Aa

Đánh thuế căn nhà thứ 2: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Thứ Sáu, 08/09/2017 - 02:00

Thời gian gần đây, thông tin về việc đánh thuế căn nhà thứ 2 đã tạo ra làn sóng tranh luận trái chiều trong dư luận. Đây cũng chính là chủ đề được bàn luận trong khuôn khổ buổi tọa đàm "Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2" tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Nhà quản lý nói “xuôi”

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản, trong đó có việc đánh thuế BĐS thứ 2 trở lên để hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, dù hiện nay có nhiều khoản thu liên quan đến BĐS thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế BĐS như thông lệ quốc tế. Trong khi ở nhiều quốc gia, thu từ thuế tài sản là nguồn thu chủ yếu của ngân sách.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn cho rằng, về lâu dài cần có 1 đạo luật để thực hiện vấn đề này và lấy làm tiếc khi trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản BĐS.

"Xuất phát từ thực tiễn gần đây có nhiều ý kiến cần phải đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3 nhưng cần phải có lộ trình: khi nào đánh, đánh bao nhiêu và liệu có quản lý được không, Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia để thực hiện vấn đề này. Việc Bộ Tài chính có báo cáo chuyên đề nghiên cứu thấu đáo về một vấn đề thực tiễn của xã hội thì đó là việc đúng thẩm quyền, đúng chức năng của Bộ", ông Phụng nói.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn.

Dưới góc độ là đại diện cơ quan quản lý về thị trường BĐS, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: "Quan điểm cá nhân tôi khi nói về tài sản ở Việt Nam, nhất là BĐS liên quan đến đất và công trình trên đất, việc thi hành sắc thuế và chống đầu cơ là việc đúng và cần thiết".

Theo ông Phấn, liên quan đến BĐS là nhà đất của hộ gia đình cá nhân, hiện Nhà nước đang đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng mới đánh thuế vào đất chứ chưa đánh thuế vào nhà. Hiện mức thuế là 0,03%, vượt quá giới hạn 3 lần định mức là 0,07%; trên 3 lần hạn mức là 0,15%. Mức thuế này chưa giúp người sử dụng đất sử dụng một cách hiệu quả và chưa chống được đầu cơ.

Ông Phấn cho biết thêm: "Hiện nay, tại một số quốc gia, thuế BĐS là một nguồn thu ngân sách và với mức cao hơn Việt Nam nhiều lần, như Hàn Quốc gấp 3 lần Việt Nam. Chúng ta mới đánh thuế nhà đất đang sử dụng nhưng chưa đánh vào BĐS trên đó và mức chưa đủ để đạt các mục tiêu trên. Chính vì vậy, việc nghiên cứu ở đây sẽ giúp các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính có thêm thông tin tư liệu nghiên cứu về thuế này”.

Ông Phấn nhấn mạnh, cần xem xét kỹ và đưa ra lộ trình phù hợp, thời điểm này chưa nên đặt ra vấn đề đánh thuế. Trước mắt cần xem xét sửa luật thuế đánh thuế đất phi nông nghiệp.

Chuyên gia bảo “ngược”

Tuy nhiên, đi ngược với quan điểm của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, có nhiều ý kiến lo ngại việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên sẽ tác động xấu tới thị trường BĐS, việc áp dụng sắc thuế này có thể khiến thị trường BĐS vừa khởi sắc sẽ trở nên trầm lắng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, việc đánh thuế tài sản không có tác dụng chống đầu cơ vì đầu cơ thường bán ngay, việc đánh thuế có thể sẽ “giết chết” thị trường cho thuê.

Cụ thể, theo ông Hà, nếu đánh thuế cao đối với BĐS thì dẫn đến nguồn cung giảm đi và nếu đánh thuế nhà thứ 2 sẽ ảnh hưởng tới thị trường nhà ở cho thuê.

Dẫn chứng các nước phát triển như Đức, Pháp, châu Âu thị trường nhà ở cho thuê chiếm 70% quỹ nhà còn Việt Nam xấp xỉ trên dưới 10%, đánh thuế thì thị trường nhà ở cho thuê không còn nữa.

Ông Hà cũng cho rằng, thị trường BĐS mới phục hồi 3 - 4 năm nếu tiếp tục sắc thuế mới trong khi thị trường BĐS rất nhạy cảm với chính sách có thể khiến thị trường ảnh hưởng, hàng vạn công nhân có thể gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Đồng quan điểm với ông Hà, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, việc đánh thuế BĐS là không thể, không làm được, vấn đề làm thế nào và đánh thuế bao nhiêu.

“Nếu đánh thuế căn nhà thứ 2 sẽ giết chết thị trường cho thuê. Thuế đó người thuê sẽ gánh chịu vậy người ở nhà thuê phải gánh thêm thuế căn nhà thứ 2, họ sẽ rất khó chịu đựng được vì thu nhập của họ thường là thấp”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, các nước đánh thuế thì đánh thuế cả nhà thứ nhất, do đó ông Hải đề xuất việc đánh thuế cho tất cả BĐS, không chỉ căn nhà thứ 2.

“Tôi nghĩ nếu đánh thuế phải làm như vậy mới đảm bảo sự phát triển ổn định của BĐS. Nếu một chủ nhà có diện tích 1.000m2, họ không đóng thuế trong khi có 2 nhà 50m2/nhà lại phải chịu thuế. Nên đánh thuế cho tất cả các BĐS, có tác động tích cực với thị trường BĐS vì những khu đất có giá trị cao sẽ đi vào khai thác sớm”, ông Hải cho biết.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay, điều chúng ta cần bàn là phải cải cách thêm về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đang được áp dụng. Hiện mức thuế này là 0,03%, trong khi các nước khác là 1%. Nếu như các nước họ sử dụng số tiền thu được từ thuế đất để phát triển hạ tầng đô thị, phát triển dịch vụ đô thị thì ở nước ta lại vay ODA để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ.

"Điều chúng ta cần cải cách đầu tiên là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu thuế cao thì giá đất sẽ thấp và ngược lại nếu thuế thấp thì giá đất sẽ cao. Chúng ta đội thuế lên thì cầu về đất sẽ giảm, có nghĩa là giá sẽ giảm, sẽ có giá đầu vào hợp lý cho quá trình sản xuất, không phải chịu chi phí về đất lớn như hiện nay", ông Võ cho hay.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường BĐS, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm. Đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê, số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu từ những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu.

Cũng theo ông Võ, ý tưởng đánh thuế với nhà ở thứ hai có vẻ áp dụng hơi cứng nhắc cách làm của Singapore. Ông Võ đề xuất, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi "chả ai dại gì đầu tư xịn" để chịu thuế cao hơn.

Không nên so sánh Việt Nam với Singapore

Giám đốc Savills Hà Nội – ông Matthew Powell cho rằng "Chúng ta cần hiểu mục đích đánh thuế BĐS thứ hai là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế để cân bằng. Trong khi đó, tại Việt Nam, thị trường BĐS đang phát triển lành mạnh, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Qua nghiên cứu của chúng tôi có thể thấy việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi áp dụng đánh thuế BĐS thứ hai sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường”.

Theo ông Matthew, Việt Nam không nên áp dụng bài học của Singapore trong việc đánh thuế bất động sản thứ 2 vì đây là 2 trường hợp hoàn toàn khác biệt.

“Singapore đánh thuế nhà ở thứ hai với người dân trong nước từ 3-10%, với người nước ngoài là 10-15% khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, có quá nhiều cầu mà không đủ cung. Nhưng trường hợp của Việt Nam hoàn toàn khác biệt. Cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam”, ông Matthew cảnh báo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top