Aa

Đông Anh - Hà Nội: Lại "nóng" đất đấu giá

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Sáu, 12/08/2022 - 06:20

Sau giai đoạn đỉnh dịch sốt đất, giá đất Đông Anh chững nhiều phần nhưng hiện bắt đầu có dấu hiệu tăng nóng trở lại khi xuất hiện việc “cháy hàng” trong mỗi lần đấu giá đất.

Đất đấu giá tại Đông Anh “cháy hàng”

Trong số 5 huyện chuẩn bị lên quận, có thể nói Đông Anh là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao vượt trội so với phần còn lại. Diện mạo của huyện này thay đổi rõ rệt qua từng năm.

Về hạ tầng, Đông Anh có ba cây cầu lớn hiện hữu gồm: Cầu Đông Trù đồng bộ với tuyến đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân kết nối quận Tây Hồ với trục đường Võ Nguyên Giáp đi Nội Bài; cầu Thăng Long kết nối với quận Bắc Từ Liêm, đồng bộ với tuyến Vành đai 3 của Hà Nội.

Theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đông Anh được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại giao dịch quốc tế; trung tâm du lịch sinh thái và thể thao, vui chơi giải trí...

Sắp tới, loạt dự án bất động sản sẽ được triển khai xây dựng tại Đông Anh như dự án Thành phố thông minh 4 tỷ USD, Công viên phần mềm Vintech, Công viên Kim Quy...

Những thông tin quy hoạch được cập nhật thường xuyên cũng là yếu tố khiến cho thị trường đất nền tại Đông Anh luôn sôi động. Tuy nhiên, kết thúc quý II/2022, báo cáo từ một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, đất nền vùng ven Hà Nội sụt giảm lượt tìm kiếm. Không nằm ngoài xu hướng này, lượng quan tâm đất nền tại Đông Anh cũng giảm tới 29%. Nguyên nhân là bởi đứng trước những biến động lớn của thị trường thời gian qua, nhà đầu tư đang có tâm lý cẩn trọng hơn. Xu hướng đầu tư của thị trường đang hướng tới các mục đích dài hạn và đa dạng hơn thay vì “bỏ hết trứng vào một giỏ” như trước đây. Mặc dù vậy, giá đất nền tại Đông Anh cũng không hề sụt giảm.

Hàng dài xe của nhà đầu tư tới tham dự đấu giá đất từ sáng sớm. (Ảnh: Hà Trang)

Theo khảo sát thực tế của phóng viên, trong vòng 2 tuần trở lại đây, Đông Anh đã tổ chức các phiên đấu giá đất, với số lượng hồ sơ lớn nộp về và mức giá ở ngưỡng cao.

Cụ thể, sáng 23/7, tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh 18 thửa đất với diện tích 1.438,1m2 tại điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ được đưa ra đấu giá, gá khởi điểm thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2 tuỳ theo diện tích và vị trí. Bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất tại X4 thôn Đoài là 300.000 đồng/m2.

Kết quả có 18 khách hàng trúng đấu giá với mức giá trúng cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất là 46,8 triệu đồng/m2.

Tới sáng ngày 30/7, 20 thửa đất nằm trên địa bàn xã Kim Nỗ và xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) tiếp tục được đưa ra đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh. 

Trong đó, 7 thửa tại khu X3, thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm có giá khởi điểm từ 18 triệu đồng/m2 đến 20 triệu đồng/m2. Còn 13 thửa tại khu X4, thôn Đoài, xã Kim Nỗ, có giá khởi điểm 40,8 triệu đồng/m2 đến 55,1 triệu đồng/ m2. Tiền đặt trước từ 252 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/hồ sơ tham gia đấu giá. 

Ngoài những người trực tiếp tham gia buổi đấu giá ở trong hội trường kín (tầng 4) thì dưới sảnh tầng 1 và bên ngoài hội trường cũng có rất nhiều người dân và môi giới chờ đợi để theo dõi tình hình.

Hội trường phiên đấu giá sôi động. (Ảnh: An Vy)

Anh Quang Hùng (Hà Đông) - một nhà đầu tư chia sẻ, dù đi làm cả tuần nhưng ngày nghỉ thứ 7 anh vẫn cố gắng lặn lội sang từ sớm ngồi trà đá ở cổng khu đấu giá để theo dõi tình hình. Cho rằng thời gian gần đây thấy thị trường vùng ven ở các huyện như Mê Linh hay Đông Anh sôi nổi, tổ chức nhiều buổi đấu giá đất liên tiếp nên đi xem thử.

“Quan điểm của tôi là nếu nhắm thấy thửa nào ở vị trí đẹp, vừa ý thì sẽ chờ để mua sang tay, chấp nhận có thể bị chênh vài chục cho đến cả trăm triệu đồng nhưng sẽ chắc ăn hơn so với mua hồ sơ tham gia đấu giá trực tiếp”, anh Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc phiên đấu giá, có rất nhiều người giống như anh Hùng "ào" ra hỏi mua sang tên song một số người đòi giá sang tay quá cao, trong khi người thì muốn đợi giá đất tăng sốt theo thị trường nên chưa muốn bán. Bởi vậy, chuyến đi của anh Hùng chỉ để nghe ngóng tình tình thị trường và chờ cơ hội vì không tìm được hàng để mua.

Theo quan sát, nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi không trúng được lô đất mong muốn. Số đông khi được hỏi đều chia sẻ rằng vì giá cao vượt quá khả năng tài chính nên trượt đấu giá.

Phiên đấu giá công khai tại xã Kim Nỗ, Đông Anh. (Ảnh: An Vy)

Trao đổi với phóng viên, anh Ngô Đức Thuật, nhân viên sàn môi giới An Phát cho biết, đất đấu giá vị trí đẹp tại Đông Anh hiện đang dao động trong khoảng 35 - 70 triệu đồng/m2. Tài chính 2,5 - 3 tỷ đồng có thể mua đất đấu giá ven trục Nhật Tân - Nội Bài. Nếu muốn rẻ hơn thì phải đi xa khu vực trung tâm. 

Trung bình, giá khởi điểm của các khu đất đấu giá tại Đông Anh rơi vào khoảng 25 triệu đồng/m2. Như vậy, giá bán cuối cùng của các khu đất này có sự chênh lệch tương đối lớn.

Khảo sát thêm một khu đất đấu giá như khu X3, xã Uy Nỗ, diện tích 60 - 95 - 161 - 204m2 có giá khởi điểm dao động 20 - 35 triệu đồng/m2. Tại khu đất X1, thôn Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, đất đấu giá có mức khởi điểm 25 - 32 triệu đồng/m2, diện tích 61 - 111m2.

Đất đấu giá xã Hải Bối thậm chí có mức khởi điểm cao hơn nhiều. Tại khu đất X2, thôn Đồng Nhân, giá khởi điểm là 30 - 45 triệu đồng/m2, diện tích 86 - 115m2. Tại xã Việt Hùng, khu đất đấu giá X1 có giá khởi điểm 29,5 - 41 triệu đồng/m2.

Cá biệt, tại thị trấn Đông Anh, đất đấu giá ở mức cao ngất ngưởng. Giá đất sau khi đã đấu giá dao động 80 - 100 triệu đồng/m2. 

Anh Ngô Đức Thuật thừa nhận: “Mỗi đợt đấu giá đất tại các xã, thị trấn của Đông Anh đều thu hút khoảng 500 - 700 hồ sơ đăng ký đấu giá. Mức giá khởi điểm mặc dù ở ngưỡng thấp nhưng kết thúc phiên đều ở mức trung bình 55 - 75 triệu đồng/m2, thậm chí trên 100 triệu m2 tuỳ lô đất. Các mảnh đất đấu giá cũng nhanh chóng được bán hết. Môi giới muốn mua lại theo đơn hàng của một số khách đặt trước đó cũng trở nên khó khăn hơn”.

Nhiều nhà đầu tư đội nắng đợi xem các lô đất đấu giá thực tế. (Ảnh: Hà Trang)

Cẩn thận hệ quả khi ồ ạt đấu giá đất trở lại

Thị trường bất động sản huyện Đông Anh khoảng chục năm trở lại đây liên tục tăng giá nhờ vào các yếu tố hạ tầng, ăn theo quy hoạch. Đặc biệt, giới chuyên gia cảnh báo cần cẩn trọng trước những loạt đấu giá tại địa phương này vì không ít trường hợp tại các phiên đấu giá, giá các mảnh đất bị đẩy quá xa, dẫn đến sốt ảo.

Còn theo một môi giới lâu năm tại Đông Anh, sốt đất ảo tại Đông Anh là có thật. Tuy nhiên, không phải tất cả các xã trong huyện đều tăng mà chỉ tăng ở một số lô đất nhất định, không ngoại trừ những lô đất đấu giá bị đẩy lên cao. Do đó, hiện tượng sốt đất không thể dùng để đại diện cho tất cả các khu vực của huyện vì mặt bằng giá chung ở những khu vực đó chưa tăng đáng kể.

Các lô đất đều được đấu giá thành công, vượt xa so với mức giá khởi điểm ban đầu. (Ảnh: Hà Trang)
Một nhà đầu tư đến từ rất sớm để tham dự buổi đấu giá. (Ảnh: Hà Trang)

Ở góc nhìn khách quan, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia cao cấp về thuế (Học viện Tài chính) thừa nhận rằng, ở mỗi địa phương không riêng gì Đông Anh, nếu đấu giá đất thành công sẽ tạo ra một nguồn thu ngân sách lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán các phương án để khai thác nguồn thu, không nên dựa dẫm vào nguồn thu từ đấu giá đất nói riêng và bất động sản nói chung.

“Việc địa phương chỉ chăm chăm vào nguồn bán đất thì sẽ không quan tâm tới phát triển các nguồn thu ngân sách khác. Nếu các địa phương không có nguồn thu nào mạnh, tập trung vào nguồn thu từ đất thì mọi nguồn lực xã hội cũng sẽ tập trung vào quy hoạch, xây dựng hạ tầng để phục vụ cho bán đất. Các lĩnh vực sản xuất khác không phát triển được. Tập trung nguồn lực xã hội vào lĩnh vực dễ dãi nhất về dài hạn rất nguy hiểm, vì hết đất thì sẽ không biết thu từ đâu”, ông Thịnh nhìn nhận.

Cùng quan điểm một số chuyên gia thuế cảnh báo nếu quá chú trọng vào việc thu hồi đất đai, thu từ chuyển đất nông nghiệp thành đất ở thông qua đấu giá... thì hệ quả là giá nhà cao chót vót, người nghèo, thu nhập thấp, trung bình thấp rất khó tiếp cận nhà ở./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top