Aa

Đánh thức cuộc sống như thơ ở Suối Hoa trên đỉnh Ba Vì

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 25/11/2020 - 06:00

Đánh thức phế tích Ba Vì giống như tìm lại những ký ức tốt đẹp trong quá khứ, là tiếp nối một cuộc sống như thơ, hoà mình cùng thiên nhiên.

Lời tòa soạn:

Di sản là giá trị chung của một đô thị, của Quốc gia, là quà tặng của quá khứ cho sự phát triển của đất nước hôm nay. Vì thế, thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, bảo tồn và phát triển không bao giờ đối kháng mà phải nương vào nhau cùng song hành, hay nói cách khác, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, suy cho cùng, vẫn nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn.

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới."

Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì là đề tài đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Câu chuyện của Ba Vì là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà cho cả Quốc gia.

Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn ở địa danh này như thế nào là bài toán cần rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra lời giải.

Trên cơ sở đó, Reatimes tiến hành nghiên cứu và phản biện, với những góc nhìn đa chiều và khoa học, thực hiện và đăng tải tuyến bài: Đánh thức tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

TÌM LẠI NHỮNG DẤU ẤN CHỐN CŨ

Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ là một trong những người Việt ít ỏi có những kỷ niệm gắn bó với thị trấn Pháp trên núi Ba Vì. Trong câu chuyện của gia đình ông có thể cảm nhận một cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh núi đang thức dậy sau giấc ngủ dài gần một thế kỷ.

Chuyện nhà ông Lữ hình thành từ những tư liệu gốc trong lưu trữ gia đình, ký ức về những năm tháng sống trên đỉnh núi từ năm 1944 đến năm 1948, hành trình tìm thấy và trở lại di tích nhà Ba Vì và cả những cảm hứng đẹp đẽ, hào sảng từ những người đã và đang bảo tồn và phát triển ở nơi linh thiêng núi Tản.

Ông Lữ là con trai cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, một trong số ít những người Việt sở hữu nhà ở thị trấn Pháp trên đỉnh Ba Vì những năm 1944.

Kể lại hành trình tìm lại ký ức của gia đình ở độ cao 1.000m, ông Lữ chia sẻ: “Mới đầu, bố tôi mua đất và dựng một nhà lá chừng 50m2 nền để ở tạm. Sau là nhà xây 200m2 nền, bằng cả bê tông, gạch, đá, mái lớp ván gỗ thông phủ nhựa đường. Năm 1944, thời cuộc không yên, việc xây nhà trên núi cao khó khăn về mọi mặt. Phải là người rất quyết tâm và yêu Ba Vì lắm mới có thể vượt qua những khó khăn ấy”.

Họa sĩ Trịnh Lữ bắt đầu hành trình tìm dấu vết “cuộc sống Suối Hoa” từ 2007. Ròng rã hai năm, với sự giúp đỡ của kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì, ông mới tìm thấy ngôi nhà của gia đình từ hơn 70 năm trước, bây giờ đã là phế tích nằm khuất dưới cây cối rừng già, chỉ còn những góc tường đá rễ cây bao bọc.

Từ bấy đến nay, năm nào cả gia tộc họ Trịnh cũng đều lên Ba Vì để sống lại cảm giác xưa kia. Hai người chị lớn của ông Trịnh Lữ, bà Trịnh Thị Nhạn, cựu cán bộ Ban biên tập đối ngoại Thông tấn xã Việt Nam và bà Trịnh Ngọc Anh, nghệ sỹ đàn dương cầm, dù đã xấp xỉ tuổi 90 nhưng ký ức về "cuộc sống Suối Hoa" đỉnh núi vẫn chưa hề phai nhạt trong ký ức họ.

Ông Trịnh Lữ nhớ lại: “Mưa rừng, sương núi, những đàn chim trĩ, muôn loài bướm, bọ cành cây, chim chóc đủ màu, cua suối… Rồi con Vàng con Bạc, hai chú chó bắt cua rất giỏi, mà mỗi lần run sợ chúi nấp trong nhà là chúng tôi biết có hổ đến gần, sáng sớm hôm sau phân hổ còn nóng hổi ngay rìa vườn rau.

Bố Ngọc không cho ai dùng súng bao giờ. Nhà thơ Quang Dũng có lần đem súng săn lên Nhà Ba Vì, bị bố Ngọc mắng mãi, đến những năm cuối đời chú vẫn vừa cười vừa nhắc lại.

Các bác hướng đạo thân thiết với gia đình cũng thường lên ở với chúng tôi, người một hai ngày, người hàng tuần lễ. Bác Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, Nhữ Thế Bảo… Trai cả của bác Thúy lên ở nhà Ba Vì từ tuổi 13, sau này thành anh rể cả của chúng tôi…”.

"Cuộc sống Suối Hoa" chỉ kéo dài được khoảng 4 năm. Vào năm 1948, tình hình chiến sự khiến ông Trịnh Hữu Ngọc buộc phải đưa vợ con trở lại Hà Nội. Nhà Ba Vì mà ông gây dựng cho tương lai con cháu đã chìm thành ký ức.

Thời cuộc làm đứt gãy giấc mơ Suối Hoa của gia tộc họ Trịnh, cho đến khi Melia Ba Vi Mountain Retreat, dự án mà ông Trịnh Lữ gọi là “những tráng sĩ lãng mạn” đánh thức núi thiêng Ba Vì: “Với chúng tôi, Melia Ba Vì đã đánh thức cuộc sống Suối Hoa rất xứng đáng với Non Tản linh thiêng.

Nhà cửa nép mình như được núi rừng che chở, lối đi nào cũng được đặt tên hoa cỏ Ba Vì, chim thú có chỗ ở yên ổn giữa thiên nhiên, phòng người ở nào cũng nhìn thấy cây lá núi rừng ngay cửa sổ…

Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ.

Một tấm bản đồ cho du khách giữa rừng, một biển báo sắp vào nơi cư trú của chim muông, một bảng gỗ nhắc nhở du khách có thể cho muông thú ăn vào giờ nào, và đặc biệt là những chuồng gà hình tam giác, rất giống trại gà của gia đình chúng tôi sau Nhà Ba Vì thời xưa, xúc động lạ lùng.

Tất cả những chi tiết ấy là hình hài của một tình yêu vô bờ của người phục dựng cuộc sống Suối Hoa. Thái độ nâng niu núi rừng rất lãng mạn ấy khiến chúng tôi tin chắc rằng tương lai của Melia Ba Vì thực sự đã diễn ra rồi”.

Bạn ông Trịnh Lữ, họa sĩ Thành Chương vẫn thường nói về Melia Ba Vì rằng, những việc như thế này, chỉ có tình yêu tận hiến mới làm được… Và thật vui khi nhìn thấy những nền móng phế tích cũ được nâng niu, trân trọng, được hồi sinh trong một không gian rất thơ mộng tại Melia Ba Vì.

Theo họa sĩ Thành Chương, chỉ khi được đầu tư và phát triển đúng, thì chúng ta mới giữ được rừng, và bảo tồn được văn hoá: “Tất cả những công trình hiện nay dù chỉ còn là phế tích, nhưng ta cũng có thể hình dung được những công trình mọc lên của người Pháp, đều được gắn kết thật nhuần nhuyễn với thiên nhiên, tạo nên một không gian, cảnh quan văn hoá thật đẹp”.

KHÔNG THỂ LÃNG QUÊN KÝ ỨC

Ở mảnh đất trăm năm lịch sử ấy không chỉ có Nhà Ba Vì, mà còn có sự tồn tại của gần 200 nền phế tích do người Pháp ây dựng thị trấn và khu nghỉ mát cách đây gần 100 năm. Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, qua khảo sát sơ bộ, tài liệu liên quan đến núi Ba Vì có gần 200 hồ sơ thuộc trên 10 phông tài liệu và nhiều cuốn tư liệu liên quan đến Phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Nha Nông lâm và Thương mại Đông Dương…

Trong thông tin từ tài liệu lưu trữ, từ cuối thế kỷ 19 người Pháp đã đến Sơn Tây cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc khác vì mục đích quân sự. Đến đầu thế kỷ 20, đã dần có sự xuất hiện của các điền chủ người Âu với nhiều đồn điền, trang trại, sau đó là các khu nghỉ mát được xây dựng.

Năm 1942, trong báo cáo Công sứ Sơn Tây Tucat đã đánh giá: “… khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lại lợi ích cao hơn Tam Đảo…”. Đến năm 1944, khá nhiều công trình đã được xây dựng ở đây. Nhờ vậy, các hoạt động khai thác du lịch và nghỉ dưỡng đã hình thành.

Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm, với khối lượng hàng nghìn trang tài liệu hành chính và các bản đồ quy hoạch và bản vẽ thiết kế về thị trấn Pháp ở Ba Vì có thể từng bước “vẽ” lại lịch sử Ba Vì từ gần 100 năm trước đến nay.

“Sau nhiều năm, các công trình hầu như không còn hoặc chỉ còn lại dấu tích ở nơi đây. Các dấu tích mà hiện nay đang được coi là phế tích trên đỉnh Ba Vì là một những di sản cần được trân trọng và phát huy giá trị cho các thế hệ, không thể để chúng mãi là các phế tích, không để Ba Vì bị bỏ quên”, Giám đốc trung tâm lưu trữ Quốc gia I trăn trở.

Hoạ sĩ Thành Chương.

Còn theo hoạ sĩ Thành Chương: “Nếu nghĩ bảo tồn di sản theo cách thông thường, chúng ta sẽ giữ nguyên những phế tích này và nó sẽ mãi mãi bị chôn vùi, hoang sơ rồi tàn lụi. Chúng ta đều biết, phế tích tại đây chính là sự giao thoa, hoà trộn giữa văn hoá châu Âu và châu Á. Những gì thuộc về văn hoá, cần phải được bảo tồn, nhưng muốn bảo tồn, ta phải phát huy được giá trị của nó. Nếu không, những nét đẹp văn hoá của quá khứ sẽ bị chôn vùi.

Để biến phế tích thành giá trị phục vụ cho đời sống ngày hôm nay, chúng ta cần phải hiểu cái gốc, cái cốt lõi của khu vực núi Ba Vì là rừng nguyên sinh. Những khu rừng nguyên sinh quý giá như thế này không còn nhiều ở Việt Nam và thế giới. Rừng quốc gia Ba Vì còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá và tâm linh của người Việt. Vì vậy, muốn phát triển, ta phải luôn đề cao giá trị của rừng, lấy rừng nguyên sinh làm gốc. 

Khu của chúng ta đang làm, đã đi đúng theo hướng là bảo vệ rừng nguyên sinh đó. Tất cả các công trình đều không động chạm và làm ảnh hưởng một chút gì vào khu rừng nguyên sinh. Chúng ta đã phát triển, khai quang, phát sáng, đem giá trị của nó phục vụ cho đời sống hiện tại”.

Vị hoạ sĩ này cũng cho hay, nhiều bài học về bảo tồn và phát triển cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm như các địa phương Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt… Văn hoá Đông Dương là kết hợp của kiến trúc văn hoá phương Tây và phương Đông. Tinh thần văn hoá Đông Dương rất có giá trị, luôn được quan tâm và đánh giá cao, thu hút và rất hấp dẫn với thế giới. Dãy núi Ba Vì có rừng nguyên sinh, có di sản văn hoá của người Pháp để lại, là kho báu vô cùng quý giá. Để kho báu được toả sáng và trường tồn, là trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top