UBND TP. Hà Nội vừa trả lời kiến nghị của người dân các quận Hà Đông, Hoàn Kiếm về đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét dừng việc quy hoạch xây dựng các nhà cao tầng ở nội thành vì hiện nay hạ tầng xã hội không đáp ứng được.
Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay việc xem xét, phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà cao tầng ở các quận nội thành phải tuân thủ theo: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTG ngày 26/7/2011; Quy hoạch phân khu đô thị có liên quan do UBND Thành phố phê duyệt, trong đó đảm bảo tuân thủ quy mô dân số, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ngoài ra, phải căn cứ vào Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử do UBND Thành phố ban hành.
“Đối với các trường hợp dự án không đáp ứng được các quy định trên, thành phố không xem xét, phê duyệt quy hoạch”, UBND TP. Hà Nội cho biết.
Hơn nữa, trong quá trình xem xét, thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết, quy mô dân số của các dự án đều đã được nghiên cứu, cân đối trong tổng thể khu vực nội đô, đảm bảo tổng quy mô dân số tại khu vực nội đô được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu được duyệt; đảm bảo tuân thủ với quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng.
Ngoài ra, việc phê duyệt quy hoạch cũng đã tính toán đến khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực được áp dụng đối với phần dân số của loại hình nhà ở, với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
“Đối với các loại hình quy hoạch căn hộ văn phòng, căn hộ khách sạn, đây là loại hình lưu trú đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng mới phát triển tại thị trường Việt Nam, có chức năng vừa làm văn phòng làm việc, khách sạn kết hợp lưu trú qua đêm, có thời hạn, người sử dụng không được đăng ký hộ khẩu, không sử dụng để ở ổn định lâu dài, không thuộc loại hình nhà ở quy định tại Luật Nhà ở, do đó dân số lưu trú không phải tính toán về khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội tại khu vực”, UBND TP. Hà Nội nêu rõ.
Theo đơn vị này, trong quá trình xem xét chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, thành phố cũng yêu cầu phải đảm bảo bố trí đầy đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (tối thiểu bố trí đủ diện tích nhà trẻ, trường học cho dự án và khu vực lân cận, diện tích sinh hoạt cộng đồng và thiểt chế công của địa phương, yêu cầu và khuyến khích nhà đầu tư bố trí nhà vệ sinh công cộng tại tầng 1 phục vụ nhân dân, tăng mật độ bố trí cây xanh tại dự án....).
Mặt khác, việc tính toán đầy đủ các chỉ tiêu chính về đất giao thông của dự án cũng được xác định, đảm bảo tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Thủ đô, các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, theo khả năng giải quyết nhu cầu giao thông cho toàn đô thị khu vực và thành phố với quy mô phát triển dân số.
“Với việc tính toán trên và thực tế việc bố trí diện tích sàn và công trình giao thông trong các dự án đảm bảo vượt với tiêu chuẩn thiết kế và kết nối giao thông thuận lợi theo các hướng của mỗi dự án, giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra ùn tắc giao thông khi các dự án đi vào hoạt động”, UBND TP. Hà Nội khẳng định.