Cơ hội mua nhà giá rẻ ngày càng khan hiếm
Mới đây, ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản số 2526/NHCS-TDSV hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh không tiếp cận được số vốn vay này bởi hồ sơ tài chính không đạt yêu cầu trong khi các ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay vốn lại khó khăn trong thủ tục.
Anh Sơn (một khách mua nhà ở xã hội tại Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh đã tìm đến các ngân hàng để vay tiền mua nhà ở xã hội. Nhưng ngân hàng quy định về hồ sơ thu nhập đối với người đang sinh sống ở Hà Nội yêu cầu chi phí sinh hoạt tối thiểu 1 người là 2 triệu/ tháng và có đủ chi phí trả lãi hàng tháng cho ngân hàng, trong khi nhà anh Sơn có 4 người, tổng thu nhập một tháng chỉ vừa tròn 8 triệu nên không đủ điều kiện vay vốn.
Bên cạnh đó, Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: Muốn bán, cho thuê mua nhà ở đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì bắt buộc chủ dự án phải có bảo lãnh nhưng trên thực tế, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại không nhận được nguồn cho vay từ các ngân hàng dành cho khách mua nhà ở xã hội nên không thể bảo lãnh được.
Như vậy, người dân lao động muốn mua nhà ở xã hội như gia đình anh Sơn lại bị rơi vào thế "bí" vì năng lực tài chính không đáp ứng được các quy định của ngân hàng mà các chủ dự án cũng không thể bảo lãnh cho người dân mua nhà. Điều này càng khiến cơ hội mua được nhà ở xã hội khan hiếm hơn.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại. Phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển, thông tin trên thị trường chưa đầy đủ, người dân không được tiếp cận thông tin một cách hệ thống toàn diện, mà phần lớn các chủ đầu tư đều còn yếu cả về tài chính và năng lực quản lý, phát triển dự án".
Tình trạng “đục nước béo cò” từ nhà ở xã hội
Nói như vậy không có nghĩa là thị trường mua bán nhà ở xã hội bị "đóng băng" mà trái lại còn rất nhộn nhịp.
Nửa cuối năm 2016, nhiều người đang đổ xô đi tìm kiếm và mua nhà bởi đây là thời điểm được các chuyên gia bất động sản đánh giá là thị trường tương đối ổn định.
Mang tâm lý lo sợ mất cơ hội mua nhà giá rẻ, nhiều người thu nhập thấp đã mua lại những căn hộ chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, thông qua môi giới để tìm kiếm cơ hội mua nhà, bất chấp mọi rủi ro tiềm ẩn... đây cũng là cơ hội cho nhiều đối tượng "đục nước béo cò", khiến chính những người có thu nhập thấp gặp thiệt hại, mất hàng trăm triệu đồng mà không biết kêu ai.
Thực tế này đòi hỏi nhà chức trách cần nhìn lại việc triển khai, thực hiện chính sách nhà ở, nhất là công tác xét duyệt danh sách mua nhà, giám sát của các cơ quan chức năng cũng như giải bài toán đẩy nhanh nguồn cung nhà giá rẻ, nhà cho thuê phục vụ nhu cầu bức thiết về nhà ở của người thu nhập thấp.
Nhà nước nên "tiếp sức" để giải bài toàn nguồn vốn?
Hiện nay trên thế giới, Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những nước giải quyết tốt nhất vấn đề nhà ở cho người dân.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra các phương án quy hoạch tổng thể và điều lệ chặt chẽ để kiểm soát việc mở rộng đất đai, đồng thời xây dựng các ưu đãi đối với nhà đầu tư, người mua nhà như miễn giảm thuế thu nhập, thuế đất...
Để đảm bảo nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thấp, chính phủ Hoa Kỳ còn xây dựng chính sách thuê nhà và hỗ trợ nhà ở bằng việc xây dựng "chứng chỉ nhà ở" cho những người có nhà ở xã hội. Chứng chỉ này giúp người dân có thể tự do lựa chọn phòng, nhà cho thuê và chỉ phải nộp tiền thuê không vượt quá 30% tổng thu nhập của gia đình...
Ở châu Á, Nhật Bản cũng là một trong những nước thực hiện thành công quy hoạch nhà ở cho người thu nhập thấp bằng hệ thống chính sách hỗ trợ và pháp lý đảm bảo về nhà ở. Cụ thể, người nghèo Nhật Bản không cần phải mua nhà ở mà chỉ cần thuê.
Chính phủ nước này thực hiện cung cấp nhà ở phúc lợi bằng hình thức cho thuê nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Nguồn vốn đầu tư xây dựng loại hình nhà ở xã hội, do nhà nước cung cấp, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm bố trí đất, tổ chức xây dựng và quản lý.
Hiện nay, những nước phát triển cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản khá đa dạng từ các định chế tài chính, từ các quỹ đầu tư, quỹ tiết kiệm hay quỹ hưu trí, các dòng vốn FDI, FII... Còn tại Việt Nam cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản vẫn chủ yếu dựa vào 2 nguồn chính đó là từ ngân hàng và vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân.
Tại các ngân Hàng lớn như Vietin Bank, Vietcombank, có một số ưu đãi cho người mua nhà và với thị trường bất động sản nói chung đó là: tạo ra gói ưu đãi lãi suất áp dụng cho dự án hoặc áp dụng gói lãi suất thấp kết hợp hợp tác với chủ đầu tư về việc cho thuê nhà. Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ trả thay lãi suất cho khách hàng, để khách hưởng gói ưu đãi, không phải trả gốc, trả lãi cho đến khi nhận nhà.
Để giải quyết bài toán nguồn vốn mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đã từng nêu ra quan điểm có thể duy trì hai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà: Một là gói tín dụng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội; Hai là gói tín dụng từ nguồn vốn ở các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, các ngân hàng này phải dành ít nhất 3% tổng dư nợ để cho vay nhà ở xã hội. Nếu làm được những điều này, cơ hội mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp sẽ nhiều hơn.