Aa

Đất thổ cư và những điều cần biết về đất thổ cư

Thứ Sáu, 31/07/2020 - 06:30

Đất thổ cư là cụm từ được nhắc đến khá nhiều, tuy nhiên không phải ai cũng thực sự hiểu rõ bản chất của nó. Vậy đất thổ cư là gì? Những vấn đề liên quan xoay quanh loại đất này như thế nào?

Đất thổ cư là gì?

Đất thổ cư là loại hình đất ở và phân biệt với đất thổ canh (hay còn gọi là đất canh tác). Đất ở được quy định trong Luật Đất đai 2013 là loại hình đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Loại đất này dùng để triển khai xây nhà ở, những công trình đáp ứng đời sống cư dân.

Phân loại đất thổ cư

Hiện nay đất thổ cư được chia thành 2 loại đất chính: 

- Đất thổ cư đô thị (ODT): Đất thổ cư đô thị vẫn mang đầy đủ đặc điểm của đất thổ cư thông thường, tuy nhiên nó sẽ thuộc phạm vi các phường, thị trấn, các quận, thành phố, thị xã hoặc thậm chí là khu dân cư quy hoạch của đô thị mới. Loại đất thổ cư này được áp dụng một số chính sách khác so với đất thổ cư nông thôn như thuế, giấy phép xây dựng,...

- Đất thổ cư nông thôn (ONT): Đất thổ cư nông thôn vẫn là đất thổ cư nhưng thuộc địa giới hành chính là khu vực nông thôn và do xã quản lý. Đối với các khu đô thị đang được quy hoạch lên thành phố thì đất thổ cư ở đó không được coi là ONT. Loại đất này sẽ được áp dụng chính sách thu thuế cũng như quy hoạch riêng.

Việc nắm được các quy định hiện hành về đất thổ cư cũng như những chính sách liên quan cũng được nhiều người quan tâm. Dưới đây là một số quy định sở hữu hiện hành:

Đất thổ cư có sổ đỏ không?

Khái niệm sổ đỏ và sổ hồng là những cách gọi để chỉ quyền sở hữu đất và nhà, tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ - sổ bìa màu đỏ), quyền sở hữu nhà (sổ hồng - sổ bìa màu hồng) trước đây. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay không còn phân thành sổ đỏ hay sổ hồng đất thổ cư mà nếu đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung trong đó có phân biệt nội dung trong sổ:

- Chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

- Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (thường là nhà ở chung cư không gắn liền với đất).

- Chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất (loại có cả nhà và đất).

Theo pháp luật quy định hiện hành thì loại đất thổ cư nếu là sổ cũ sẽ là sổ đỏ quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nếu có.

Đất thổ cư có xây nhà được không?

Đất thổ cư phải đảm bảo tính pháp lý

Có không ít trường hợp chủ sở hữu không rõ đất của mình thuộc loại đất nào và vẫn cố tình xây nhà. Kết quả là họ đã bị phạt hoặc thu hồi đất theo Điều 64 Luật Đất đai. Để tránh tình trạng này, chủ đất nên kiểm tra lại giấy tờ đất đai của mình để chắc chắn mình có quyền xây nhà ở.

Cụ thể, chủ đất cần kiểm tra phần “Mục đích sử dụng” có ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Nếu phần này ghi là “đất ở” thì bạn hoàn toàn có quyền xây nhà cùng các công trình phụ trợ khác. Nhà ở của bạn xây trên đúng phạm vi mảnh đất cũng sẽ thuộc quyền sở hữu của bạn và được pháp luật công nhận, bảo vệ.

Thủ tục chuyển từ đất thổ canh, đất vườn sang đất thổ cư

Để chuyển từ đất thổ canh, đất vườn sang đất thổ cư thì cần thực hiện một số thủ tục nhất định

Để có thể xây nhà trên đất thì đất sở hữu phải là đất ở được phép xây dựng theo quy hoạch. Do đó, trong nhiều trường hợp sử dụng đất không thuộc đất ở nếu muốn xây nhà sẽ cần phải chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các loại hình chuyển đổi sau:

- Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là đất ở.

- Chuyển đất phi nông nghiệp không phải đóng thuế sang loại có đóng thuế.

- Chuyển đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở.

Một số trường hợp không thuộc các nhóm chuyển đổi mục đích sử dụng trên thì để chuyển thành đất ở người sử dụng đất không cần xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký với văn phòng của tổ chức có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng đất.

Do đó, đối với đất thổ canh, đất vườn muốn chuyển sang đất thổ cư hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp khác sang đất ở có thể thực hiện theo thủ tục: Chuẩn bị hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nộp tới cơ quan quản lý đất đai địa phương cấp huyện.

Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất ở bao gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Cơ quan Nhà nước sẽ căn cứ vào chính sách đất đai của địa phương và quy định của pháp luật để ra quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không. Thời hạn xử lý hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.

Như vậy, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất thổ canh, đất ao vườn sang đất thổ cư, đất ở theo các thủ tục trên và cơ quan Nhà nước có thầm quyền sẽ giải quyết và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top