Đất Kẻ Bưởi và những cổng làng trăm tuổi tuyệt đẹp
Chủ Nhật, 14/02/2021 - 10:00
Giữa chốn phồn hoa đô thị tấp nập có một con đường được mệnh danh là "phố" cổng làng. Trên con phố Thụy Khuê (Hà Nội), đan xen giữa những căn nhà hiện đại lại xuất hiện vài cổng làng rêu phong.
Cổng đình làng Yên Thái, ngay ngã tư chợ Bưởi trên đường Thụy Khuê. Nơi đây vẫn thường diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của người dân của phường Bưởi, quận Tây Hồ. Làng Yên Thái ngày trước vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó, đã đi vào lòng người qua thơ ca, ca dao.
“Mịt mù khói tỏa nghìn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Trải qua thăng trầm thời gian, những cánh cổng thân thuộc vẫn được gìn giữ như một nét đặc trưng riêng của con phố bên bờ hồ Tây thơ mộng.
Trên cổng còn treo tấm hoành phi khắc 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” do triều đình Tự Đức năm thứ 19 (1867) ban cho làng. Bên cạnh đó là bảng tưởng nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm nơi đây vào năm 1946.
Hiện nay, phía dưới chân cổng vẫn còn các bệ đá chạm khắc theo lối cổ. Làng Yên Thái là một trong những ngôi làng nổi bật nhất ở Thụy Khuê với con đường lát gạch nghiêng dài gần 300m.
Cổng Hầu là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, cổng được trùng tu vào năm 1998 song vẫn giữ lại hình dáng cổ với mái ngói ta. Ở cổng Hầu có đôi câu đối: "Tô Thuỷ tuần hoàn văn phái viễn/ Lý thành tả trĩ bút phong cao" (dịch nghĩa là: Dòng Tô Lịch đưa văn phái toả xa/ Thành nhà Lý sánh cao cùng sức bút).
Ngày xưa, cổng làng là nơi trồng cây to, quán nước. Giờ không gian đô thị đông đặc hơn, cổng làng vẫn có những quán hàng nho nhỏ, hàng ăn sáng, quán trà đá và rất đông người đến ngồi nói chuyện.
Người dân ở đây cho biết, cách cổng Hầu không xa là nhà một vị quan có tiếng của triều đình, người đầu tiên của làng đỗ đạt. Chính vì thế mà làng trọng vọng, xây nhà lầu gác tía cho quan, cử người canh gác. Người dân có việc đến nhờ vả chầu chực đợi giờ vào hầu quan rậm rịch đêm ngày.
Cổng Xanh trước đây là cổng phụ đi vào làng An Thọ, song ngày nay cổng Xanh và một cổng khác được sử dụng như cổng chính số 514 Thụy Khuê.
Dù cuộc sống hối hả nhưng nhịp thời gian sau cánh cổng làng vẫn luôn "trễ" hơn mấy nhịp, mọi thứ bình yên và dung dị. Mái ngói của cổng Xanh phủ rêu phong theo thời gian.
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê có kiểu thiết kế vuông vức, xưa có 5 bậc lên xuống nhưng do bất tiện người dân đã phá bỏ những bậc thang này.
Hàng ngói cũ rêu phong, cổ kính, hệ thống kèo cột vẫn còn chắc chắn.
Cổng làng là một kiến trúc không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng xã xưa kia. Khi bước qua cổng là bước vào một không gian văn hóa, quy ước và tập quán riêng khiến khách lạ bất giác tự thấy mình phải có nghĩa vụ tìm hiểu để hành xử cho hài hòa, thích ứng.
Cổng làng Hồ Khẩu tại ngõ 376, theo người dân cho biết làng có 3 cổng, cổng này là cổng đi lại chính của của người dân.
Cổng làng Hồ Khẩu có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thụy Khuê. Trước đây, cổng chính của làng Hồ chỉ được mở vào ngày hội còn hiện nay, cổng làng mở quanh năm.
Cổng có tên cổng Giếng, cũng mới được sửa sang lại năm 1996. Đối với nhiều người dân nơi đây, những cổng làng được lưu giữ như một nét hồn quê giữa phố thị sầm uất là niềm hạnh phúc lớn lao.
Những cái cổng với rất nhiều ý nghĩa như vậy, tuy lâu nay chưa từng được xếp hạng di tích nhưng nó vẫn luôn được xếp hạng một cách vô thức trong lòng người dân nơi đây.
Phía trước cổng là 3 bậc đá, thềm lát gạch đỏ phía trên. Cổng lớn này chỉ dành cho quan và rước kiệu, người dân cũng không đi lại cổng này.
Cổng Chùa, một cổng phụ của làng Hồ Khẩu, số 370 Thụy Khuê. Con phố Thụy Khuê có nhiều cổng làng nhất Thủ đô bao năm rồi vẫn còn giữ được nét độc đáo của văn hóa làng quê. Đi đâu xa có dịp trở lại, người ta vẫn thấy xao xuyến làm sao mỗi khi đưa chân bước qua cổng làng.