Aa

Dấu hiệu cố ý làm trái trong vụ bán 5.000 m2 đất vàng Sài Gòn

Chủ Nhật, 27/05/2018 - 06:01

Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý nghiêm sai phạm của UBND TP HCM, các sở ngành và doanh nghiệp liên quan.

Ngoài việc kiến nghị thu hồi lô đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) rộng gần 5.000 m2 bán cho tư nhân sai quy định, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra hàng loạt dấu hiệu hành vi cố ý làm trái của các cá nhân, đơn vị.

UBND TP HCM và nguyên Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài

Thời điểm năm 2007 lô đất do Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở là: Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Kim khí Thành phố, Hóa chất vật liệu điện thành phố và Vận tải xăng dầu.

Chủ trương sử dụng khu đất để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại của UBND TP HCM là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài đã chấp thuận cho các đơn vị làm sai chỉ thị.

Lẽ ra, thành phố phải cho đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn để đầu tư vào khu đất. Nhưng theo đề nghị của Bộ Công Thương (đơn vị thuê đất) và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương, phương thức đầu tư, năm 2010, UBND TP đồng ý phương án thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án. Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM góp vốn 50%; còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương góp (chia đều mỗi công ty là 12,5%).

Lô đất 5.000 m2 đã được giao để triển khai dự án từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn làm bãi đỗ xe. Ảnh: Như Quỳnh.

Lô đất 5.000 m2 đã được giao để triển khai dự án từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn làm bãi đỗ xe. Ảnh: Như Quỳnh.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tháng sau, dự án trên khu đất vàng này đã bán 80% cổ phần cho doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà chia lại 30% vốn góp (trong phần tỷ lệ vốn góp 50%) cho Công ty Hoa Tháng Năm - vừa được thành lập. Còn 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương (lúc này là Công ty CP đầu tư Lavenue) bán toàn bộ cổ phần cho Công ty TNNH Đầu tư Kinh đô.

Đến tháng 6/2011, Công ty Lavenue được UBND TP HCM chấp thuận cho sử dụng toàn bộ khu đất trên để xây khách sạn cao cấp. Số tiền công ty này nộp cho thành phố tổng cộng gần 700 tỷ đồng (giá quyền sử dụng đất là gần 177 triệu, phần cho thuê có giá hơn 3,5 triệu đồng mỗi m2).

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định, TP HCM không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư là vi phạm Điều 54 Luật đầu tư năm 2005. Thành phố giao, cho thuê đất đối với Công ty cổ phần Lavenue không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định tại Điều 6, khoản 1 Điều 7 Quyết định 09/2007 của Thủ tướng và tại khoản 3 Điều 2 Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008.

Công ty này cũng không phải là đối tượng được cho thuê đất, nên UBND thành phố đã vi phạm Nghị định số 121/2010 của Chính phủ và Quyết định 140/2008 của Thủ tướng.

Việc không xin ý kiến Thường trực HĐND và báo cáo HĐND thành phố tại phiên họp gần nhất trước khi quyết định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đối với 5.000 m2 đất là trái Nghị định 123/2007 của Chính phủ; trái với quy định Thông tư 145/2007 của Bộ Tài Chính.

UBND thành phố giao Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà thành phố và 4 công ty của Bộ Công thương thời điểm đó tham gia dự án vượt quá khả năng tài chính của các đơn vị là vi phạm Quy chế quản lý tài chính công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm Nghị định 09/2009 của Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm đối với các sai phạm trên thuộc về UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2015 và cá nhân ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực.

Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà

Chủ trương đúng đắn của TP HCM về dự án này đã bị Giám đốc Công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố giai đoạn 2010-2011 Nguyễn Thị Thu Thủy cùng nhiều đơn bị, cá nhân liên quan "lái" sang hướng khác.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, công ty này được giao quản lý lô đất nhưng không chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn thẩm định mà "ưu ái" kiến nghị cho phép Công ty TNHH Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư. Trong khi đó, từ ngày thành lập (6/4/2010) đến nay, Công ty Hoa Tháng Năm chưa thực hiện dự án nào, năng lực tài chính cũng không được thẩm định.

Việc Công ty Quản lý Kinh doanh nhà đề xuất và UBND thành phố đồng ý cho Công ty Hoa Tháng Năm góp 30% vốn điều lệ cổ đông sáng lập, đồng thời giảm tỷ lệ vốn góp của công ty Nhà nước (từ 50% xuống còn 20%) tại Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue (thực chất là chuyển dịch quyền sử dụng khu đất vàng từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân) đã ảnh hưởng lợi ích của Nhà nước và không phù hợp Quyết định 140/2008 của Thủ tướng.

Ngoài ra, dù được cho phép liên doanh, liên kết với các đơn vị đang thuê khu đất thực hiện dự án nhưng Công ty Quản lý Kinh doanh nhà đã ký biên bản chấp thuận cho 4 công ty thuộc Bộ Công thương chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tác bên ngoài (Công ty TNHH Đầu tư Kinh đô) mà không báo cáo UBND thành phố là sai phạm, trái với chỉ đạo.

Trách nhiệm về các sai phạm thuộc về Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thời điểm năm 2010 và cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Thủy.

Bốn công ty thuộc Bộ Công thương

Các doanh nghiệp này đã sử dụng khu đất 8-12 Lê Duẩn từ năm 1975 đến năm 2008. Bộ Công thương từng gửi công văn đề nghị UBND thành phố cho mua chỉ định toà nhà nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, TP HCM chấp thuận phương án thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue, cho các công ty này tham gia 50% cổ phần, còn lại là của Công ty Quản lý Kinh doanh.

Đến ngày 10/9/2010, Công ty Lavenue mới được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, song trước đó 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã ký thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô. Việc chuyển nhượng cổ phần đã được thông qua Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue vào cuối tháng 10/2010.

Bốn công ty này bị Thanh tra Chính phủ xác định đã kê khai không trung thực để được UBND TP chấp thuận chủ trương ưu tiên cho tham gia góp vốn thực hiện dự án. Việc chuyển nhượng cổ phần của mình cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (bản chất là chuyển quyền ưu tiên đầu tư tại khu đất hoặc chuyển nhượng 50% diện tích đất) để lấy 200 tỷ đồng (mỗi công ty lấy 50 tỷ) là trái với chủ trương của UBND thành phố. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc và Kế toán trưởng của 4 công ty tại thời điểm đó.

Ba sở chuyên môn

Theo Thanh tra Chính phủ, Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND TP HCM ban hành quyết định 3030 chấp thuận cho Công ty Lavenue được giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn là không đúng với quy định. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Sở giai đoạn 2011 và cán bộ tham mưu.

Khu đất số 8-12 Lê Duẩn có giá trị đặc biệt, nhưng Sở Tài chính đã không kiến nghị Bộ, ngành trung ương hướng dẫn để tránh gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị Giám đốc sở này và cán bộ tham mưu cần rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND thành phố chấp thuận phương án kiến trúc công trình dự kiến ở khu đất theo kiến nghị của chủ đầu tư. Tuy nhiên, điều này bị cho không phù hợp quy định của Luật Quy hoạch đô thị, trái với các quyết định trước đó của UBND thành phố. Trách nhiệm thuộc về giám đốc sở và các cá nhân liên quan giai đoạn 2013-2016.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top