Trong bối cảnh thị trường bất động sản liên tục chứng kiến các cơn sốt đất thời gian gần đây, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản. Chính sách này được đưa ra được kỳ vọng sẽ chống đầu cơ nhà đất, giảm giá bất động sản trên thị trường.
Trong khi một số ý kiến đồng thuận thì cũng có không ít ý kiến cho rằng cần xem xét thận trọng việc đánh thuế nhà đất bởi đánh thuế thời điểm này chưa thật sự phù hợp và không giải quyết được tận gốc cơn sốt bất động sản, nếu miễn cưỡng đánh thuế sẽ khiến giá nhà tăng thêm, người nghèo càng gặp khó khi tiếp cận nhà ở.
Đánh thuế bất động sản không giải quyết được gốc của cơn sốt đất
Báo cáo mới đây nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu. Tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn chưa được tháo gỡ đẩy giá bất động sản tăng cao, dẫn đến tình trạng đầu cơ, lướt sóng. Chính vì vậy, để hạ giá nhà, việc từ gốc cần là tăng nguồn cung, không phải là đánh thuế tạo sức nặng tâm lý ngắn hạn lên nguồn cầu.
Theo đó, giải pháp căn cơ để tạo nguồn cung trên thị là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Sản phẩm bất động sản dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Giải pháp này vừa giúp tạo lập một thị trường bất động sản ổn định vừa giúp kéo giảm giá nhà, tăng thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân. Một khi thị trường ổn định, tình trạng đầu cơ sẽ được kiểm soát.
Cùng quan điểm với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều chuyên gia cũng cho rằng giải pháp dùng thuế để chống đầu cơ không phải là gốc của vấn đề. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com khẳng định giải pháp quan trọng nhất vẫn là "nắn" dòng tiền vào sản xuất. "Như chúng ta đã thấy, sốt đất kỷ lục diễn ra vào đúng thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, dịch càng trầm trọng, sốt đất càng gia tăng. Dòng tiền đổ vào bất động sản mạnh lên sau mỗi làn sóng dịch bệnh".
"Khi dòng tiền không thể tái đầu tư sản xuất do dịch bệnh thì sẽ tìm cách đổ vào đất đai, chứng khoán. Việc "nắn" dòng tiền vào sản xuất chỉ đi kèm khi chúng ta đẩy mạnh hồi phục kinh tế, sản xuất hiệu quả trở lại chứ không đơn thuần chỉ là việc đưa ra các sắc thuế", ông Quốc Anh nêu quan điểm.
Giá bất động sản vẫn sẽ tăng trong dài hạn ngay cả khi đánh thuế
Các nhà đầu tư bất động sản cho rằng hiện nay đã có quá nhiều loại thuế khi mua/bán/cho thuê bất động sản như thuế trước bạ, thu nhập cá nhân, thuế môn bài, thuế kinh doanh cho thuê… Các loại thuế này được người kinh doanh bất động sản tính vào giá mua bán, giá cho thuê, do đó nếu có thêm khoản thuế khác thì nó cũng sẽ được đẩy vào người dùng cuối (người đi mua, người đi thuê), cũng không giúp giá bất động sản giảm.
Đánh thuế cao sẽ khiến giá bán lẫn giá cho thuê bất động sản tăng, như vậy người dân càng khó tiếp cận nhu cầu nhà ở. Trong khi đó, với các nhà đầu cơ có nhiều tiền thì sắc thuế có đánh cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến họ. Chính vì vậy, theo các chuyên gia chỉ nên đánh thuế với bất động sản không sử dụng chờ đầu cơ, tạo sự bất ổn cho thị trường.
"Tôi cho rằng giá bất động sản vẫn sẽ tăng thôi, làm sao giảm được. Nếu mình áp thuế tài sản vào thì thuế đi đâu, nó sẽ vào giá nhà chứ đi đâu? Người mua nhà, thuê nhà phải chịu, chứ ai chịu. Vì thế, chỉ nên đánh thuế với bất động sản không sử dụng chờ đầu cơ, còn với bất động sản xây cho thuê, kinh doanh, để ở thì nên bỏ qua ", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho biết.
Thực tế cho thấy, trên thế giới dù nhiều nước siết chặt quy định đánh thuế bất động sản nhưng giá nhà vẫn không hề giảm mà vẫn liên tục tăng. Đơn cử như Singapore hay Malaysia cũng đã đánh thuế nhà, tuy nhiên, hiện nay giá bất động sản nước này vẫn tăng rất mạnh. Việt Nam có nhiều khác biệt, nên để đưa ra một chính sách thuế phù hợp theo mô hình các nước đi trước là không dễ dàng, nhất là khi chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về thị trường nhà đất.
Nhìn chung, thuế nhà và tài sản nếu vận dụng hợp lý, có thể giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững, là lực đỡ quan trọng cho nền kinh tế nhưng sẽ là "con dao hai lưỡi" nếu không được tính toán kỹ lưỡng. Bất động sản có sức ảnh hưởng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, xi măng, sắt thép, tài chính, ngân hàng...chính vì vậy, chính sách cho thị trường bất động sản càng phải được xem xét kỹ lưỡng./.