Aa

Tín dụng ngân hàng không siết đột ngột với bất động sản

Thứ Tư, 29/05/2019 - 09:32

Đây là thông tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước tại hội thảo "Đầu tư vào đâu lợi nhuận cao và bền vững?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay 28/5.

Chưa đụng trần tỷ lệ cho vay

Theo ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, việc hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không làm mất đi nguồn vốn của doanh nghiệp. NHNN đã đặt vấn đề thận trọng trong cho vay ở các lĩnh vực rủi ro như dự án BOT, lĩnh vực xây dựng bất động sản từ 2 - 3 năm nay và đây không phải vấn đề mới.

NHNN cũng chuyển sang phương pháp quản lý qua các chỉ tiêu gián tiếp chứ không như trước đây là đưa ra chỉ tiêu cụ thể gồm tổng dư nợ cho vay bất động sản 15%, cho vay chứng khoán 30%... Cụ thể hơn, ông Cường cho rằng có 3 chỉ tiêu sử dụng vốn vay là tổng sử dụng vốn vay, hệ số an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Trong đó, NHNN chủ trương giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% năm nay và giảm ở các năm tiếp theo.

Ông Cường khẳng định chỉ tiêu vốn ngắn hạn này áp dụng cho tất cả ngành nghề, không chỉ riêng bất động sản. Theo ông, ngành bất động sản chỉ chiếm 10 - 12% trong tổng số tiền cho vay trung dài hạn, còn lại là các lĩnh vực đầu tư máy móc, thiết bị, sản xuất. Hơn nữa, thống kê của NHNN cho thấy các nhà băng chỉ sử dụng chỉ tiêu này ở khoảng 35-36% và chưa đụng trần đến 40%. Vì thế, ông khẳng định các doanh nghiệp hãy yên tâm vìngân hàng không hạn chế cho vay vì quy định này.

Ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM KHẢ HÒA

Ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM KHẢ HÒA

Trong khi đó, việc cho vay đối với từng lĩnh vực nói chung hay bất động sản nói riêng tùy thuộc vào sự điều chỉnh của mỗi ngân hàng. Ví dụ sắp tới khoản cho vay kinh doanh bất động sản trên 3 tỉ đồng sẽ được tính hệ số rủi ro là 200% trong khi hệ số rủi ro đối với cho vay nhà ở xã hội chỉ là 50%. Tùy theo khả năng của từng ngân hàng có thể lựa chọn các dự án, khách hàng cho vay phù hợp. Ngân hàng nào hệ số cho vay rủi ro còn thấp thì sẽ thỏai mái hơn trong khi đơn vị nào hệ số đó gần chạm đỉnh thì sẽ thận trọng hơn.

Ông Trần Đình Cường nhấn mạnh: Để điều chỉnh phù hợp với quy định, các ngân hàng có thể điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi trung, dài hạn để thu hút dòng vốn ở phân khúc này. Những chính sách điều tiết vốn từ NHNN có tác động từ từ, đủ thời gian để các bên liên quan điều chỉnh nên tác động của nó không phải là ngay tức thì. Đây cũng là cách quản trị phù hợp theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh mình, có mô hình sử dụng vốn phù hợp hơn.

Sử dụng đòn bẫy tài chính trong đầu tư

Trả lời câu hỏi khả năng vay vốn ngân hàng như thế nào đối với các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói chung và các dự án được giới thiệu ở Cam Ranh, Phú Quốc? Ông Chu Thanh Hiếu, Tổng giám đốc MIK Home khẳng định khi mua căn hộ, vila từ các dự án của MIK Home, khách hàng hoàn toàn được vay vốn. Hiện doanh nghiệp đang hợp tác cùng ngân hàng Techcombank, thế chấp tài sản của doanh nghiệp để cho khách hàng được vay vốn. Bởi liên quan đến vấn đề pháp lý, những căn hộ, biệt thự condotel chưa có giấy xác nhận về sở hữu nên nhà đầu tư mặc dù mua giá trị rất lớn nhưng cũng không thể cầm tài sản đi thế chấp với ngân hàng để vay vốn. Đây là một trong những nút thắt lớn cản trở nhà đầu tư khi có nhu cầu mua căn hộ thứ 2.

Ông Vũ Lý Cung, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và tiếp thị Công ty Danh Khôi Việt, cũng cho biết công ty đang thực hiện 1 dự án ở Cam Ranh, và đang hoàn tất công tác hỗ trợ khách hàng ký được hợp đồng mua bán, được Sở Xây dựng cho phép mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, vấn đề dùng đòn bẫy tài chính từ ngân hàng rất được Danh Khôi Việt chú trọng. “Để hình thành nên 1 dự án second home với quy mô lớn cần sự chung tay của cả khách hàng, ngân hàng, phía chủ đầu tư cũng như đơn vị phát triển dự án”, ông Vũ Lý Cung nhấn mạnh.

Tại hội thảo, một số nhà đầu tư quan tâm đến loại hình “second home” đặt câu hỏi: Dự án nếu hết thời hạn cấp phép 50 năm thì chủ trương xử lý như thế nào? Trên thực tế, các đơn vị đang triển khai dự án giải quyết vấn đề này ra sao? Thủ tục gia hạn có phức tạp hay không? Có cần trả thêm 1 lần chi phí sử dụng nữa hay không?

Ông Chu Thanh Hiếu, Tổng giám đốc MIK Home khẳng định hết thời hạn 50 năm, chắc chắn chủ đầu tư không thu thêm bất cứ khoản tiền nào từ khách hàng. Thủ tục gia hạn sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó.

Đồng tình, ông Vũ Lý Cung, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Công ty Danh Khôi Việt cho biết về cơ bản, chủ đầu tư này cũng phải tuân theo quy định của luật Bất động sản tại thời điểm 30 - 50 năm sau. Vị này nói thêm: các nhà đầu tư cần nắm rõ các khái niệm: thứ nhất, condotel là tài sản gắn liền với đất, nhà đầu tư khi mua gần như sở hữu toàn bộ trang thiết bị, vật liệu… và chắc chắn nhà đầu tư không bị mất đi theo thời gian mà chỉ khấu hao sau thời gian 50 năm sử dụng. Hằng năm, ban quản lý và chủ đầu tư cũng đều phân định rạch ròi khoản khấu hao này khi tiến hành chia lợi nhuận. Tức tài sản gắn liền với đất chắc chắn thuộc về phía khách hàng. Trong khi đó, đối với quyền sử dụng đất/quyền thuê đất của các căn hộ condotel hiện nay còn lấn cấn câu chuyện 50 năm hay lâu dài, cần có thêm các quy định rõ ràng từ phía cơ quan nhà nước thông qua luật Bất động sản sẽ ban hành trong thời gian sắp tới.

Về vấn đề sở hữu nhà có thời hạn nói chung, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ thêm: trong Nghị định 43/2014 của Chính phủ đã quy định trước khi hết hạn 6 tháng, cá nhân chủ sở hữu được quyền làm thủ tục đăng ký gia hạn mà không phải trả thêm tiền sử dụng đất.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top