Đức là kiến trúc sư, làm việc cho một công ty trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Đức lấy vợ sớm, ngay khi mới ra trường. Vợ là giáo viên một trường mầm non gần Trung Kính. Làm việc gần nhau, nên sau thời gian suy ngẫm, Đức quyết định mua một căn nhà cách khu vực đó tầm 5 – 6km để tiện đi lại, chăm sóc 2 đứa nhỏ, đứa lớp 5, đứa lớp 3.
Liều một phen
500 triệu là khoản tiền sau 10 năm vợ chồng Đức tích cóp được. Thu nhập không thấp, nhưng với cặp vợ chồng tay trắng từ quê ra, thuê nhà, nuôi 2 con nhỏ, quả thực, dành dụm được số tiền ấy là một nỗ lực lớn. Vì thế, khi nghe tin vợ chồng Đức quyết mua một căn hộ chung cư cỡ vừa mà phải vay đến gần 800 triệu đồng, nhiều người cũng cảm thấy ái ngại cho vợ chồng anh.
Nhưng rồi Đức vẫn quyết, dù sau những lời bàn tán, vợ anh lại cảm thấy lăn tăn. Theo Đức, suốt mấy tháng vừa rồi, chỉ vì chuyện nhà cửa khiến vợ chồng phải đau đầu, thậm chí phát khóc khi gặp những chủ trọ oái oăm. Để tiết kiệm chi tiêu, vợ chồng cậu thuê những căn phòng cấp 4, lợp mái tôn. Hè đến, phòng nóng như buồng xông hơi, nhưng điều hòa không dám lắp, vì điện chủ trọ tính tới 4.000 đồng/số.
"Hơn nữa, đó chẳng phải nhà mình. Bẩn thỉu, hôi hám, đắt đỏ, trộm cắp và cả những vị hàng xóm thiếu ý thức, đó là những gì phải chịu đựng khi sống trong những khu trọ chật chội", Đức nói. Khoản vay 800 triệu sẽ là một áp lực không nhỏ, nhưng anh cho rằng “nhà mình vẫn hơn”. Chưa kể biết đâu mua nhà, đổi vận, công việc sẽ tốt đẹp hơn, thu nhập tốt hơn.
Có lần rảnh, ngồi chat với cô bạn cùng đại học mới biết cô ấy vừa nhận nhà. Một chung cư ngoại ô, 59m2, 2 phòng ngủ, giá 1,3 tỷ đồng.
Hơi ngạc nhiên, bởi cách đó vài tháng, trong dịp về tựu trường, gặp cô, cô vẫn còn than làm sao mua được nhà Hà Nội bây giờ. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, có quyết đoán và mạo hiểm. Cô giỏi, chồng cô giỏi, nhưng làm đến mấy cũng chẳng nổi vì cô sinh liền tù tì 3 nhóc, con lại ốm yếu, phải đi viện suốt, vì thế cũng không dư dả gì. Ấy vậy mà cô dám liều.
Căn hộ cô mua, dù thuộc loại rẻ nhất thị trường, hai vợ chồng cũng phải vay ngân hàng 700 triệu. 30% còn lại thì một nửa là vay người thân không phải trả lãi. Tính theo lãi suất lên tới 10%/năm như hiện nay thì mỗi tháng cô sẽ phải trả đến cả chục triệu đồng, chưa kể vẫn phải đi thuê nhà, vẫn phải đi nuôi con, vẫn phải tích lũy đề phòng đêm hôm lại ôm con vào viện… Nhưng cô vẫn quyết mua
"Người tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp như chúng tôi, dù sang dù hèn, dù ngồi được vào chiếc ghế nào đi nữa vẫn luôn bất an và lo sợ một ngày nào đó sẽ bị thành phố “đá đít”. Có lẽ điều đó khiến mơ ước có một ngôi nhà luôn chảy bỏng", cô tâm sự.
Xa vời giấc mơ
Bắt đầu từ khoản tiết kiệm 10 triệu, 50 triệu, rồi đến 100 triệu, rồi 300 triệu, cũng gọi là nhiều, nhưng rồi thế vẫn chưa phải là đủ, khi giá nhà cứ tăng vù vù phi mã không dừng lại, rồi lại vượt tầm với, trong khi tốc độ tích lũy thì vẫn vậy. Chưa kể, mấy đứa trẻ càng lớn thì tiền chi càng nhiều.
Quyết liều như Đức hay cô bạn cùng cấp 3 của tôi thực tế không nhiều, bởi thêm một chút tiền là một chút lo. Cách đây vài năm, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục, tại Hà Nội xuất hiện hàng loạt dự án chung cư giá rẻ của Tập đoàn Mường Thanh, Phúc Hà, Geleximco…, với giá bán trên dưới 12 triệu đồng/m2, dưới 1 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, người mua được vay vốn hỗ trợ 50%, thậm chí 70 - 80% giá trị căn hộ, nên hầu như các dự án mở bán trong giai đoạn này đều bán hết chỉ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, đặc biệt là cuối năm 2015 và trong năm 2016, phân khúc nhà vừa túi tiền đã bị lu mờ trước phân khúc trung và cao cấp. Kể cả với những dự án được coi là nhà ở giá rẻ, mặt bằng giá cũng đã được đẩy lên, thấp nhất cũng 19 - 20 triệu đồng/m2. Chưa kể, để mua được căn hộ ưng ý, người mua có thể mất thêm hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu tiền chênh lệch.
Cách đây khoảng một năm, đã có những hy vọng về nhà ở giá rẻ khi một số doanh nghiệp bất động sản tung tin bỏ vốn đầu tư. Trong đó, có cả những tên tuổi lớn như Vingroup, khi tập đoàn này nói sẽ “lấn sân” sang phân khúc bất động sản bình dân bằng việc ra mắt thương hiệu VinCity. Dự kiến, trong 5 năm tới, tập đoàn này sẽ triển khai từ 200.000 - 300.000 căn hộ giá rẻ. Ngay sau Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh cũng tuyên bố sẽ bán các chung cư tại Hà Nội với giá chỉ từ 500 triệu đồng/căn.
Thế nhưng, đã sang quý 3 của năm 2017,nguồn cung phân khúc này vẫn rất eo hẹp. Trong khi đó, phân khúc nhà ở cao cấp vẫn tăng đều. Các con số thống kê đều cho thấy 70% nhu cầu thực hiện nay là người thu nhập trung bình, nhưng thị trường có 80% nguồn cung là bất động sản trung cấp, cao cấp.
Thêm vào đó, kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chấm dứt, người mua nhà phải đi vay với lãi suất tương đương lãi suất vay kinh doanh, thậm chí còn cao hơn. Ngoài ra, việc áp dụng lãi suất theo hình thức "sáng nắng, chiều mưa, trưa thả nối" thì gần như chẳng có khách hàng thu nhập trung bình thấp nào có thể kham nổi, bởi sau 12 tháng ưu đãi, lãi suất thả nổi lại cộng thêm vài điểm phần trăm tính trên lãi suất huy động tối đa.
Cứ thế mà xét thì giấc mơ mua nhà Hà Nội đối với nhiều người vẫn còn rất xa vời.
Theo Reatimes