Mấy hôm nay, việc đảo Phú Quốc, nơi được mệnh danh là Đảo Ngọc, chìm trong nước, biến thành “đảo ngập” trở thành chuyện nóng bởi số phận của hàng nghìn con người phải lặn ngòi ngoi ngóp giữa biển nước. Sau trận mưa tiếp theo ngày 9/8, cả thị trấn Dương Đông gần như "thất thủ", toàn đảo có trên 8.400 căn nhà bị ngập, riêng thị trấn Dương Đông có trên 4.000 căn nhà bị ngập, có nơi ngập sâu tới 2 mét nước.
Nước lụt thì lút cả làng. Hỏa hoạn cùng lắm cũng chỉ trong một phạm vi nào đó và còn có thể lấy nước để dập; còn nước dâng lên, tràn ra thì chả chừa một ai. Vì thế mà ngày trước trong bốn thứ nạn là thủy hỏa đạo tặc, các cụ mới xếp nạn thủy lên hàng đầu, trên cả hỏa, đạo và tặc là vì thế. Mà giặc nước thì cơ cực trăm bề, không những mọi thứ trôi theo dòng nước, màn trời chiếu đất, mà đến những nhu cầu tối thiểu của con người cũng bị ảnh hưởng.
Vẫn biết nắng mưa là chuyện của trời; nhưng một hòn đào nằm giữa biển khơi, bốn bề là nước mà lại lụt kéo dài như thế thì cũng là chuyện không thể không bàn. Hơn nữa, thị trấn Dương Đông điểm xa nhất cách biển cũng chỉ khoảng 5km, mưa to thì cũng chỉ nhất thời rồi nước mưa sẽ nhanh chóng thoát ra biển; ấy vậy mà ngập nặng như thế thì lại là chuyện không hẳn tại trời.
Vậy thì tại ai?
Trong lúc loay hoay tìm câu trả lời, tôi nhìn thấy những bức ảnh trên một trang báo điện tử chụp từ trên cao khu vực Bãi Trường, Dương Tơ, Dương Đông… của Phú Quốc với những khách sạn, resort, shophouse, mini hotel, biệt thự, căn hộ… ken đặc trong các dự án như trò chơi xếp hình, chợt nghĩ về những chiếc ao làng và bỗng hiểu ra tất cả.
Số là ngày trước, nói đến chuyện mưa to gây ngập úng người ta thường chỉ nghĩ đến ở thành phố, mà là thành phố lớn. Còn ở nông thôn, nước mưa từ làng cứ tự nhiên đổ vào hồ ao, thoát ra đồng rồi theo kênh rạch để đổ ra sông nên chẳng bao giờ ngập làng. Ấy vậy mà những năm gần đây, chuyện ngập làng ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ là chuyện thường ngày ở… xã. Làng tôi cũng vậy.
Về quê tìm hiểu mới thấy, cả chuỗi ao hồ trước kia bây giờ đều đã được san lấp hết và nhà cửa mọc lên san sát. Ngay cả những cánh mạ, đầm rau muống ở bìa làng cũng mọc kín nhà cửa. Không những thế, những khu dân cư mới xung quanh làng hầu hết là của những người mới phất lên nên khi làm nhà bao giờ họ cũng tôn cao nền vượt lên hẳn so với khu dân cư cũ giữa làng. Thành thử, vành đai làng mới với những nhà cao tầng, nhà vườn, thậm chí là trang trại bao bọc và biến làng cũ thành lòng chảo, thành cái rốn hứng nước mỗi khi trời mưa.
Cả đến con đường liên xã cũng thế. Ngày trước đường liền với ruộng, nước mưa thoải mái thoát ra cánh đồng. Giờ người ta bám mặt đường xây nhà kín hai bên, nhưng lại chẳng quan tâm đến hệ thống thoát nước; vì thế mà cứ động mưa là đường biến thành sông.
Bài học nhỡn tiền ấy bày ra trước mắt mọi người, bài học về chuyện đánh đổi môi trường lấy kinh tế cũng đã được cảnh báo không chỉ một lần. Vậy mà nó vẫn xảy ra, và càng ngày mức độ càng nghiêm trọng.
Nói như thế hẳn bạn đọc đã hình dung ra, trong thời gian lên cơn sốt “đặc khu”, Phú Quốc đã thành thỏi nam châm thu hút đầu tư với các dự án như bươm bướm để biến mình thành đại công trường với tốc độ đô thị hóa và bê tông hóa nhanh kỷ lục. Hiển nhiên các dự án ấy toàn án ngữ mặt biển và cũng chẳng biết theo quy hoạch cốt nền hay quy hoạch thoát nước nào nên đã biến thành bức tường quây lấy đảo, biến lòng chảo bên trong thành cái rốn nước không lối thoát. Những con đường mới mở hay nâng cấp trong đảo lại vô tình trở thành những con đê chắn ngang dòng chảy tự nhiên. Như vậy thì nước có mà thoát… lên trời và không lụt mới là lạ. Và cuối cùng là người dân gánh chịu.
Việc xảy ra chẳng khác gì chuyện cái ao làng.
Nhưng ở làng với bộ máy không đồng bộ, cũng hầu như chẳng có quy hoạch gì đã là chuyện đáng phê phán; đằng này là đơn vị hành chính nhấp nhổm lên “đặc khu” với cả bộ máy chuyên môn hẳn hoi, chẳng nhẽ cũng vẫn tư duy làng??? Để đến nỗi Phú Quốc “thất thủ”, Phú Quốc phải kêu gọi giải cứu.
Nhưng cả huyện, cả tỉnh, thậm chí cả tỉnh bạn có giải cứu thì cùng lắm cũng chỉ qua được cơn hoạn nạn này. Còn về lâu dài sẽ ra sao? Ai giải cứu cho bức tường bê tông quây chắn kín mặt biển? Ai giải cứu cho môi trường tự nhiên đã bị phá vỡ?
Vẫn biết đây là trận mưa lịch sử. Nhưng một câu hỏi đặt ra, liệu mức độ ngập lụt có nghiêm trọng và kéo dài đến như thế, nếu Phú Quốc không bị chặn sông, lấp suối, phá rừng; và dòng chảy, thoát nước tự nhiên không bị các công trình cản trở?
Tôi không hề muốn té nước theo mưa, cũng không hề muốn cứa thêm vào nỗi đau của người dân lành Phú Quốc trong cơn hoạn nạn. Nhưng cứ nhìn vào hiện tại mà lo. Và thêm nỗi lo lâu dài: Ai sẽ giải cứu cho cái thứ tư duy làng sẽ còn để lại những hậu quả lâu dài, thậm chí là rất lâu dài và có những thứ không thể khắc phục nổi kia?