Lời tòa soạn:
Di sản là giá trị chung của một đô thị, của Quốc gia, là quà tặng của quá khứ cho sự phát triển của đất nước hôm nay. Vì thế, thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, bảo tồn và phát triển không bao giờ đối kháng mà phải nương vào nhau cùng song hành, hay nói cách khác, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, suy cho cùng, vẫn nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn.
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới."
Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì là đề tài đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Câu chuyện của Ba Vì là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà cho cả Quốc gia.
Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn ở địa danh này như thế nào là bài toán cần rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra lời giải.
Trên cơ sở đó, Reatimes tiến hành nghiên cứu và phản biện, với những góc nhìn đa chiều và khoa học, thực hiện và đăng tải tuyến bài: Đánh thức tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Từ tư duy của các Thủ tướng tới một Ba Vì đang bị lãng quên
Nhân nhắc về câu chuyện bảo tồn và phát triển các phế tích tại Ba Vì, KTS. Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng kể rằng: Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mấy lần lên thăm Vườn quốc gia Ba Vì. Ông Tấn Vạn được may mắn có lần đã chứng kiến sự ngỡ ngàng của Thủ tướng khi đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên đầy hoang sơ và rất huyền bí của nơi này. Ông thầm khen tầm nhìn của người Pháp từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX mà sao đã sớm phát hiện ra khu rừng đặc biệt này và họ đã biến nơi này thành khu du lịch cho các sĩ quan thực dân hưởng thụ với sự đầu tư xây dựng ngót 300 biệt thự lớn bé (theo địa chính thời thuộc Pháp ghi lại).
Từ đó đã biến nơi đây trở thành một thị trấn nhỏ trên núi cao có đầy đủ, nào là nhà thờ, nhà văn hoá, khu giải trí cho sỹ quan thực dân, khu biệt thự cho giới nhà giàu người Việt mua đất tự xây, có nhà thiếu nhi, bệnh xá... Thật là tiếc sau biết bao biến động của lịch sử, những khu nghỉ dưỡng đã trở nên hoang phế rất phí phạm.
Những phế tích trên bình độ 400m, 600m và 800m của núi Ba Vì đầy huyền ảo lại càng làm ông Võ Văn Kiệt thêm ước mong xen lẫn nuối tiếc trước một phế tích để hoang. Ông Võ Văn Kiệt nói với ông Vạn, đại ý rằng: Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên...
Sau này, Thủ tướng kế nhiệm là ông Phan Văn Khải. Ông Khải cũng đã từng đi cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng lên Vườn quốc gia Ba Vì rồi thả bộ trong rừng. Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó từng nói là cảnh quan nơi này quá đẹp và nên phục hồi lại du lịch nghỉ dưỡng của Pháp xây dựa trên cơ sở bảo tồn môi trường rừng. Lúc đấy, Thủ tướng đã có ý chọn chỗ cạnh nhà biệt thự cũ của vua Bảo Đại ở bình độ 400m để làm nhà công vụ của Chính phủ, nhưng rồi sau đó Chính phủ cũng chưa có điều kiện triển khai. Song ông vẫn nhắc với nhiều người là nơi đây rất nên phục hồi làm du lịch thì rất tốt.
Và, rất lạ, lại có một ý tưởng khá thú vị như Tổng Bí thư Đỗ Mười. Có hồi ông đi công cán nước ngoài về đã nói lại một ý là cần học bạn bè quốc tế. Ông Khải rất tâm đắc khi nghe Tổng Bí Thư Đỗ Mười nói: Ở Trung Quốc, họ xây dựng cả một khu gọi là Trung Nam Hải, ở Nga thì họ có Shochi, còn ở Mỹ thì họ có Trại David...
Ba Vì thực sự là một cơ hội tốt để tạo ra một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời, chứ không chỉ là một công cụ kinh doanh.
Những khu này, họ chuyên để đón tiếp các nguyên thủ sang thăm và làm việc theo lối kết hợp nghỉ dưỡng để đàm đạo thêm những việc quốc gia đại sự sau khi rời khỏi các cuộc đàm phán chính thức. Cách làm việc dạng này thường rất hiệu quả. Nhiều khi chỉ là chuyến thăm không chính thức, không muốn cho truyền thông can dự thì họ cũng sẽ đến đó. Còn ở Hà Nội mà khách ở lâu quá đâu có gì lạ và sao tránh được nhiều người biết. Nhưng ở một vị trí đắc địa, lại gần Hà Nội thì quá hiếm nơi nghỉ dưỡng tuyệt đẹp và chan hoà cùng thiên nhiên như Khu Tản Viên sơn, Ba Vì.
Trải qua nhiều năm, Ba Vì đã trở thành địa chỉ tâm linh kết hợp du lịch của du khách cả nước. Vào những ngày giỗ và ngày sinh của Bác Hồ, du khách lại càng đến đông, nhiều khi tắc nghẽn cả đường đi. Đó là một điều đáng mừng. Song để tạo sự hấp dẫn hơn cho cả vùng du lịch tâm linh có lẽ cần cho xây dựng thêm nhiều các biệt thự nghỉ dưỡng trên nền biệt thự cũ và có kiến trúc cổ xưa tuy nhiêu với một tỷ lệ nào đó là hài hoà. Nếu không để lại nhưng phế tích cũ chút nào cũng là không nên vì chính nó sẽ phá đi vẻ đẹp huyền bí của nó đâu dễ có được.
Đã tới lúc chúng ta nên suy nghĩ thêm vấn đề nói trên từ những ý tưởng rất mới của các nhà lãnh đạo, đặc biệt là tư duy rất mới, đậm tính thời sự của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đánh thức Ba Vì là trách nhiệm của các thế hệ
Ông Alvaro Paredes, một trong những kiến trúc sư phục dựng các phế tích Pháp trên núi Ba Vì để thực hiện dự án Melia Ba Vì Mountain Retreat đã chia sẻ: “Ngay khi đến Ba Vì, điều đầu tiên cảm nhận được đó là một nơi rất khác biệt với rất nhiều dấu ấn lịch sử không chỉ trên các công trình mà còn ở không gian nơi đây.
Ngay lập tức chúng tôi đã có suy nghĩ phải bảo tồn được bởi lẽ đây chính là giá trị cốt lõi, là linh hồn của dự án. Sự giàu đẹp và phong phú của các công trình lịch sử nơi đây, không chỉ là ở các phế tích, mà bạn còn thấy cả một câu chuyện lịch sử, văn hóa của người Pháp khi họ ở Việt Nam đầu thế kỷ trước.
Vì thế, câu hỏi đầu tiên đặt ra cho một nhà thiết kế như tôi đó là chúng ta muốn thấy nơi này trông ra sao? Chúng ta muốn thiết kế như thế nào và sẽ làm gì với những thứ sẵn có ở đây?
Đây là một nơi không giống nơi nào ở Việt Nam. Do đó câu trả lời rất rõ ràng cho chúng tôi là phải bảo tồn nơi này và phát huy các phế tích một cách hài hòa, phải để mọi người có thể chiêm ngưỡng các công trình trước đây. Tôi nghĩ, Ba Vì thực sự là một cơ hội tốt để tạo ra một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời, chứ không chỉ là một công cụ kinh doanh”.
Với phương châm “Bảo tồn để phát triển - Phát triển để bảo tồn”, các chuyên gia đánh giá, Melia Ba Vì Mountain Retreat đang phát huy giá trị thương hiệu của mình, đã nghiên cứu toàn diện từ quy hoạch, từ tổ chức không gian đến các giải pháp phát huy hiệu quả các phế tích Pháp tại khu nghỉ Ba Vì để tôn tạo theo hướng kiến trúc xanh, thông minh phù hợp với yêu cầu phục vụ tốt nhất, văn minh hiện đại nhưng vẫn phải gìn giữ được bản sắc kiến trúc nguyên bản một cách có chọn lọc...
Dãy núi Ba Vì có rừng nguyên sinh, có di sản văn hoá của người Pháp để lại, là kho báu vô cùng quý giá.
Tuy nhiên, để “người đẹp” được “đánh thức” thực sự vẫn cần một quy hoạch tổng thể. Từ giao thông, nguồn nước, môi trường... đặc biệt là về quản lý và phát triển dự án.
Vườn Quốc gia Ba Vì nằm trong dãy núi Ba Vì được chia thành 3 cấp độ quản lý, trong đó, từ cao độ 400 - 1.200m so với mực nước biển là rừng nguyên sinh được bảo vệ đặc biệt cấp Quốc gia nên những chuyên gia nghiên cứu cho rằng cần phải xem xét về góc độ quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong công tác quản lý từng khu du lịch.
Các hoạt động bảo tồn, tôn tạo hay xây dựng bổ sung cần đảm bảo những nguyên tắc quan trọng là tuân thủ hệ thống các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt về xây dựng, lâm nghiệp, giao thông, bảo vệ môi trường…
Không phá vỡ hay tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan, thiên nhiên. Tôn trọng các tư liệu, dấu tích lịch sử, văn hóa và đảm bảo tính khoa học trong các lĩnh vực bảo tồn, phát triển kinh tế, xã hội.
Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì được giới khoa học nhìn nhận là đúng hướng. Đó là giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Có thể nói, giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng tại cốt 600 đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc bảo tồn và phát triển phế tích.
Theo hoạ sĩ Thành Chương cũng bày tỏ: “Nhiều bài học về bảo tồn và phát triển cần được chúng ta nghiêm túc rút kinh nghiệm như các địa phương Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt… Văn hoá Đông Dương là kết hợp của kiến trúc văn hoá phương Tây và phương Đông. Tinh thần văn hoá Đông Dương rất có giá trị, luôn được quan tâm và đánh giá cao, thu hút và rất hấp dẫn với thế giới. Dãy núi Ba Vì có rừng nguyên sinh, có di sản văn hoá của người Pháp để lại, là kho báu vô cùng quý giá. Để kho báu được toả sáng và trường tồn, là trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay”./.