Những mảnh đất “tựa sơn hướng thủy” với giá cao ngút trời
Những năm gần đây, các bất động sản có bán kính dưới 100km từ Thủ đô Hà Nội luôn được giới đầu tư săn lùng, trong đó, những khu đất vên sông, hồ tại vùng ven Hà Nội, Hòa Bình là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Những mảnh đất này còn được giới đầu tư gọi là những “siêu phẩm” bất động sản, bởi có địa hình cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng phù hợp với xu thế nghỉ dưỡng hiện nay.
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhiều gia đình đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề sức khỏe, đặc biệt là giới nhà giàu Hà Nội. Cùng với đó, không gian nội đô chật hẹp, bức bối khiến nhiều nhà đầu tư không tiếc tiền chi mua những mảnh đất rộng tại vùng ven để sử dụng làm ngôi nhà thứ 2.
Nắm bắt được tâm lý đó, lực lượng đầu cơ lẫn các sàn giao dịch ảo trên các trang mạng xã hội đã tung nhiều chiêu thổi giá khiến giá bất động sản những nơi này ngày càng tăng mạnh. Nhất là các khu vực như Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình) hay khu vực Sóc Sơn, Thạch Thất, Chương Mỹ (Hà Nội) luôn biến động giá theo từng ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, giá trị các lô đất đều tăng nhanh chóng mặt, thậm chí tăng gấp nhiều lần so với năm 2021.
Theo khảo sát của PV, một số lô đất tại các khu vực gần hồ Anh Bé, Phú Nghĩa, Long Mỹ (Sóc Sơn, Hà Nội) trước đây giá chỉ từ 1 - 3 triệu đồng/m2, nay dao động trong khoảng 4 - 6 triệu đồng/m2.
Đất ven mặt hồ Ban Tiện, hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội), khoảng cuối năm 2020 năm giá 5 - 7 triệu đồng/m2, nhưng nay được đẩy lên 10 - 20 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí đầu hay cuối hồ.
Đối với đất trên núi nhìn xuống hồ Đồng Đò trước đây có giá 2 - 5 triệu đồng/m2, hiện cũng tăng lên từ 7 - 10 triệu đồng/m2. Những vị trí xa hơn, cách hồ Đồng Đò khoảng 100m, mức giá cũng khoảng 1,8 - 3 triệu đồng/m2, mức giá này đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021.
Tương tự, tại Thạch Thất, Hà Nội, các mảnh đất quanh khu vực hồ Yên Bình, hồ Cố Đụng cũng tăng giá một cách “đột biến”. Đơn cử, 1 lô đất 1.000m2 mặt hồ, giá hồi năm 2019 là 1,5 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2021, giá đã tăng lên 7 triệu đồng/m2 và đến đầu năm 2022 là 8 - 9 triệu đồng/m2.
Tại Hòa Bình, ở khu vực ven hồ Đập Đom (Lương Sơn), những lô đất nhỏ mặt hồ có giá trên 20 triệu đồng/m2 với loại đất đã có sổ đỏ, với đất vườn có một phần diện tích đất ở lâu dài và cây lâu năm cũng tăng cao, dao động 4 - 6 triệu đồng mỗi mét vuông. Còn tại Hồ Đồng Chanh (Lương Sơn), đầu năm 2021 đất ở khu vực này có giá khoảng 2 -3 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2021, giá đã tăng lên 4 - 5 triệu đồng/m2.
Các khu đất nằm xung quanh không nằm sát hồ nhưng “view” nhìn ra hồ cũng được đẩy giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/m2 tăng lên từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/m2, có những khu vực còn được đẩy giá cao lên tới mức từ 7 – 11 triệu đồng/m2 với nhiều lời hứa hẹn từ các môi giới về đất sạch; đất bao quanh suối, núi, rừng; đất thích hợp làm biệt thự nghỉ dưỡng; đầu tư chắc chắn sinh lời.
Trên các hội, nhóm bất động sản, các môi giới đều chắc nịch về tiềm năng có được khi mua những mảnh đất này với vị trí bám hồ, nhìn ra hồ: "Mảnh đất F0, chưa qua bất kỳ nhà đầu tư nào", "đất có thể phân lô hoặc làm nhà vườn nghỉ dưỡng", "gần khu quy hoạch sinh thái nghỉ dưỡng"....
Anh Quang Vinh, một môi giới bất động sản tại Hòa Bình cho hay: “Giá đất tại huyện Lương Sơn và Kim Bôi đang có sự biến động lớn. Từ đầu năm đến nay, các điểm đến như: Khu vực hồ Đồng Chanh, Nhuận Trạch, Tân Vinh, Cư Yên (Lương Sơn) đất đang nóng lên từng ngày. Đặc biệt, trước thông tin về các dự án lớn sắp được xây dựng nơi đây càng làm cho giá đất tăng gấp 3 - 4 lần”.
Anh Vinh cho biết thêm, giữa năm 2021, lô đất tại hồ Đồng Sương (Lương Sơn) với diện tích 2.700m2, trong đó có 400m2 thổ cư ôm trọn hồ được chủ bán với giá 3 triệu đồng/m2, nhưng đến đầu năm nay, đã được giao bán hơn 8 triệu đồng/m2.
Chị Lê Thanh Thanh, một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ, gần đây, chị vào các hội nhóm để tìm mua đất tại Hòa Bình để tìm mảnh đất đầu tư phù hợp nhưng thấy rằng, các lô đất đều được rao giá tiền tỷ. Thậm chí, có mảnh đất chỉ mấy nghìn mét vuông được rao giá gần 5 tỷ, trong khi vẫn còn nguyên sơ hiện trạng, chưa có đầu tư hay xây dựng hạ tầng gì. “Chỉ xem thôi mà mướt mồ hôi vì giá toàn trên trời không thể mua nổi được. Có mảnh đất đăng từ năm ngoái tới tận giờ họ đang đòi 14 tỷ/1,7ha. Khiếp quá!”, chị Thanh nói.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thực tế, thị trường bất động sản vùng ven mà đặc biệt là các khu đất ven hồ, ven sông liên tục chứng kiến sự tăng giá trong những năm gần đây bởi những tiềm năng của nó không thể phủ nhận. Tuy nhiên, giá trị thật của những mảnh đất này vẫn đang là những “ẩn số” và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, giá đất tăng cao đã làm hình thành khá nhiều công ty môi giới, có những công ty hoạt động chưa có sự cấp phép. Lợi nhuận tăng cao cũng khiến nhiều người dân bỏ từ công việc hiện tại như nhân viên công chức, giáo viên đến cả người bán hàng nước, xe ôm cũng bỏ cả công việc thường ngày và trở thành các "cò đất, môi giới" để kiếm lời.
Theo giới phân tích, sở dĩ giá được đẩy lên cao như vậy phần lớn do giới đầu cơ thường đi rải tiền đặt cọc, giữ đất, sau đó ai có nhu cầu thì bán lại cọc và ăn lời. Tại những khu vực ven sông, hồ, nhiều đầu cơ, môi giới đất đai đã "ùn ùn" kéo về đây, nên hầu hết giao dịch bất động sản hiện nay không phải của người mua để đầu tư, mà chỉ là sự chuyển nhượng của giới đầu cơ.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, giá đất tăng mạnh tại các khu vực trên sẽ gây ra nhiều hệ lụy và trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và quá trình thu hút đầu tư của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, những cơn sốt đất tại các địa phương xảy ra trong thời gian vừa qua đã xuất hiện những hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Đất rừng, đất ruộng, vườn... Nhiều môi giới, thậm chí là người dân đã tự phát rao bán đất rừng, đất vườn có sổ đỏ hoặc không sổ đỏ. Nhiều mảnh đất rừng ăn theo "sốt đất" cũng tăng giá để bẫy những nhà đầu tư non kinh nghiệm.
"Việc rao bán đất rừng tràn lan dẫn đến rất nhiều hệ lụy như sốt đất ảo, xây dựng trái phép, lừa đảo người dân khiến thị trường phát triển thiếu bền vững", ông Đính nhấn mạnh.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo, khi khách hàng mua đất ven sông, hồ cần hết sức thận trọng, cần tìm hiểu kỹ vì đất tại khu vực này chủ yếu là đất rừng, đất trồng cây công nghiệp hoặc đất nông nghiệp. Vì vậy, đất khu vực này chỉ được làm các công trình tạm, không được phép xây kiên cố. Việc mua bán cũng chủ yếu là giấy viết tay và vi bằng, vì vậy, người mua có thể sẽ phải chịu rủi ro lớn./.