứa hẹn với người lao động. Đến thời hạn cam kết với người lao động. Vững không đưa họ xuất cảnh, viện nhiều lý do để trì hoãn, không trả lại tiền cho người lao động. Do bị nhiều người đến tìm để đòi tiền, nên khoảng tháng 4-2017, Vững bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

CQCA làm rõ, từ năm 2016 đến tháng 4-2017, Vững đã chiếm đoạt của 91 người lao động, tổng số hơn 3,3 tỷ đồng và 96.150 USD (quy đổi là hơn 5,4 tỷ đồng). Ngoài ra, các bị hại đã có đơn trình báo tại CQĐT, trong tài liệu của CQCA thu thập được tại Cty Huy Phát xác định có 47 người có tên trong danh sách lao động đã nộp hồ sơ và nộp tiền. CQCA đã xác định được địa chỉ nhưng họ không có yêu cầu, từ chối làm việc. Bên cạnh đó, 77 người không xác định được địa chỉ, lai lịch nên CQĐT không có căn cứ xác minh, làm rõ.

Vững từng nhận bản án 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đánh bạc”. Do đó, vừa qua HĐXX của TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo 19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top