Sân bay của những cái “nhất”
Sau Vietnam Airlines, Vietjet sẽ chính thức mở đường bay TP.HCM – Vân Đồn ngày 20/1 sắp tới đây, chính thức đưa Vân Đồn góp mặt vào mạng lưới các đường bay của Việt Nam.
Cột mốc này có lẽ ít ai ngờ tới khi cách đây hơn 2 năm, nơi đây vẫn còn là bãi đất trống rộng mênh mông của một huyện đảo tiềm năng đang cựa mình trong giấc mơ về khu kinh tế. Tiến độ xây dựng nhanh kỷ lục cũng như việc đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa sân bay vào hoạt động trong thời gian ngắn chỉ hơn 2 năm, khiến Vân Đồn đang trở thành một cột mốc đo đếm về hiệu quả đầu tư của khu vực tư nhân vào những đại công trình giao thông.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch của Bộ GTVT, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Tổng mức đầu tư của dự án là 7463 tỉ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng). Các hạng mục đâu tư của dự án gồm đường băng dài 3,6 km, 2 sân quay đầu... đảm bảo khai thác được máy bay lớn như B787-777, A350...
Gần 2.000 nhân công đã được huy động khi cao điểm cùng 300 kỹ sư chia ca nỗ lực thi công ngày đêm, rút ngắn thời gian kỷ lục ở nhiều công đoạn khó của dự án. Chỉ mất 19 tháng để thi công với cả đường băng (10.2016 – 5.2018), đài kiểm soát không lưu (4.2017 – 7.2018) và gần 2 năm cho khu vực nhà ga (11.2016-10.2018).
Không chỉ đóng vai nhà đầu tư, Tập đoàn kinh tế tư nhân SunGroup còn trực tiếp triển khai thi công, giám sát để hoàn thành những hạng mục nền tảng của dự án như san lấp mặt bằng, thi công mái nhà ga và công trình đài kiểm soát không lưu.
Từ khoang lái máy bay nhìn xuống, mái vòm của nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như một cánh buồm đỏ thắm nổi bật giữa vùng non nước xanh mướt của hòn đảo du lịch. Theo các chuyên gia kiến trúc của NACO – Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan, với cảm hứng từ chính biểu tượng của vùng biển Quảng Ninh đã đưa công trình thiết kế này trở thành một trong những nhà ga hành khách ấn tượng nhất Việt Nam và khu vực.
Nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, 2 cao trình, công suất thiết kế đáp ứng lưu lượng 5 triệu lượt hành khách/năm, giai đoạn 1 là 2,5 triệu lượt hành khách/năm. Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, việc lựa chọn công suất thiết kế nhà ga như trên sẽ đáp ứng được yêu cầu khai thác trước mắt và có thể mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai, không bị quá tải trong thời gian ngắn.
Sức mạnh kinh tế tư nhân
Trước Vân Đồn, đã có một số dự án cảng hàng không có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, nhưng Vân Đồn sẽ là sân bay đầu tiên do nhà đầu tư tư nhân là Tập đoàn Sun Group trực tiếp đầu tư, khai thác và quản lý, khác biệt hoàn toàn so với 21 sân bay còn lại trực thuộc quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV).
Theo một lãnh đạo ngành hàng không, trong khi nguồn lực đầu tư của nhà nước hạn chế thì tư nhân hóa sân bay là giải pháp hiệu quả, đặc biệt việc đưa mô hình quản trị tư nhân có thể khắc phục những hạn chế trong chất lượng dịch vụ tại một số cảng hàng không hiện nay. Trên thế giới, việc tư nhân hóa sân bay đã có nhiều mô hình thành công như tại Anh, Úc…
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, sân bay Vân Đồn là biểu trưng cho thấy sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân đã lớn mạnh hơn rất nhiều lần, có thể đảm đương được các công trình tầm cỡ với tiến độ xây dựng nhanh chóng.
“Khi tư nhân khai thác một hạ tầng đặc thù như sân bay sẽ như một đối chứng giữa nhà nước và tư nhân trong khai thác quản lý, vừa thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển vừa giúp nhà nước điều chỉnh lại hiệu quả quản lý. Trước đây mô hình sân bay cơ bản đều do doanh nghiệp nhà nước đảm nhận, tư nhân nếu có chỉ đảm nhận ở một vài hạng mục hoặc thuê lại từ nhà nước, nhưng Vân Đồn là sân bay đầu tiên mà tư nhân xây dựng, vận hành và khai thác”, TS Ánh kỳ vọng.
Theo TS Vũ Đình Ánh: “khi xác định kinh tế tư nhân là động lực, một trong những vấn đề chính là rào cản tư duy: tư nhân không làm được hoặc không được làm gì. Sân bay tư nhân đầu tiên như Vân Đồn sẽ tạo điều kiện thay đổi về mặt tư duy, trao cho tư nhân quyền được tham gia vào những dự án họ có khả năng thực hiện mà trước đây chưa được làm”.
Bài học từ Vân Đồn cũng cho thấy sự thành công của các dự án do khu vực tư nhân đảm nhận chỉ có thể đạt được khi được tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất từ địa phương, bộ ngành. Sân bay Vân Đồn đã hiện thực hóa ý chí quyết tâm của Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó, ưu tiên hạ tầng đi trước một bước.
Tại buổi thị sát trước ngày chính thức khai trương sân bay Vân Đồn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ tin tưởng: “Cách làm này có thể nhân rộng ra nhiều công trình khác và đây là một mô hình rất cần được khuyến khích. Có như thế thì chúng ta mới giảm được nợ công, đầu tư công và khai thác được hiệu quả nguồn vốn xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông được tốt hơn”.