Aa

Dân môi giới địa ốc ngóng hàng mới!

Thứ Năm, 18/02/2021 - 16:30

Trước đà phục hồi chung của nền kinh tế, các dự án gặp vướng mắc đang được tháo gỡ, dân môi giới bất động sản hy vọng “kho hàng” địa ốc 2021 sẽ dồi dào hơn.

Đóng cửa, bỏ nghề... vì vắng khách

Bén duyên với nghề môi giới bất động sản từ những năm 2007, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, nhưng có lẽ năm 2020 là quãng thời gian khiến chị Nguyễn Thị Hoa, đang ngụ tại quận 12 (TP.HCM), cảm thấy khó khăn nhất.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm, thay vì đi gõ đầu trẻ như bạn bè thì chị rẽ sang một ngành khác là môi giới bất động sản, nhưng sau nhiều năm bám trụ, năm vừa qua chị chính thức tạm dừng “mối duyên” nhà đất để chuyển sang bán hàng online.

Chị Hoa chia sẻ, ngoài việc nhắn tin, gọi điện thường xuyên để mời chào khách, dù giãn cách xã hội khiến không khỏi e ngại khi gặp người lạ nhưng chị vẫn sẵn sàng đến tận nơi tư vấn nếu khách có yêu cầu sau khi đã sử dụng các biện pháp phòng dịch. Thế nhưng, hẹn được khách đã khó, để khách gật đầu thời điểm đó còn khó hơn. Hầu hết những khách hàng sau khi nghe tư vấn đều hẹn sẽ trả lời sau…, nhưng không có sau đó nữa?

“Ngoài việc phải chịu tác động từ những yếu tố khách quan thì hiện nay, các chủ đầu tư lớn đã phát triển kênh bán hàng riêng, hoặc bán qua ứng dụng, chứ không bán qua đại lý hay môi giới nữa. Do đó, những đại lý trước đây chuyên bán sản phẩm cho các chủ đầu tư cũng dần tan rã”, chị Hoa nói và cho biết thêm, do không bán được hàng nên chị đã chuyển sang bán hàng online để có thu nhập trả tiền thuê nhà, duy trì cuộc sống.

Nhân viên môi giới gặp khó thì có thể chuyển nghề, nhưng lãnh đạo các sàn còn “vò đầu bứt tai” hơn vì không chỉ tốn tiền đầu tư cơ sở vật chất vì các mối quan hệ chằng chéo trên thị trường, mà còn cả vì trách nhiệm với hàng chục, hàng trăm nhân viên dưới quyền khiến họ “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Môi giới bất động sản
Kỳ vọng nguồn hàng mới sẽ dồi dào hơn.

Bà Trần Linh, Phó giám đốc một công ty môi giới tại quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ, thị trường bất động sản năm qua bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn thường trực trong 3 năm gần đây. Trong đó, các công ty và nhân viên môi giới là đối tượng chịu tác động rõ nét nhất khi nguồn cung và sức mua của thị trường giảm mạnh.

Trao đổi với phóng viên trong một không gian chỉ khoảng 60m2 với một chiếc máy in, vài cái laptop cũ để trên bàn, bà Linh cho biết, đây và trụ sở mới của công ty, còn những văn phòng thuê “hoành tráng” trước đó ở khu vực trung tâm đã trả lại để tiết giảm chi phí.

“Từ đầu năm 2019, giá đất không ngừng tăng cao, quỹ đất trong khu dân cư cũng không còn nhiều nên gần như công ty không có dự án mới để bán. Thậm chí, từ đầu năm 2020 đến nay, nhân viên đã xin nghỉ hơn một nửa vì không bán được hàng nên tôi buộc phải đóng cửa các văn phòng tại khu vực trung tâm”, bà Linh nói.

Chia sẻ về việc tiếp cận nguồn hàng và bán hàng trong năm qua, bà Linh cho hay, trước đây chủ đầu tư thường không chọn quá nhiều đơn vị môi giới cho một dự án, nhưng gần đây, vì không có hàng để bán nên các công ty môi giới phải tìm đủ mọi cách để tiếp cận “rổ hàng” của chủ đầu tư.

Có dự án chủ đầu tư chỉ chọn 10 - 20 sàn F1, rồi các công ty này chia hàng lại cho đơn vị F2... nên tỷ lệ “chọi” rất cao. Nhiều nhân viên môi giới cùng bán một sản phẩm là chuyện bình thường, chứ không phải một nhân viên môi giới bán hàng chục căn hộ như trước.

Điều đáng nói hơn là có không ít chủ đầu tư áp dụng hình thức trả phí môi giới theo tiến độ thanh toán chứ không chi theo tỷ lệ như trước. Thậm chí, có chủ đầu tư còn kiếm đủ cớ để giảm phí hoa hồng nên các công ty môi giới càng thêm khó khăn.

“Hơn 10 năm lăn lộn trong nghề, tôi đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, nhưng năm 2020 phải đương đầu với nhiều khó khăn nhất. Kết quả buôn bán ảm đạm suốt 12 tháng qua khiến từ lãnh đạo đến nhân viên phải đón cái Tết thắt lưng buộc bụng. Lương, thưởng đều hạ xuống mức thấp nhất so với dịp Tết 5 năm qua”, bà Linh phân trần.

Chờ tương lai tươi sáng

Trên thực tế, trong năm 2020, từ các sàn giao dịch bất động sản lớn đến các môi giới bất động sản đều phải chịu tác động “kép”, đó là sự trầm lắng của thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, việc môi giới thất nghiệp, chuyển sang nghề khác cũng diễn ra thường xuyên trong năm qua.

Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, đợt dịch bùng phát đầu năm 2020, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn phải tạm dừng hoạt động một phần.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt, nền kinh tế cũng đang phục hồi và tăng trưởng, VARS dự báo, trong năm 2021 thị trường bất động sản nhà ở sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn.

Cụ thể, tại Hà Nội, ngay trong quý I và quý II/2021, dự kiến sẽ có hàng vạn sản phẩm đa dạng các phân khúc ra mắt thị trường, trong đó khu vực phía Bắc và phía Tây chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tại TP.HCM, khảo sát của VARS cho thấy, khoảng 20 dự án sẽ chào hàng trong 6 tháng đầu năm, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với đủ phân khúc. Điều này hứa hẹn một thị trường chất lượng hơn cho hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam cũng nhận định rằng, tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản vẫn còn rất lớn, bởi theo ông, mặt bằng giá tại Việt Nam đang khá thấp so với các nước trong khu vực, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam mới đạt khoảng 35%.

“Con số này thể hiện tiềm năng vô cùng lớn của thị trường nhà ở, đó cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đầu tư mạnh cho hoạt động môi giới, nhất là chuyển đổi số”, ông Quốc Anh nói và cho biết thêm, xu hướng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, bất chấp trong vòng chưa đầy 20 năm qua (2002 - 2020) giá bất động sản khu vực trung tâm Hà Nội đã tăng 33 lần, còn tại TP.HCM là 12 lần.

Dưới góc độ doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding nhận định rằng, thị trường bất động sản sau quý I/2021 sẽ xuất hiện làn gió mới từ sự quyết liệt khơi thông thị trường của bộ máy lãnh đạo nhiệm kỳ mới, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội - 2 đầu tàu kinh tế của cả nước - sẽ chứng kiến thị trường địa ốc hồi phục nhanh.

Hơn nữa, mô hình “thành phố trong thành phố” vừa được thành lập tại TP.HCM cũng là một đột phá ấn tượng, còn tại Hà Nội là những chính sách và cơ sở hạ tầng về giao thông được cải thiện đáng kể.

“2020 là một năm đầy thách thức do đại dịch Covid-19 tác động lên toàn bộ nền kinh tế, tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn trụ vững ấn tượng và còn phát triển khá tốt ở một số phân khúc”, ông Hậu nói và đưa ra lời khuyên rằng, các doanh nghiệp bất động sản hãy xem việc vượt qua những khó khăn trước mắt như là bước chạy đà để bắt đầu tạo ra các tiền đề cho tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top