Cuộc sống thiếu điện, nước.... vì quy hoạch
Có mặt tại khu dân cư Phước Kiển, chúng tôi chứng kiến hiện trạng nhiều căn nhà cấp bốn tạm bợ nằm ven bờ đê, rạch nước đen ngòm, bốc mùi. Người dân ở đây chủ yếu nuôi trồng thủy sản, gia cầm, buôn bán tạp hóa và nước giải khát sống qua ngày.
Dự án khu dân cư Phước Kiển có diện tích 91ha, được giao đã gần 10 năm, nhưng mới đền bù được 92% diện tích mặt bằng, còn lại khoảng 7ha chưa giải tỏa đền bù.
Theo đó, còn khoảng 94 hộ dân chưa đồng ý di dời, dù cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn điện, nước, đường sá, nhà cửa xuống cấp trầm trọng không được sửa chữa... vì mong chủ đầu tư thỏa thuận giá đền bù hợp lý hơn.
Bà H., hộ dân ở ấp 5, xã Phước Kiển, cho biết, hiện gia đình bà ngoài căn nhà này, còn hơn 700m2 đất nông nghiệp. Công ty Quốc Cường đưa ra giá đền bù đất thổ cư là 10 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp 3,5 triệu đồng/m2 nhưng gia đình bà không đồng ý.
“Tôi mong được đền bù với giá 15 triệu đồng/m2 cho cả đất nông nghiệp và đất thổ cư nhưng chủ đầu tư không đồng ý. Gia đình tôi đông con, giá đền bù như vậy không đủ để lo được sự an cư cho con cái", bà H., bức xúc.
“Sống cách trung tâm Sài Gòn chỉ 5-7km, gần 10 năm qua mà chúng tôi phải đấu nhờ điện ở khu vực khác cách nhà hơn 200m với giá điện 3.500 đồng/kw; nước cũng phải mua với giá cao hơn gấp mấy lần giá Nhà nước quy định, 20.000 đồng/m3 cho nước máy, 8.000 đồng/m3 cho nước giếng. Đã vậy, đường sá, nhà cửa xuống cấp cũng không được sửa chữa chỉ vì sống trong khu quy hoạch”, anh T., người dân ở xã Phước Kiển bức xúc.
Cũng theo anh T., người dân nơi đây mong muốn được đền bù nhanh để còn tìm nơi khách sống cho ổn định, bởi hàng chục năm qua chịu khổ đã quá đủ. Tuy nhiên, anh T. cho biết, đến nay, vẫn chưa nhận được bất cứ giấy tờ nào, phương án đền bù, quyết định thu hồi đất.
Vừa qua, ngày 15/10/2016, Công ty Quốc Cường nhận 50 triệu USD từ Công ty CP Đầu tư Sunny Island. Nếu hết tháng 10/2017, không giải tỏa xong, không giao được đất sạch ở dự án Khu dân cư Phước Kiển thì Công ty này sẽ bị phạt 100 triệu USD.
Chủ đầu tư “đá” cho chính quyền
Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường, dự án này có 88 hộ dân có đất nằm trên đường giao thông. Theo Luật Đất đai, đáng lẽ ra Nhà nước phải đi thu hồi đất. Các hộ dân còn lại có diện tích rất đa dạng, đòi đền bù với giá từ 15-17 triệu đồng/m2 nhưng doanh nghiệp chỉ đền được với giá 10 triệu đồng/m2 đối với những căn nhà hoặc đất nông nghiệp có diện tích dưới 100m2.
Còn những người dân có đất trên 100m2 thì Công ty sẽ đền bù 5 triệu đồng/m2 đối với đất thổ cư, 3 triệu đồng/m2 đối với đất nông nghiệp.
“Tiền đền bù là của đối tác chứ không phải của chúng tôi. Doanh nghiệp cũng muốn làm cho xong để bán dự án và lấy tiền của mình. Nhưng dân đòi đền bù đất nông nghiệp 20-30 triệu đồng/m2 thì tiền đâu chúng tôi đền”, bà Loan nói.
Cũng theo bà Loan, với giá đền bù 10 triệu đồng/m2 thì những căn nhà 50m2 cũng chỉ có 500 triệu đồng nên người dân cũng không đủ tiền để di dời, rất thiệt cho những người có nhu cầu ở thật.
“Tuy rằng, người ta lấn chiếm nhưng muốn người ta đi thì phải cho người ta chỗ ở chứ không lẽ để họ ra vỉa hè ở. Thôi thì về nhân đạo, tôi sẽ bỏ thêm vài chục tỷ đồng vào đây bằng tiền túi của tôi.
Như vậy, trung bình, một căn nhà tái định cư sẽ hết 850 triệu đồng, Công ty sẽ bỏ 500 triệu đồng, còn lại tôi sẽ lo. Thay vì tôi đi làm từ thiện ở các nơi thì tôi sẽ làm từ thiện ở đây”, bà Loan cho biết.
“Nếu về đúng pháp lý thì chúng tôi không đền bù, huyện Nhà Bè không tham gia vào quá trình đền bù, giải tỏa là làm sai đó. Nếu tháng 10/2017, không giải tỏa xong thì họ lấy hết khu đất này hoặc chúng tôi phải đền cho đối tác 100 triệu USD. Mà nếu đến tháng 10 này giải tỏa không xong thì công ty sẽ mời luật sư kiện UBND huyện Nhà Bè”, bà Loan nói thêm.
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, tại dự án Khu dân cư Phước Kiển thì Công ty Quốc Cường đã đền bù được 92%. Phần còn lại, chủ đầu tư chưa thỏa thuận được giá đền bù với dân.
“Tuy nhiên, đây là dự án thương mại, chủ đầu tư phải tự đền bù giải tỏa, đó là nguyên tắc. Chính quyền địa phương chỉ làm cầu nối giữa người dân và chủ đầu tư để hai bên tìm được tiếng nói chung”, ông An nói.
Cũng theo ông An, nhiều hộ dân ở trong khu vực này pháp lý không hoàn thiện, thiếu thốn điện, nước. Huyện Nhà Bè cũng mong sớm hình thành nên các khu đô thị mới, đảm bảo sự phát triển chung của TP.HCM nhưng quyền lợi của người dân cũng phải được đảm bảo.
“UBND huyện Nhà Bè cũng đã đề nghị Công ty Quốc Cường hỗ trợ tái định cư cho người dân để họ sớm di dời. Tuy nhiên, việc tái định cư phải đảm bảo đủ diện tích tách thửa theo Quyết định 33 của UBND TP.HCM”, ông An cho biết.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.