Thị trường đất nền hạ nhiệt
Sau một thời gian “quay cuồng” trong cơn sốt đất, ngay từ đầu tháng 6, thị trường đất nền đã không còn chứng kiến những biến động giá “ngoạn mục” như ở khu Đông (TP.HCM) và ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cách đây chưa đầy một tháng. Ở tất cả các điểm nóng trên, giao dịch đất nền đã bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, diễn biến thị trường cho thấy giá đất chỉ đi ngang chứ chưa có dấu hiệu giảm.
Nguyên nhân là bởi nhiều nhà đầu tư đã kiếm đủ lời khi cơn sốt bị đẩy lên cao và đang tìm cách rút khỏi thị trường. Ở khu vực quận 9 (khu Đông TP.HCM), làn sóng đầu cơ, lướt sóng đất nền giảm dần.
Theo tìm hiểu, tại các văn phòng công chứng đất đai không còn sôi động như trước. Hoạt động sang nhượng cũng giảm nhiệt. Ngoài ra, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nhiều ngân hàng cũng tăng lãi suất cho vay với bất động sản khiến dòng tiền chảy vào đất nền bị chững lại.
Khảo sát tại khu vực trung tâm quận 9 như đường Đỗ Xuân Hợp, Tăng Nhơn Phú, Tây Hòa... cho thấy, giá đất dừng lại ở mức 44 - 65 triệu đồng/m2. Đường Hoàng Hữu Nam, mặt tiền đường rao bán công khai giá 50 - 60 triệu đồng/m2. Khu vực Nguyễn Xiển giá đang dừng ở mức 23 - 30 triệu đồng/m2...
Về cơ bản, mức giá này không có xu hướng giảm nhưng cũng không còn tình trạng chênh cao sau mỗi giao dịch như thời điểm trước đó.
Cùng với quận 9 (TP.HCM), tình hình mua bán, chuyển nhượng đất với giá mua đi bán lại chênh cao ngất ngưởng tại các khu vực sắp thành đặc khu cũng làm đau đầu giới chức năng. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang yêu cầu thực hiện việc kiểm tra nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và có biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Ngay trong đầu tháng 5, cả 3 tỉnh trên đều ra văn bản về tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực dự kiến lên đặc khu kinh tế.
Động thái này đã khiến giao dịch đất nền ở các đặc khu kinh tế tương lai hạ nhiệt. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận giá đất tại những khu vực này chưa có dấu hiệu giảm, mà chỉ bớt “nóng”.
Theo đó, ở Phú Quốc, đất tại ấp Ông Lam, ấp Rạch Hàm, Ba Trại, các công đất vẫn được rao bán từ 6 - 8 tỷ đồng/công.
Tại Bắc Vân Phong, khu vực thị trấn Vạn Giã, đất trên đường Trần Hưng Đạo vẫn đang được chào bán 60 - 70 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Nguyễn Huệ giá vẫn là 15 - 20 triệu đồng/m2… Tại Vân Đồn, đất nền khu tái định cư Thống Nhất vẫn được chào bán 25 - 27 triệu/m2, đất nền khu tái định cư Đoàn Kết là 13 - 14 triệu đồng/m2… Ở Phú Quốc, đất tại ấp Ông Lam, ấp Rạch Hàm, Ba Trại, các công đất được vẫn được rao bán từ 6 - 8 tỷ đồng/công.
Mặc dù ở 3 nơi sắp thành đặc khu và quận 9 (TP.HCM), cơn sốt đất đã hạ nhiệt song tại một số địa phương khác vẫn diễn ra những cơn sốt đất nền mang tính cục bộ
Cụ thể, tại Hà Nội, đất nền gần Aeon Mall Hà Đông giá tăng 15 - 30% so với cuối năm 2017. Một số nền đất thuộc khu C25 (Khu C Gelemxico), đường 13,5m, còn được chào bán với giá 24 - 26 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá bán đã lên tới 29 - 31 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền thôn Tháp (Đại Mỗ) cũng tăng từ 32 - 33 triệu đồng/m2 lên 34 - 35 triệu đồng/m2…
Song với chuyển động tích cực ở một số khu vực phía Nam, giới đầu tư bất động sản kỳ vọng thời gian tới, giao dịch và giá đất nền tại những khu vực còn lại cũng sẽ có sự điều chỉnh hợp lý, ổn định, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu ở thực của khách hàng.
Phân khúc căn hộ giá tầm 1 tỷ có lượng giao dịch cao
Không biết chỉ là sự trùng hợp hay do ảnh hưởng từ việc hạ nhiệt cơn sốt đất nền tại một số khu vực mà trong tháng 5, thị trường bất động sản ghi nhận thanh khoản cao của phân khúc căn hộ giá rẻ.
Theo tìm hiểu, thị trường tháng 5 tiếp tục ghi nhận sự lép vế của căn hộ bình dân khi không có dự án mới nào được giới thiệu trên thị trường. Trong khi đó, phân khúc trung và cao cấp lại đón nhiều dự án mới. Một số cái tên có thể kể đến như Southgate Tower, Saigon Riverside Complex, Phú Đông Premier (TP.HCM), Amber Riverside, One 18, Bohemia Residence (Hà Nội)...
Tuy nhiên xét về giá bán, ở tất cả các phân khúc, từ bình dân đến cao cấp lại không có sự biến động mạnh, mức tăng chỉ dao động từ 2 - 5% giữa 2 đợt mở bán. Cụ thể, phân khúc cao cấp và trung cấp ghi nhận thanh khoản chậm, lượng giao dịch chỉ ngang hoặc thấp hơn so với các tháng đầu năm. Trong khi đó, phân khúc căn hộ tầm giá 1 tỷ đồng tiếp tục có lượng giao dịch đứng đầu thị trường.
Tại Hà Nội, phân khúc giá rẻ cũng ghi nhận đạt thanh khoản cao. Cụ thể, Hateco Apollo Xuân Phương (Nam Từ Liêm), tính đến hiện tại, gần như 100% căn hộ tòa CT1A và CT1B cho thấy lượng giao dịch thành công cao, hiện chỉ còn số lượng không nhiều các căn hộ tòa cuối cùng là CT2 đang được chào bán nốt. Start Up Tower (Hà Đông) hiện đã bán được 80 % số lượng căn hộ, toàn bộ các căn 2 ngủ đã được đặt mua, 20% số căn còn lại đều rơi vào các căn diện tích lớn 3 ngủ.
Ở một diễn biến khác, dự án M2 dự án Mipec đã tiêu thụ được 40% số lượng căn hộ bán ra. Còn tại TP.HCM, dự án Prospar Plaza cũng chỉ còn khoảng chục căn chưa có chủ, và Tô Ký Tower cũng đã tiêu thụ hết toàn bộ hàng chủ đầu tư…
Mặt khác, các căn hộ ở khu vực nội thành TP.HCM có mức tăng giá khá mạnh. Chung cư Gò Dầu, Quang Thái, Sơn Kỳ (Tân Phú), Bàu Cát (Tân Bình), Thiên Nam Apartment (quận 10)… đều tăng từ 50 - 60% so với năm 2016. Mức chênh đạt từ 500 triệu đồng -1tỷ đồng/căn.
Nguyên nhân căn hộ nội thành TP.HCM tăng giá là do quỹ đất đang dần cạn kiệt trong khi nguồn cung căn hộ tại khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm. Ngoài ra, việc Chính phủ yêu cầu TP.HCM hạn chế xây cao ốc ở khu trung tâm cũng khiến giá chung cư nội thành tăng mạnh.