Từ trước đến nay, đất nền vẫn là phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, phân khúc này hiện nay vẫn chưa thực sự khởi sắc về thanh khoản. Một số nhà đầu tư gần đây đã bắt đầu thực hiện những giao dịch mua bán đất nền “ngộp”.
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm mua bất động sản trên cả nước trong tháng 8/2023 đã tăng trung bình 5% so với tháng 7. Ngoài ra, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng nhẹ 2%. Trong 2 tháng liên tiếp, thị trường này ghi nhận sự tăng trưởng cả về tìm kiếm và đăng tin bán bất động sản.
Hầu hết các nhà đầu tư quan tâm đến những sản phẩm đất nền vùng ven, có mức giá giảm đáng kể so với đầu năm trước. Dễ dàng thấy được, thị trường đất nền hiện nay đang ghi nhận những chuyển biến tích cực hơn nhờ nhiều yếu tố như: Xu hướng hạ lãi suất, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án và cung cấp nguồn tín dụng cho chủ đầu tư. Đây cũng là diễn biến mới bởi phân khúc đất nền vốn chịu tác động mạnh mẽ nhất trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề này, các môi giới bất động sản cho biết, các nhà đầu tư trong 3 tháng gần đây đã quay trở lại thị trường địa ốc, chăm chỉ xem nhà và mua bán đất hơn. So với giai đoạn trước, thanh khoản bất động sản cũng tăng hơn. Mức giá nền hiện nay đã được điều chỉnh về sát với giá trị thực sau một giai đoạn “tăng nóng”. Đây là cơ hội hiếm có cho nhà đầu tư và người mua có nhu cầu thực.
Theo dữ liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, mức độ quan tâm bất động sản tại Hà Nội đã tăng 10% so với tháng trước. Đất nền là loại hình có nhu cầu tìm mua cao nhất, sau đó là chung cư, nhà riêng, nhà mặt phố và biệt thự. Tại TP.HCM, mức độ quan tâm cũng tăng 4% so với tháng trước, dẫn đầu là phân khúc nhà phố và biệt thự, sau đó là chung cư và đất dự án.
Đáng chú ý, thị trường bất động sản còn xuất hiện một số điểm sáng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cụ thể, mức độ quan tâm ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Bình Dương và Hưng Yên đã tăng từ 3% cho đến 5%. Mức độ quan tâm ở các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và Bắc Ninh cũng đã tăng 1-2%.
Nhiều khu vực đã chứng kiến mức độ quan tâm giảm so với tháng trước, điển hình là Quảng Ninh giảm 10%, Lâm Đồng giảm 8%, Bình Thuận giảm 3%, riêng Bà Rịa - Vũng Tàu lại không có sự biến động.
Tuy nhiên, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới cùng sự ổn định tâm lý của người mua vẫn diễn ra chậm chạp, cần thêm nhiều thời gian để hoàn thiện các dự án mới. Hiện nay, tâm lý các nhà đầu tư dù đã ổn định hơn nhưng vẫn còn rụt rè, thận trọng.
Trong một chia sẻ mới đây trên báo chí, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, giai đoạn tới cần phải tập trung cho việc khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng. “Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những tín hiệu tích cực, song khu vực doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn”, chuyên gia nói.
Để giải quyết những vướng mắc, Nhà nước cần tung ra những hỗ trợ mạnh mẽ nhằm vực dậy thị trường bất động sản; thúc đẩy thị trường phát triển cả về cung và cầu; Bộ Tài chính cần có những biện pháp để bảo đảm an toàn và giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xử lý
Trong một diễn đàn mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xử lý.
Thứ nhất, thị trường liên tục trầm lắng, dân thiếu nhà ở nhưng đất không hề thiếu, ngân sách nhiều, tiền cũng không thiếu. Vì thế, vấn đề nằm ở việc quản lý, khi có một số dự án vướng mắc triển khai 6 năm vẫn nguyên si như vậy.
Thứ hai, khủng hoảng của thị trường bất động sản là khủng hoảng phân khúc. Phân khúc thiếu nhất hiện nay là nhà ở giá rẻ, cần bổ sung thêm nhiều nguồn cung, đảm bảo thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực.
Thứ ba là vấn đề tài chính. Theo ông Nghĩa, cần có quỹ cho vay nhà ở hoặc quỹ tín thác nhà ở. Ngoài ra, đừng để những nhà phát triển bất động sản giá rẻ bị thiệt thòi tài chính so với những nhà phát triển bất động sản thương mại. “Ví dụ, quy định lợi nhuận chỉ 15%, nhà phát triển cần phải xác định ai là đối tượng chính sách để cho mua, nếu sai phải chịu trách nhiệm hình sự là điều không hợp lý. Quá nhiều trách nhiệm đổ lên đầu, chủ đầu tư mới không muốn làm”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, niềm tin vào thị trường hiện nay đang bị sụt giảm. Ví dụ, gần đây có doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường, một đợt phát hành 10.000 tỷ, đợt 2 cũng phát hành 2.000 tỷ nhưng chỉ bán được 800 tỷ. Điều này chứng tỏ, niềm tin thị trường hiện nay vẫn còn khá thấp. TS. Lê Xuân Nghĩa hy vọng, nếu những đợt phát hành sắp tới bán được thêm, thị trường đến quý 3/2024 mới có dấu hiệu phục hồi. Để dấu hiệu hồi phục rõ nét, cần phải có động lực và sự tháo gỡ đến từ Chính phủ.