Phải tăng đủ vốn trước khi năm 2019 kết thúc
Mục tiêu đẩy mạnh tái cấu ngành ngân hàng đến năm 2020 là phải đảm bảo có 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ chuẩn Basel II…
Thế nhưng, đến nay, trong 10 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thí điểm, mới có Vietcombank, VIB, ACB, VPBank, MB và 2 nhà băng nằm ngoài danh sách là OCB, TPBank công bố hoàn tất việc thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Các ngân hàng còn lại hứa hẹn hoàn tất trong năm nay.
Thực tế, không phải nhà băng không muốn tăng vốn, mà kế hoạch này đã được trình cổ đông thông qua trong các kỳ đại hội năm rồi, song rất khó thực hiện, do thị trường khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng chưa thu hút được cổ đông, nhà đầu tư...
Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, ngoài việc tính vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, các ngân hàng còn cần tính vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động mà trước đây chưa có quy định. Do đó, phần vốn yêu cầu đối với các ngân hàng sẽ tăng lên là điều tất yếu. Khó tăng vốn cổ phần (vốn cấp 1), buộc các nhà băng phải tính tới chuyện tăng vốn cấp 2 thông qua việc phát hành trái phiếu.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 mục đích.
Thứ nhất, những trái phiếu kỳ hạn dài có thể được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang khá thấp, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng lớn.
Thứ hai, các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn nữa vì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm còn 40% từ đầu năm 2019.
Áp lực lớn khi giờ G cận kề
Theo tiêu chuẩn Basel II, hệ số CAR cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với của Basel I. Tuy nhiên, việc tính toán lại phức tạp hơn. Báo cáo của Công ty Chứng khoán MB đánh giá, nếu áp dụng theo cách tính của Basel II, thì CAR của các ngân hàng từ tiêu chuẩn Basel I có thể giảm 1 - 3%.
Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, những nhà băng được công nhận sẽ được hưởng cơ chế thoáng hơn về room tín dụng. Tăng trưởng tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều đơn vị hiện nay. Tại họp báo đầu năm 2019, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, có thể cho phép mức tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng đáp ứng Basel II cao hơn các tổ chức tín dụng khác.
Có thể thấy, làn sóng tăng vốn tiếp tục trở thành cuộc đua tranh gay gắt giữa các ngân hàng do nhu cầu lớn mà nguồn lực lại có hạn. Trong cuộc đua này, lợi thế vẫn thuộc về các ngân hàng lớn.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, để đảm bảo CAR theo tiêu chuẩn Basel II, nhu cầu tăng vốn của ngân hàng rất lớn, nhất là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, bởi CAR của các ngân hàng có vốn nhà nước đã tiệm cận mức 9%, mà khi áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
Trong năm qua, hầu hết các nhà băng đều đặt ra kế hoạch tăng vốn, song đến nay, mới chỉ có các ngân hàng tầm trung và lớn thực hiện được mục tiêu đề ra. Năm nay, Nam A Bank đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng so với mức hơn 3.000 tỷ đồng hiện nay. Trong khi đó, Ngân hàng Bản Việt, Kienlongbank không tăng.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, “cửa” cạnh tranh để tăng vốn của các ngân hàng nhỏ rất hẹp. Lý do là, lợi nhuận của các ngân hàng này thấp, nên chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng không giúp vốn điều lệ tăng được nhiều. Trong khi đó, thông tin các ngân hàng này kém minh bạch, thị giá cổ phiếu quá thấp, nên việc tăng vốn thông qua việc phát hành, chào bán cổ phiếu không dễ.
Vòng xoáy đó khiến cho sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ và nhóm ngân hàng nhỏ có nguy cơ bị tụt lại phía sau ngày càng xa hơn. Trong bối cảnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, sáp nhập để gia tăng năng lực cạnh tranh là bài toán cần được tính tới của các ngân hàng nhỏ.