Aa

Đất dành cho giao thông Hà Nội chỉ đạt một nửa so với quy hoạch

Thứ Sáu, 17/02/2017 - 21:24

Tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2008 đạt 7%, đến năm 2015 đạt 8,9%. Trong khi đó, theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với các đô thị vệ tinh.

Sáng 17/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra việc thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô.

Trong lần đi kiểm tra này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công trình Dự án mở rộng đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nội Bài; kiểm tra thực địa Dự án Cầu vượt đường An Dương và đường Nghi Tàm sau khi điều chỉnh kết cấu đê.

Tại điểm kiểm tra thực địa Dự án Cầu vượt đường An Dương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội báo cáo chi tiết về kết cấu đê sau điều chỉnh. Đơn vị tư vấn và UBND TP. Hà Nội khẳng định sau khi điều chỉnh kết cấu đê vẫn bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng chống lũ, đồng thời tạo điều kiện để mở rộng đường, giảm tải ùn tắc giao thông.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Thủ đô; đồng thời đề nghị Thành phố mời các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn độc lập để thuyết minh, giải thích cho người dân hiểu về kết cấu, khả năng bảo đảm an toàn của phương án hạ cốt đê.

Hiện, đất dành cho hạ tầng giao thông Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 50% so với mục tiêu đề ra

Hiện, đất dành cho hạ tầng giao thông Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 50% so với mục tiêu đề ra

Liên quan đến hạ tầng giao thông thành phố, Báo cáo của UBND Hà Nội cho biết, về hạ tầng giao thông, Thành phố hiện có 20.374 km đường bộ, trong đó 2.003 km do Thành phố quản lý, 1.667 km do quận, huyện quản lý và 16.704 km đường giao thông nông thôn và nội đồng. Thành phố có 6 tuyến đường sắt với tổng chiều dài đường qua địa bàn Thành phố là 145,5km, gồm các tuyến Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh; Gia Lâm-Hải Phòng; Hà Nội-Lạng Sơn; Đông Anh-Thái Nguyên; Hà Nội-Lào Cai; Tuyến vành đai (phía tây).

Điểm đáng chú ý là tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2008 đạt 7%, đến năm 2015 đạt 8,9%. Trong khi đó, theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với các đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn. Trong đó diện tích đất dành cho bến, bãi đỗ xe cần đạt 3-4%.

Giai đoạn 2008 - 2016, thành phố Hà Nội cùng với Bộ Giao thông vận tải đã triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu lắp ghép tại các nút giao, hoàn thành và đưa vào khai thác trên 80 công trình giao thông quan trọng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo quy hoạch, TP. Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, dài 305 km. Hiện tại, Thành phố đang đầu tư xây dựng 2 tuyến: Tuyến số 2A do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hiện đang hoàn thiện dự kiến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng. Tuyến số 3 do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, hiện đang tiến hành xây dựng. Cùng với đó, đang nghiên cứu thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và thu xếp nguồn vốn cho các tuyến số 2 (Nội Bài - Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình); tuyến số 1 (đoạn Ngọc Hồi - Ga Hà Nội); tuyến số 6 (Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi).

Được biết, trong lần kiểm tra này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng sẽ rà soát lại nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô như chuyên ngành như giao thông, nước sạch, thoát nước, điện, quản lý và xử lý chất thải rắn, nghĩa trang...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top