Aa

Vĩnh Phúc: Nhà đầu tư tất bật ngược xuôi “săn“ đất đấu giá

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Hai, 12/09/2022 - 06:06

Dù thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng, ít thanh khoản, nhưng gần đây, phân khúc đất đấu giá tại Vĩnh Phúc lại ghi nhận sự sôi động, có thửa đất trung giá cao gấp 3 lần giá khởi điểm.

Đất đấu giá “lập đỉnh” 

Theo ghi nhận thực tế, một vài tháng trở lại đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều lần lượt tổ chức các phiên đấu giá đất thu hút lượng lớn hồ sơ nộp đăng ký tham dự. Đa phần các thửa đất đấu giá có giá trúng cao gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm.  

Cụ thể, chiều ngày 1/8, tại Hội trường UBND xã Tuân Chính (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã diễn ra buổi công bố đấu giá tổng cộng 22 thửa đất ở nằm trên địa bàn khu Hậu Xá, thôn Phù Chỉnh, xã Tuân Chính. Đấu giá được tổ chức với hình thức bỏ phiếu gián tiếp qua đường bưu điện theo phương thức trả giá lên.

Theo đó, 22 thửa đất này có tổng diện tích là 2.218,6m², bao gồm 21 thửa có diện tích 100m², riêng thửa số C15 rộng hơn có diện tích là 118,6m². Mức giá khởi điểm được đưa ra từ 5 triệu đồng/m² đến 7,5 triệu đồng/m², tức 500 triệu đồng đến 750 triệu đồng/thửa, tùy theo vị trí và diện tích mà có sự chênh lệch. Tiền đặt trước từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/hồ sơ tham gia đấu giá.

 Mới đây, giá khởi điểm tại 10 lô đất thuộc phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ở mức 30 triệu đồng/m². 

Kết quả, trong số 90 hồ sơ đủ điều kiện tham gia, ông Lê Quốc Khánh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là người trả mức giá trúng cao nhất với hơn 1,9 tỷ đồng (19,26 triệu đồng/m²) đối với thửa đất số B53 rộng 100m². Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà (xã Bình Định, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) là người sở hữu mức giá trúng thấp nhất với 958 triệu đồng (9,58 triệu đồng/m²) đối với thửa đất số C8 rộng 100m².

Tiếp đó, tới chiều ngày 15/8, 15 thửa đất tại tổ dân phố số 6, phường Đồng Xuân, TP. Phúc Yên tiếp tục được đưa ra đấu giá tại Hội trường UBND phường Đồng Xuân cũng với hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp một vòng qua đường bưu điện theo phương thức trả giá lên. Diện tích các thửa đều khá lớn, từ 84,41m² đến 135,04m² với mức giá khởi điểm từ 3,5 triệu đồng/m² đến 4 triệu đồng/m². Tiền đặt trước từ 55 triệu đồng đến 85 triệu đồng/thửa.

Kết thúc phiên đấu giá, tất cả các thửa đất đều được đấu thành công với mức giá cao gấp hai, thậm chí gấp ba so với mức giá khởi điểm. Theo kết quả công bố thì mức giá trúng cao nhất là 11,715 triệu đồng/m² (1,3 tỷ đồng) đối với thửa số A3 rộng 111,25m²; mức giá trúng thấp nhất là 7,355 triệu đồng/m² (933,2 triệu đồng) đối với thửa số B5 rộng 135,04m².

Ghi nhận thực tế, ngoài những người trực tiếp tham gia buổi đấu giá ở trong hội trường kín thì bên ngoài cổng UBND cũng có đông đảo người dân và môi giới chờ đợi để nghe ngóng, theo dõi tình hình, thậm chí xem có thửa nào được giá sẽ chốt mua sang tay luôn từ người trúng.

Khảo sát thêm một số vùng khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng liên tiếp tổ chức nhiều buổi đấu giá đất trong thời gian qua.

Đơn cử như cùng ngày 15/8, công ty Đấu giá Hợp danh Vĩnh Yên cũng tổ chức buổi công bố giá tại UBND thị trấn Bá Hiến (huyện Bình Xuyên) đối với 15 ô đất ở thuộc khu Tân Ngọc - Thống Nhất - Bắc Kế. Bao gồm 14 ô đất có diện tích từ 100m² và 1 ô số C01 có diện tích 95m², giá khởi điểm một ô là 1 tỷ đồng đến 1,3 tỷ đồng. Tiền đặt trước từ 200 - 260 triệu đồng/hồ sơ.

Mới đây, tại hội trường UBND phường Đồng Tâm (TP. Vĩnh Yên) diễn ra phiên đấu giá đối với 10 lô đất thuộc dự án đất dịch vụ Đông Đạo, phường Đồng Tâm. Tổng diện tích đất là 1000m² với mức giá khởi điểm cao ngất ngưởng so với nhiều huyện khác, từ 3 tỷ đồng/lô (30 triệu đồng/m²) và tiền đặt trước lên tới nửa tỷ đồng.

So sánh với đất đấu giá cùng thời điểm tháng 8/2022 ở một số huyện vùng ven Hà Nội như Đông Anh hay Ba Vì thì mức giá khởi điểm của TP. Vĩnh Yên thậm chí còn nhỉnh hơn từ 5 - 17 triệu đồng/m².

Nhiều nhà đầu tư và môi giới đợi ở ngoài hội trường UBND để ngóng kết quả phiên đấu giá 15 thửa đất của phường Đồng Xuân (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) (Ảnh: Hà Trang)

Vừa trúng đấu giá, vội vàng "sang tay"

Chuyên đi “săn” đất đấu giá, chị Nguyễn Ánh (33 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết, gần hai tháng nay tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp tổ chức nhiều phiên đấu giá nên bản thân cũng tất bật ngược xuôi. Có những ngày sáng ở một huyện nghe công bố giá, buổi trưa bán sang tay, đến chiều chị đã có mặt ở huyện khác để tiếp tục “săn” đất.

Trong phiên đấu giá ở TP. Phúc Yên hôm 15/8, vợ chồng chị đã trúng tới 11/15 thửa của phường Đồng Xuân. Xác định mua lướt sóng để thu lãi nhanh còn lấy vốn đi đấu giá tiếp ở huyện khác, chỉ sau 5 ngày chị đã bán sang tay hết sạch cả 11 thửa, thu lãi nhẹ chênh từ 30 - 50 triệu đồng/thửa. 

“Đấu giá xong ra đến cổng UBND là đã có rất nhiều “cò” đứng hỏi mua luôn. Chỉ cần chênh nhẹ là mình bán, miễn có lãi gọi là lấy công để nhanh thu hồi vốn còn đi đấu giá tiếp ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Mình sang tay luôn 10 thửa ở cổng UBND, còn duy nhất một thửa số A9 thì về đăng tin trên mạng xã hội và đã bán được sau 5 ngày”, chị Ánh cho hay.

Theo quan điểm của chị Ánh, việc “săn” đất đấu giá rồi bán ngay sau khi trúng lô vẫn an toàn và dễ kiếm lời hơn so với “ngâm” bất động sản trong thời gian dài. Dù chấp nhận sẽ ăn lãi ít hơn nhưng “tích tiểu thành đại”, hơn nữa chỉ cần bỏ ra một khoản tiền phí từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/hồ sơ là đã có thể tham gia phiên đấu giá một cách hợp lệ.

Không khí sôi động bên trong hội trường phiên đấu giá 22 thửa đất tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (Ảnh: Hà Trang)

Trước đó, chị Ánh cũng là một trong số 90 người nộp hồ sơ tham gia phiên đấu giá ở huyện Vĩnh Tường nhưng không trúng được thửa nào. Theo đánh giá của chị Ánh, khu đất đấu giá ở xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường sở hữu vị trí đẹp hơn nên giá trúng cũng cao hơn rất nhiều so với khu đất ở phường Đồng Xuân, Phúc Yên.

“Phúc Yên dù lên thành phố rồi nhưng quỹ đất trải rộng lắm, phát triển chưa đồng đều toàn bộ như TP. Vĩnh Yên. Khu đất đấu giá ở phường Đồng Xuân bị nằm trong đường cụt, xung quanh vẫn là nông thôn nên giá thấp hơn, mình mới trúng nhiều chứ như đất Vĩnh Tường cao lắm, không đấu được. Chưa kể phiên ở Vĩnh Tường còn nhiều người lặn lội từ tận Hà Nội hay Thái Nguyên, Phú Thọ xuống nữa chứ không chỉ mỗi người trong tỉnh mua”, chị Ánh cảm thán.

Có thể thấy không chỉ riêng thị trường đất nền ở Hà Nội mà các phiên đấu giá đất ở tỉnh lẻ hiện nay cũng có đủ sức hấp dẫn để thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh đổ về. Đơn cử như thửa đất số C15 là thửa rộng nhất trong số 22 thửa đấu giá ở xã Tuân Chính (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) với diện tích 118,6m² cũng được ông Đức Dương, một nhà đầu tư ngoại tỉnh ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội lặn lội từ xa đến tham gia và đấu thành công trong ngày 1/8 với mức giá trúng là 1,279 tỷ đồng.

Nhiều lô đất ở Vĩnh Phúc được đấu giá cao gấp hai, thậm chí gấp ba so với mức giá khởi điểm ban đầu (Ảnh Hà Trang)

Lý giải về sức hút của các phiên “chợ đất” công khai, chị Nhân Phương, trưởng phòng kinh doanh tại một sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho hay, đất đấu giá vẫn luôn hấp dẫn bởi mang nhiều ưu điểm mà các sản phẩm bất động sản ở phân khúc khác không có được.

“Ngoài việc là đất được địa phương bán trực tiếp cho người dân, là đất “sạch”, thì người mua thường dễ được hưởng lợi từ quy hoạch của tỉnh như gần trường học, bệnh viện,... liên kết vùng cũng thuận tiện di chuyển. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng diễn ra nhanh gọn và suôn sẻ hơn”, chị Phương cho hay.

Nhìn chung, “tấc đất, tấc vàng” vẫn là quan niệm ăn sâu vào tiềm thức nhiều người mỗi khi đắn đo quyết định đầu tư, bởi phân khúc này vẫn luôn có tính an toàn cao và khả năng sinh lời lớn theo thời gian. Đặc biệt trong đó, những phiên “chợ đất” được chính quyền tổ chức công khai với quỹ đất sở hữu pháp lý rõ ràng lại càng được xem là “ăn chắc, mặc bền” hơn cả. Vì lẽ đó, đất đấu giá vẫn luôn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn và giúp người dân an tâm hơn mỗi khi xuống tiền./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top