Aa

Đất đổi đất - Phương án bồi thường cho người Thủ Thiêm khu 4,3ha

Chủ Nhật, 18/08/2019 - 19:01

Càng xa trung tâm quận 2 (TP.HCM) diện tích nhận được càng lớn, có hộ được bồi thường khu đất giá thị trường hàng trăm tỷ đồng.

Phương án bồi thường cho các hộ dân khu 4,3ha ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (Khu phố 1, phường Bình An) dựa trên giá đất các dự án lân cận theo khung giá nhà nước. Cách tính này đã được UBND TP.HCM nghiên cứu trong suốt thời gian dài, Ban thường vụ Thành ủy đã thông qua và sẽ trình HĐND TP.HCM trong phiên họp bất thường gần nhất.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Hữu Khoa.

Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng (Tổ trưởng công tác liên ngành liên quan KĐTM Thủ Thiêm) cho biết, ban đầu tổ công tác định áp dụng giá bồi thường do đơn vị tư vấn đưa ra nhưng rất khó áp dụng. Nếu theo giá này sẽ ảnh hưởng đến một số dự án bồi thường, giải tỏa ở Thủ Thiêm.

Sau đó, tổ công tác tính đền bù theo quy chiếu hệ số, tức là vẫn tính giá thị trường không kiểm soát để làm cơ sở quy chiếu hệ số tỷ lệ diện tích đất được hoán đổi. Ví dụ, một mét vuông ở đường Trần Não (nằm trong khu 4,3ha) sẽ hoán đổi được bao nhiêu mét vuông ở đường Lương Định Của. Tiếp theo là lấy giá đất nhà nước ban hành gần nhất liên quan đến những vị trí được đổi đất để tính hệ số quy đổi. Kết quả thẩm định gần tương đồng với con số mà đơn vị tư vấn đã tính.

Theo đó, một mét vuông đất mặt tiền Trần Não quy đổi đất mặt tiền đường Lương Định Của được 1,3m2; đường số 4 (rộng 22m) và đường A (rộng 24m) được 1,7m2; đường nội bộ (rộng 8m) được 2,2m2... Bốn tuyến đường này đều nằm trong khu 1,8ha ở Bình Khánh mà quận 2 dự tính quy đổi đất.

Nguyên tắc quy đổi là, vị trí đất càng xa trung tâm quận 2 diện tích nhận được càng lớn. Nếu người dân đem bán diện tích đất đổi được, số tiền thu về tương đồng với diện tích đất bị thu hồi trong khu 4,3ha ở thời điểm hiện tại.

"Phương án này được đánh giá là đem lại nhiều quyền lợi cho các hộ dân. Để chốt được chính sách quy đổi trình Ban Thường vụ Thành ủy, tổ công tác phải qua rất nhiều khâu, với sự phản biện của nhiều sở ngành, đơn vị tư vấn, nhiều lần trình UBND thành phố xin ý kiến", ông Hưng nói.

Khu đất 4,3 ha vẫn bỏ hoang chưa được xây dựng và chỉ còn vài hộ sinh sống. Ảnh: Trung Sơn.

Trong phương án bồi thường, TP.HCM dành một số quỹ đất để quy đổi cho người dân là khu 1,8ha ở Bình Khánh; 30ha ở Nam Rạch Chiếc; 50ha ở Cát Lái; 174ha và 143ha ở Thạnh Mỹ Lợi cùng các khu chung cư tái định cư. Chỉ khi nào việc quy đổi khiến diện tích đất quá nhỏ không thể đổi đất và căn hộ, thành phố sẽ tính thành tiền theo giá nhà nước gần nhất. Đây cũng là điều khiến một số người dân lấn cấn và có nhiều ý kiến khi làm việc với tổ công tác.

Ông Lê Văn Lung (có 1.000m2 đất ở đường Trần Não khu phố 1, phường Bình An) đánh giá phương án lần này của thành phố rõ ràng, hợp lý và có cơ sở vì căn cứ vào đơn giá gần đây nhà nước bồi thường cho người dân khi làm vòng xoay Lương Định Của - Trần Não. Đất mặt tiền đường Trần Não 2-3 năm trước được bồi thường hơn 59 triệu đồng/m2, mặt tiền Lương Định Của hơn 45 triệu đồng/m2. Từ đó tổ công tác tính tỷ lệ quy đổi là 1.3 (một mét vuông đường Trần Não bằng 1,3m2 đường Lương Định Của).

Cụ thể phương án áp dụng với gia đình ông Lung là, trong 1.000m2 đất mặt tiền đường Trần Não của gia đình ông, thành phố chỉ thừa nhận 200m2 đất ở. Đối với diện tích còn lại có 2 cách tính: hoán đổi đất tương ứng, hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính (khoảng 9 tỷ đồng) để chuyển đổi lên đất ở. Nếu trừ số tiền này đi, tổng số đất gia đình ông được đổi là khoảng 1.300m2 mặt tiền ở đường Lương Định Của liền kề.

Giá trung bình đất mặt tiền đường Lương Định Của trên trang định giá là 87,6 triệu đồng/m2, còn giá thị trường (Nhà nước không kiểm soát) đang được rao bán cao nhất lên đến 280 triệu đồng/m2.

Ông Lê Văn Lung. Ảnh: Trung Sơn.

Cũng có đất ở đường Trần Não được thành phố bồi thường lần này, bà Nguyễn Thị Trúc Huỳnh cho rằng phương án trên là tương đối khách quan. Tuy nhiên, bà còn băn khoăn về vấn đề đóng thuế chuyển đổi đất. "Chúng tôi đi kiện tận Hà Nội cả chục năm nay phải chịu bao nhiêu mất mát về vật chất lẫn tinh thần. Thành phố cần lo xong chuyện bồi thường cho người dân rồi hẵng tính đến chuyện thu thuế thì hợp lý hơn", bà nói.

Trong khi đó, đại tá quân đội về hưu Hồng Minh Hải (70 tuổi, có 160m2 đất ở khu 4,3ha) chỉ đồng ý đổi đất mặt tiền đường Trần Não. "Còn nếu đất của tôi đã giao cho nhà đầu tư thì tôi muốn bàn bạc trực tiếp với họ về phương án bồi thường", ông nói.

Cách trung tâm quận 1 chừng 300m đường chim bay, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, KĐTM Thủ Thiêm được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Dự án quy hoạch từ năm 1996, quy mô 930ha, hiện đã giải phóng được 99,7% mặt bằng nhưng vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng thành phố sai khi thu hồi đất của họ.

Trong hai kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6), Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án như: thu hồi sai 4,3ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án... Thành phố bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng bị cho là tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định...

TP.HCM thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm không nhằm kinh doanh bất động sản. Phần lớn diện tích được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; Trung tâm Tài chính; Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top