Aa

Đất HNK là gì? Quy định sử dụng đất HNK

Thứ Năm, 27/08/2020 - 09:00

Chắc hẳn khi nhìn vào bản đồ nhà đất bạn sẽ nhìn thấy ký hiệu HNK. Vậy đất HNK là gì, quy định sử dụng loại đất này như thế nào?

1. Đất HNK là gì?

HNK là ký hiệu viết tắt của đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác, cây được trồng ở đây chủ yếu là các dạng cây nông nghiệp ngắn hạn dưới 1 năm như: Khoai, ngô, mía,… Bên cạnh đất nông nghiệp trông cây hàng năm thì mỗi loại đều có những ký hiệu riêng, được quy định rõ tại Mục III, Phục lục số 1, Thông tư số 25/2014/TT - BTNMT.

HNK là ký hiệu của đất nông nghiệp trồng cây hàng năm
HNK là ký hiệu của đất nông nghiệp trồng cây hàng năm

2. Sự khác biệt giữa đất HNK và CLN

HNK và CLN đều là ký hiệu của các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng có những đặc điểm khác nhau như sau:

HNK (đất trồng cây hàng năm khác): Chuyên dùng để trồng các loại cây có thời gian sinh trường ngắn. Thời gian từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch không quá 01 năm. Chủ yếu để trồng hòa màu, cây hoa, mía, đay, cói, dâu tằm, cây thuộc, cỏ không dùng trong chăn nuôi,....

CLN (đất trồng cây lâu năm): Là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng dài hơn, trên 01 năm. Các loại cây được trồng một lần nhưng sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm như: Cây công nghiệp lâu năm, cây dược liệu lâu năm, cây ăn quả lâu năm, các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan.

Như vậy, sự khác nhau giữa 2 loại đất này là loại cây trồng. Đối với đất trồng cây hằng năm khác thì trồng những loại cây có thời gian sinh trưởng không quá 01 năm. Còn với đất trồng cây lâu năm thì trồng những loại cây có thời gian sinh trưởng từ trên 01 năm trở lên.

Đất HNK và CLN cũng thuộc loại đất nông nghiệp nhưng khác loại cây trồng
Đất HNK và CLN đều là đất nông nghiệp nhưng khác loại cây trồng trên đất

3. Các quy định sử dụng đất HNK là gì?

Bên cạnh khái niệm HNK là đất gì, cần nắm được một số quy định về việc sử dụng loại đất này như: Quy trình, thủ tục đăng ký,...

Đất HNK có được xây nhà không?

Điều 57 Luật Đất đai 2013, một số loại đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất

Tóm lại, được xây nhà trên đất HNK. Tuy nhiên, nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất ở cần thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Thủ tục đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất HNK
Thủ tục đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất HNK

Thủ tục đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất HNK

Để làm thủ tục đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác, cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm có:

- Đơn đăng ký biến động đất đai;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất.

Quy trình đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất HNK 

Bước 1: Chủ sở hữu đất nộp 01 bộ hồ sơ như trên tại Cơ quan có thẩm quyền

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ

Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Nếu hồ sơ bị thiếu hoặc hồ sơ không hợp lệ: Trong vòng 3 ngày, cơ quan tiếp nhận thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện, bổ sung theo quy định

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết hồ sơ

Bước 4: Người nộp hồ sơ nhận kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng đất hnk tại nơi nộp hồ sơ.

Trong vòng không quá 15 ngày, chủ sở hữu đất để được giải quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Riêng với khu vực miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thời gian giải quyết là không quá 25 ngày.

Chi phí

Theo điểm b, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 45/2014/NĐ-CP, chi phí khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất được tính theo công thức sau:

Số tiền phải nộp = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất phi nông nghiệp - Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp

Như vậy bài viết trên đã giải thích chi tiết về khái niệm đất HNK là gì, các quy định về việc sử dụng đất HNK. Hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích dành cho bạn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top