Aa

Đầu năm nói chuyện phong thủy nhà ở

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 24/02/2021 - 10:30

“Bản chất của phong thủy là kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường sống. Có thể nói, thực chất phong thủy cũng là một môn khoa học - khoa học về môi trường sống”.

Phong thủy là một môn khoa học tổng hợp, tích hợp rất nhiều kiến thức của các môn khoa học khác. Phong thủy có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân nhiều nước Á Đông nói chung, cũng như người dân Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và yếu tố tâm lý con người, trong đó có phong thủy nhà ở.

Tại sao khi chọn đất làm nhà, người ta phải xem hướng? Tại sao trước khi quyết định mua nhà, người ta thường phải khảo sát, xem xét rất kỹ đường đi lối lại, các công trình lân cận? Tại sao các ngôi nhà ở miền Bắc thường quay hướng Nam còn những ngôi nhà ở miền ngược thường tựa lưng vào đồi núi?

Xã hội càng phát triển, con người càng nhận thức được tầm quan trọng của môi trường sống, phải chăng vì thế mà họ cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến phong thủy? Nhân dịp đầu xuân, hãy cùng Reatimes trò chuyện với ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu về phong thủy để hiểu rõ hơn về vấn đề phong thủy nhà ở.

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam
Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam 

PV: Xây nhà được xem là một trong ba việc trong đại của đời người, do đó hầu hết tất cả mọi người đều quan tâm đến vấn đề phong thủy nhà ở khi lựa chọn mua hay xây dựng ngôi nhà của chính mình. Vậy theo ông, như thế nào là một ngôi nhà hợp phong thủy và các tiêu chí để đánh giá một ngôi nhà hợp phong thủy là gì?

Ông Bùi Văn Doanh: Xét đến cùng, phong thủy thực chất là một bộ môn khoa học, là sự tổng kết kinh nghiệm sống của người xưa để truyền lại cho các thế hệ sau. Con người luôn gắn với môi trường sống, ta có thể cảm nhận được trực tiếp môi trường tác động đến con người như thế nào, nhất là đến vấn đề sức khỏe và tâm sinh lý. Rồi từ sức khỏe, tâm sinh lý sẽ ảnh hưởng đến cả công việc và đời sống gia đình. Do đó, con người chọn ngôi nhà hợp phong thủy với mong muốn có được sức khỏe, công danh và của cải không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu quan niệm rằng cứ chọn được ngôi nhà hợp phong thủy rồi thì chả cần phải làm gì cũng có công danh, sự nghiệp, của cải, thì đó là một sai lầm lớn.

Ở đây cần phải thống nhất một vấn đề thuộc về nhận thức, rằng phong thủy không phải là lực lượng siêu nhiên, thần bí có thể trực tiếp tạo ra sức khỏe, của cải cho gia chủ, mà phong thủy chỉ là môi trường, là chất xúc tác giúp con người có một cuộc sống hài hòa, cân bằng, từ đó nâng cao sức khỏe và năng suất, hiệu quả công việc. Kết quả là con người tăng thêm ý chí, nghị lực và phấn đấu để đạt được cuộc sống tốt đẹp về cả đời sống vật chất và tinh thần.

Thực tiễn cho thấy, phong thủy có vai trò nhất định đối với đời sống của mỗi con người, vì vậy trong những vấn đề trọng đại, phong thủy luôn được con người quan tâm, coi trọng. “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc lớn của một đời người mà người xưa muốn ám chỉ việc lập nghiệp, lập gia đình và xây dựng nhà cửa.

Đối với người phương Đông nói chung hay người Việt nói riêng, ngôi nhà là tài sản lớn, là nơi gắn bó gần như với cả cuộc đời, thậm chí nhiều đời cha truyền con nối. Chính vì vậy mà xây nhà hay mua nhà là một việc trọng đại của đời người. Bởi nhà không chỉ là nơi che mưa, chắn nắng mà còn là nơi vun đắp tình cảm, tạo dựng những niềm yêu thương, động lực giúp gia chủ phấn đấu trong học tập cũng như công việc. Do đó, mỗi khi lựa chọn hay xây dựng một ngôi nhà cho gia đình mình, các gia chủ luôn cân nhắc xem xét rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt coi trọng vấn đề phong thủy nhà ở.

Có rất nhiều yếu tố để đánh giá một ngôi nhà hợp phong thủy, nhưng có thể khái quát ba tiêu chí lớn mà người xưa đã đúc kết, đó là: “Nhất vị, nhị thế, tam hướng”. Tức là, khi xem hay lựa chọn phong thủy cho một ngôi nhà, một mảnh đất, thậm chí một vùng đất, thì quan trọng nhất là vị trí, tiếp đến là thế đất, thứ ba là hướng của ngôi nhà đó.

PV: Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Doanh: Chọn đất, mua nhà suy cho cùng là chọn nơi đất lành, nhiều sinh khí, đem lại môi trường sống tốt nhất cho con người. Có nhiều yếu tố quyết định sự lành dữ của một mảnh đất, mà câu “Nhất vị, nhị thế, tam hướng” là sự khái quát khá đầy đủ.

Trước tiên nói về nhất vị, đơn giản đó là vị trí cuộc đất, ngôi nhà tọa lạc. Nhưng vị có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ vĩ mô là xem xét đến toàn cục vị trí ngôi nhà. Ví dụ như ngôi nhà đó ở thành phố hay nông thôn, nếu ở thành phố thì ở ngoại thành hay nội thành… Cấp độ trung bình là khu vực ngôi nhà tọa lạc. Chẳng hạn như nếu ở thành phố thì khu vực đó ở khu Đông hay Tây thành phố. Thậm chí còn là cấp độ nhỏ hơn nữa như ở phía Tây Hà Nội thì là khu Mỹ Đình hay Trung Hòa - Nhân Chính, hay Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Và thứ ba là cấp độ vi mô, là khu vực xung quanh; ví dụ như các nhà lân cận, đường sá ra vào, chợ - siêu thị, trường học, bệnh viện… cách xa không.

Vị, theo nghĩa hẹp hơn, còn là việc thiết kế, bố trí nội ngoại thất. Chẳng hạn như cửa mở chỗ nào, bố trí phòng ốc ra sao, bếp, ban thờ đặt ở đâu, giường ngủ, bàn học kê chỗ nào…

Với nghĩa như thế, rõ ràng ngôi nhà ở khu vực có nhiều nhà máy xả khí thải không thể có môi trường tốt. Hay đất gần nghĩa địa cũng là nơi nhiều âm khí, tù hãm quyết không phải là đất lành. Vị trí còn liên quan đến cảnh quan, môi trường và hạ tầng xã hội. Câu chuyện “Mạnh Mẫu tam thiên”, mẹ thầy Mạnh Tử ba lần dời nhà là một ngụ ý cụ thể về việc chọn vị trí như vậy.

Cách bài trí phòng khách hợp Phong thủy
Phòng khách vừa đơn giản, sang trọng nhưng vẫn đảm bảo đủ ánh sáng mặt trời, tích tụ khí tốt từ tự nhiên là điều cần lưu ý (Nguồn: Khonggianbep.com)

PV: Tôi cũng từng nghe kể về câu chuyện này, đại ý là mẹ thầy Mạnh Tử phải ba lần chuyển nhà mới chọn được chỗ ở ưng ý để có môi trường tốt cho con phát triển. Chuyên gia có thể kể lại câu chuyện trên được không?

Ông Bùi Văn Doanh: Thầy Mạnh Tử là một trong 7 nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Hoa, sống trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc gồm: Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Tuân Tử và Lão Tử. Trong sách cổ Trung Hoa có chép hẳn truyện “Mạnh Mẫu tam thiên”, kể chuyện mẹ thầy Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để dạy con. Chuyện kể rằng Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ, mẹ là Chương Thị (sau được gọi là Mạnh Mẫu) muốn nuôi dạy con nên người đã không ngần ngại chuyển nhà tới ba lần để tìm cho con một môi trường giáo dục tốt nhất.

Lần đầu hai mẹ con chuyển nhà, đến ở gần nơi nghĩa địa. Mạnh Tử ngày ngày chứng kiến các đám ma, về nhà cũng bắt chước diễn lại cảnh đào, chôn, lăn, khóc… Bà Chương Thị nghĩ: “Chỗ u ám thế này không phải là chỗ con ta ở được”.

Thế là bà chuyển nhà lần thứ hai, dọn đến ở gần chợ. Mạnh Tử thấy cảnh thiên hạ buôn bán gian dối, nói thách, lừa lọc lẫn nhau, cũng bắt đầu học cách cân, đong, đo, đếm gian lận khi chơi trò bán đồ hàng. Bà Chương Thị lại nghĩ: “Chốn thị phi này cũng không phải chỗ con ta ở được”.

Cuối cùng, Mạnh Mẫu dọn nhà đến cạnh trường học. Mạnh Tử thấy trẻ đua nhau học lễ nghĩa, nhân cách, cũng ham học theo với chúng bạn, cắp sách vở đến trường. Bấy giờ, bà mẹ mới nở nụ cười: “Đây mới thực sự là chỗ cho con ta nên người”. Mạnh Mẫu không dời nhà đi nữa.

Kinh nghiệm của người xưa được đúc kết trong phong thủy nêu trong những điều trên chính là sự lựa chọn môi trường tự nhiên; còn câu chuyện mẹ thầy Mạnh Tử ba lần dời nhà để dạy con là lựa chọn môi trường xã hội cho nơi ở của mỗi gia đình.

Phong thủy nhà ở
Chọn được môi trường sống tốt là điều mà nhiều người đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa)

Nói đến phong thủy, người ta hay nghĩ đến những điều huyền bí. Nhưng những điều đơn giản nêu trên cũng chính là phong thủy. Suy cho cùng, phong thủy chính là điều kiện ngoại cảnh, môi trường sống của con người.

Càng ngày, con người càng nhận rõ ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe và cuộc sống con người. Vì vậy, ngày nay đi mua nhà hay mua đất làm nhà, thậm chí chỉ là thuê nhà, người ta cũng rất chú ý đến điều kiện, môi trường sống.

Nếu ở nông thôn, ngoại thành, phải là nơi thoáng đãng, không khí trong lành, đi lại thuận tiện. Nếu ở thành phố thì điều kiện đầu tiên là điện nước đầy đủ, rồi tìm hiểu xem mưa to có ngập úng, giao thông có thuận tiện không… Tiếp theo, nếu mua đất hay nhà mặt đất thì thế nào cũng phải tìm hiểu hàng xóm láng giềng, rồi dân trí khu vực ra sao. Đặc biệt, người già thì quan tâm có gần bệnh viện không, còn điều phụ nữ nghĩ đến bao giờ cũng là có gần chợ hay siêu thị không và nhất là có gần trường học không.

Câu chuyện mẹ thầy Mạnh Tử ba lần chuyển nhà cho thấy tầm quan trọng của môi trường xã hội lớn đến thế nào. Đặc biệt, với nhiều tệ nạn xã hội hiện nay, thì dân trí trong khu vực là điều hết sức quan trọng. Và, đối với người mẹ hiện đại, gần trường học còn là giảm nỗi lo khi phải đưa đón con trong tình trạng giao thông ở các đô thị lớn đang ngày càng quá tải trầm trọng.

PV: Vâng, câu chuyện mẹ thầy Mạnh Tử ba lần dời nhà là ví dụ cụ thể, sinh động về việc chọn vị trí sống. Vậy còn hai yếu tố “nhị thế” và “tam hướng” có thể được hiểu như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Doanh: Nói về “nhị thế”, thì thế ở đây là thế đất. Loài người xưa kia sống dựa vào thiên nhiên, nên thế đất tốt nhất phải được thiên nhiên che chở, bao bọc. Vì vậy mà phong thủy chọn đất phải có thế tựa núi nhìn sông, tức sau lưng có núi che chắn nhưng trước mặt lại thoáng đãng, bằng phẳng, hai bên có hình thế bao bọc lấy ngôi nhà, vì đó chính là thế đất tàng phong tụ thủy. Nói theo ngôn ngữ phong thủy thì đó là thế đất tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền Chu tước, hậu Huyền vũ. Phong thủy cũng có hẳn bài quyết ca: “Sau lưng ruộng đỗ/ Trước mặt ruộng lúa chiêm/ Hai bên hai tay liềm” để nói về thế đất lý tưởng để làm nhà.

Nhưng ở đồng bằng, và nhất là ở các đô thị ngày nay đất chật người đông, khó có thể lựa chọn được mảnh đất mười phân vẹn mười. Vì vậy, chỉ cần phía sau có vật cao che chở, trước mặt thoáng đãng đã là lý tưởng rồi. Nếu không, chỉ cần được mảnh đất vuông vắn (hình vuông hoặc chữ nhật), không khuyết hãm (thiếu góc) cũng đã là rất tốt.

Ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ khi đi mua nhà, nhất là mua căn hộ thường rất quan tâm đến hướng nhìn, tầm nhìn của căn hộ, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “view”. Cũng vì thế mà khi mở bán, nhà phát triển bất động sản cũng thường rất quan tâm đến yếu tố này, nên thường quảng cáo “căn hộ có hai ban công, view đẹp” chẳng hạn.

Thế đất ở đô thị ngày nay còn là xem nơi đó có thấp trũng, bị ngập úng khi có mưa to hay không, có vuông vức không hay bị khuyết hãm, nở hậu hay thót hậu…

Còn về “tam hướng”, hướng ở đây là hướng nhà. Theo phong thủy thì hướng nhà chỉ đứng thứ ba, xếp sau vị trí và hình thế. Nói về hướng nhà, hẳn người Việt ai cũng nhớ câu tục ngữ: Lấy vợ hiền hòa/ Làm nhà hướng Nam. Đây là hướng nhà lý tưởng, vì ở xứ khí hậu nhiệt đới gió mùa, hướng Nam (hoặc Đông Nam) sẽ hứng được gió mát về mùa hè thổi từ biển vào, lại tránh được gió lạnh về mùa đông thổi từ lục địa phía Bắc xuống. Ngôi nhà hướng Nam cũng tránh được ánh nắng xiên vào nhà buổi sáng nếu làm hướng Đông, hay nắng chiều thiêu đốt nếu làm hướng Tây.

Tuy nhiên, đó là hướng nhà ở. Còn khi làm nhà thờ, đa số người Việt lại chọn hướng Đông hoặc hướng Tây với quan niệm, nếu nhà thờ hướng Tây thì phương Tây là phương đất Phật, như vậy sẽ được hưởng luồng khí lợi cho việc thờ cúng, còn nhà thờ hướng Đông thì khi hành lễ, người đứng lễ sẽ hướng về phương Tây là phương đất Phật cũng là điều tốt.

Nhiều người lại chọn hướng nhà dựa trên tuổi chủ nhà theo quan niệm trạch mệnh tương phối, người Đông tứ mệnh nhà theo hướng Đông tứ trạch và người Tây tứ mệnh theo hướng nhà Tây tứ trạch. Nhưng đó là cả một vấn đề lớn trong phong thủy mà chúng tôi sẽ trao đổi trong một dịp khác.

PV: Xét cho cùng, những tiêu chí phong thủy của ngôi nhà mà ông vừa nêu cũng gần như trùng khớp với tiêu chí lựa chọn mua nhà của gia chủ trong thực tế ngày nay. Dù là chưa hiểu nhiều về phong thủy thì khi lựa chọn ngôi nhà cho gia đình, người ta vẫn luôn xem xét dựa trên ba yếu tố là vị trí, hình thế đất và hướng.

Bởi họ cho rằng, ngôi nhà phù hợp với những tiêu chí này sẽ góp phần đem đến nhiều vận khí tốt lành trong học tập, công việc hay cuộc sống nói chung cho gia chủ. Theo ông, điều này có đúng hay không? Và vai trò của phong thủy nhà ở mang lại là gì?

Ông Bùi Văn Doanh: Như trên đã nói, phong thủy không trực tiếp tạo ra của cải hay sức khỏe, nhưng nó như chất xúc tác giúp tinh thần phấn chấn hơn. Theo tôi, khi con người vui vẻ, phấn khởi, thoải mái và sảng khoái thì sức khỏe sẽ tốt, từ đó giúp con người làm ăn thuận lợi, năng suất, hiệu quả công việc tất sẽ cao cũng như mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày sẽ suôn sẻ, thuận lợi, cái mà người ta gọi là “may mắn”.

Để hiểu rõ vai trò mà phong thủy mang lại cho gia chủ, ta chỉ cần tìm ra vai trò của ba tiêu chí “Nhất vị, nhị thế, tam hướng”. Khi bạn được sống trong một ngôi nhà có vị trí thuận lợi, cuộc sống, sinh hoạt, công việc của bạn chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Đơn giản như vị trí bạn sống gần với nơi bạn làm việc, có giao thông thuận tiện, không ùn tắc, gần trường học để tiện việc đưa đón con cái thì chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Ngược lại, khi hằng ngày bạn phải di chuyển với quãng đường xa để đến nơi làm việc và khi trở về nhà, đặc biệt tuyến đường đó lại chật hẹp, giao thông ùn tắc, bụi bặm, bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý… Nhất là cộng với cái nóng của mùa hè sẽ dễ sinh ra cáu gắt, khó chịu với người xung quanh. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp. Và trong công việc bạn cũng sẽ khó tập trung và trở nên kém hiệu quả.

Hoặc đơn giản như khu vực bạn ở có thế đất thấp trũng, cứ mưa là ngập, chắc chắn sinh hoạt, cuộc sống của bạn sẽ không thể thuận lợi.

Ngược lại, nếu nơi ở, nơi làm việc của bạn có hướng tốt, view đẹp, luôn được hưởng không khí trong lành, trong phòng nhiều cây xanh…, bạn sẽ luôn cảm thấy sảng khoái, từ đó ắt sẽ nảy ra nhiều ý tưởng mới, xử lý công việc và cả những trở ngại trong cuộc sống sẽ sáng suốt và hiệu quả hơn…

Như vậy, dù tưởng như chỉ là những yếu tố nhỏ thôi và cứ ngỡ không hề có liên quan đến phong thủy, nhưng thực tế nó lại có mối quan hệ rất mật thiết và tác động rất lớn đến cuộc sống của gia chủ, thậm chí là ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của gia chủ.

Cách bài trí phòng bếp hợp Phong thủy
Gian bếp trong một ngôi nhà đóng vai trò rất quan trọng, là nơi thể hiện tiềm lực tài chính của gia chủ (Nguồn: Sưu tầm)

PV: Với những vai trò nhất định mà phong thủy nhà ở đem lại, theo ông, phong thủy có ảnh hưởng như thế nào đến giá trị của ngôi nhà?

Ông Bùi Văn Doanh: Tính chất phong thủy của một ngôi nhà ảnh hưởng khá nhiều đến giá trị của ngôi nhà ấy.

Cũng là ở TP. Hà Nội, nhưng giá trị một căn hộ, một biệt thự ở Giảng Võ sẽ cao hơn nhiều căn hộ, biệt thự có cùng diện tích ở khu vực Đền Lừ hay bên Long Biên. Đó chính là giá trị của “nhất vị” mà chúng ta đã đề cập đến ở đầu câu chuyện. Hay cùng một tòa chung cư, thậm chí cùng ở một tầng nhưng những căn hộ ở góc bao giờ cũng có giá đắt hơn hoặc dễ bán hơn so với những căn hộ ở giữa. Bởi vị trí của những căn hộ ở góc sẽ đẹp hơn, có hai mặt thoáng, view nhìn ra vừa rộng vừa đẹp, ban công cũng rộng rãi và thoáng mát hơn. Hay những ngôi nhà mặt đường chắc chắn sẽ có giá đắt hơn, thậm chí đắt gấp nhiều lần so với những ngôi nhà sâu trong ngõ, hẻm. Chẳng thế mà dân gian có câu “Nhà mặt phố, bố làm to”…

Đấy là chưa kể đến những khu vực có dân trí cao, an ninh trật tự tốt, môi trường sống đảm bảo thì chắc chắn giá nhà sẽ chênh lệch rất nhiều so với những khu vực có nhiều tệ nạn… Chính vì vậy, chúng ta dễ nhận thấy rằng, mỗi khi các chủ đầu tư rao bán sản phẩm sẽ luôn đi kèm giới thiệu các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của sản phẩm ấy, cũng như luôn chú ý giới thiệu sự kết nối với các tiện ích hay khu vực lân cận, đặc biệt là kết nối với trung tâm thành phố và bến tàu bến xe, cảng hàng không…

Nắm bắt được nhu cầu của người mua, ngày nay các chủ đầu tư thường chủ động đáp ứng được yêu cầu phong thủy nhà ở của khách hàng. Khi phát triển chung cư, có chủ đầu tư luôn chú ý thiết kế các phòng quay về nhiều hướng cơ bản theo phong thủy để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng; cũng như thiết kế những vị trí đặt bếp, bàn thờ phù hợp nhằm giúp người mua có nhiều sự lựa chọn.

Hoặc xu hướng “xanh hóa” trong kiến trúc, xây dựng, trong đó có việc tạo nhiều không gian xanh, trồng nhiều cây xanh, thực chất cũng là tuân theo tiêu chí cây xanh trong phong thủy, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng mong muốn được sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên.

Khi khách hàng càng quan tâm nhiều về yếu tố phong thủy, thì giá trị phong thủy trong một ngôi nhà, căn hộ sẽ càng cao. Đón bắt được xu hướng đó, các nhà phát triển bất động sản, chủ đầu tư sẽ ngày càng quan tâm hơn về vấn đề phong thủy nhà ở và từ đó, tính chất phong thủy của ngôi nhà sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá trị của ngôi nhà ấy.

PV: Bên cạnh những tiêu chí cần xem xét nêu trên thì theo góc độ phong thủy nhà ở, gia chủ cần tránh những điều gì khi mua, xây nhà, thưa ông?

Ông Bùi Văn Doanh: Từ xưa, cha ông ta đã đúc kết rất nhiều về vấn đề phong thủy nhà ở, trong đó bao gồm những điều cấm kỵ không nên làm.

Thứ nhất là những điều cấm kỵ trong việc chọn vị trí cho ngôi nhà của mình. Đầu tiên, người mua không nên lựa chọn những ngôi nhà gần bãi tha ma. Bởi theo phong thủy, những vị trí này có âm khí lớn, sẽ lấn át, ảnh hưởng đến dương khí - những người sinh sống trong ngôi nhà. Hay những vị trí gần các nơi thờ tự như nhà thờ hoặc đền, chùa, miếu mạo cũng là những vị trí cần cân nhắc.

Bởi theo phong thủy, đây là những nơi thờ tự thần linh, nếu chẳng may người dân gần đấy xúc phạm thần linh thì có thể sẽ bị quở trách. Còn trên thực tế thì ở những vị trí gần nơi thờ tự, không khí thường có phần u ám, nặng nề nên con người sống ở gần đó thường có xu hướng hướng âm… Từ đó sẽ dễ sinh trầm cảm hay làm cho tâm lý mất cân bằng, có thể dẫn đến u uất hay tự kỷ mà thời xưa gọi là “ma ám”. Điều đó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và đời sống tinh thần, cuộc sống hằng ngày của con người.

Ở thành phố, phong thủy cho rằng không nên lựa chọn những ngôi nhà có con đường đâm thẳng vào sân, cửa, hay có các góc nhọn đâm thẳng vào cửa. Bởi nó sẽ tạo ra luồng khí xung sát rất lớn, có hại cho người cư ngụ trong ngôi nhà. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy rằng, khi một con đường đâm trực diện vào nhà sẽ tạo cảm giác cho gia chủ nỗi lo lắng, nơm nớp sợ tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào; và thực tế, ở những vị trí như vậy, khả năng xảy ra tai nạn giao thông bao giờ cũng cao hơn với những ngôi nhà bình thường khác.

Bên cạnh những vấn đề bên ngoài ngôi nhà thì gia chủ cần chú ý đến những yếu tố bên trong ngôi nhà. Nhất là đối với những căn hộ chung cư, yếu tố ngoại cảnh thường là của chung cả tòa nhà mà chủ căn hộ khó có sự lựa chọn, thì yếu tố phong thủy nội thất càng có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, gia chủ thường quan tâm đến vị trí, hướng kê ban thờ và phòng bếp. Theo phong tục Á Đông, ban thờ là nơi tôn nghiêm, tượng trưng cho truyền thống gia tộc và sự hướng về nguồn cội, trên tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ sau. Còn theo phong thủy, ban thờ là nơi tượng trưng cho công danh, sự nghiệp của gia chủ, còn bếp tượng trưng cho sức khỏe và tình hình tài chính.

Theo âm dương ngũ hành thì bếp thuộc Hỏa, mà Thủy thì khắc Hỏa; vì vậy, không nên để bếp nấu của mình quá gần những vật liên quan đến nước như bồn rửa, hay phía trên bếp có treo bình nước. Hoặc cửa bếp đối diện với cửa tủ lạnh sẽ gây ra xung khắc giữa Thủy và Hỏa… Đặc biệt, bếp là nơi cần sự thoáng đãng nhưng lại không được quá lộ liễu; vì vậy không được để người ngoài “nhòm ngó” được vào bếp đun, và cũng không được để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng bếp đun, vì theo phong thủy như thế sẽ bị “lộ táo”.

Trên thực tế, bếp đun gần vị trí có nước cũng không an toàn, nhất là khi chiên rán gặp lửa to mà bị nước bắn vào cũng dễ gây hỏa hoạn. Còn tủ lạnh đối diện với bếp khi mở tủ sẽ tạo chênh lệch nhiệt độ lớn ở vị trí người đứng nấu bếp, điều đó bất lợi cho sức khỏe. Đồng thời, bức xạ nhiệt từ bếp đun ảnh hưởng đến tủ cũng gây tiêu hao điện năng nhiều hơn… Đó là một số điều cần lưu ý khi đặt bếp.

Về vấn đề lựa chọn vị trí đặt ban thờ cũng vậy. Đây cũng là một việc rất quan trọng cần được gia chủ cân nhắc và tránh phạm phải những điều cấm kỵ. Theo phong thủy, ban thờ là nơi thờ tự, thuộc âm nên sẽ kỵ dương. Vì vậy, ban thờ cần được đặt nơi trang trọng nhất, tránh những nơi ô uế, đặc biệt không được đặt trong phòng ngủ hay áp lên tường của nhà vệ sinh, cũng không để cửa ra vào đối diện với ban thờ, không được để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào ban thờ. Ban thờ thuộc Hỏa, nên cũng kiêng kỵ những gì liên quan đến Thủy.

Ngoài ra, ban thờ là nơi cần sự yên tĩnh để tụ khí, nên phải tránh những vật có tính “động”, như để quạt gió thổi trực tiếp vào ban thờ, hay không nên để ti vi, dàn nghe nhạc dưới ban thờ… Thực tế thì nếu để ti vi, dàn nghe nhạc dưới ban thờ sẽ tạo sự ồn ào, làm mất sự tôn nghiêm nơi thờ cúng. Còn nếu để quạt thổi trực tiếp vào ban thờ, khi thắp hương dễ bị tạt lửa hay bay tàn hương, có thể gây hỏa hoạn…

Ngoài phòng bếp và nơi thờ tự, còn khá nhiều những điều cấm kỵ khác đối với phòng khách, phòng ngủ, cửa, ban công… Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh cho quý độc giả hai vị trí quan trọng nhất là bếp và bàn thờ.

PV: Nắm bắt được sự ảnh hưởng nhất định của phong thủy đến cuộc sống, nên mỗi dịp đầu Xuân năm mới, mọi người thường tiến hành những công việc mong muốn mang may mắn cho cả năm. Theo ông, những ngày đầu năm mới, đặc biệt là năm Tân Sửu 2021, chúng ta nên làm gì để hợp phong thủy và đem lại nhiều tài lộc, may mắn?

Ông Bùi Văn Doanh: Nhiều vùng ở nước ta, đầu năm mới bà con thường có tục hái lộc, với mong muốn năm mới có nhiều tài lộc. Tuy nhiên gần đây, tục lệ này đã phát triển thái quá, không còn là hái một cành lộc về cắm trên ban thờ nữa mà là bẻ cành cây, tàn phá cảnh quan môi trường.

Việc có nhành lộc cắm trên ban thờ chỉ là hình thức mang tính tượng trưng, vấn đề cốt lõi là ở trong tâm của mỗi người lúc Xuân sang với chồi non lộc biếc bung nở hướng đến một tương lai tốt đẹp. Vì vậy, để cho tục hái lộc trở nên đẹp đẽ và có ý nghĩa, thì trước tiên phải có ý thức bảo vệ môi trường. Như ở đầu câu chuyện chúng ta đã trao đổi, bản chất của phong thủy là khoa học về môi trường sống, là quan điểm sống hòa hợp, thân thiện với thiên nhiên.

Vì vậy, điều đầu tiên nên làm là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ cây xanh bằng cách không bẻ cành cây, tàn phá cảnh quan môi trường khi “hái lộc”. Thay vào đó, có thể mua một vật tượng trưng cho “lộc”, như cây mía, bó hoa… Đặc biệt có thể mua 1, 3, hoặc 5 cành “phát lộc” về cắm vào lọ nước đặt trên ban thờ, cây sẽ ra rễ, phát triển và xanh tốt quanh năm. Như vậy, vừa có thể bảo vệ được môi trường, thiên nhiên, vừa kế thừa được phong tục “hái lộc” tốt đẹp, mà cành phát lộc lại có thể phát triển, xanh tốt quanh năm nên càng có ý nghĩa.

Việc tiếp theo nên làm là trồng cây xanh. Từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây, chúng ta có thêm một phong tục đẹp đầu xuân năm mới. Không chỉ có ý nghĩa khoa học trong việc hút khí CO2, nhả ra khí oxy, cây xanh còn có vai trò đặc biệt trong phong thủy. Cây cối phát triển, tươi tốt là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá một vùng đất tốt theo phong thủy. Không những thế, cây xanh còn dùng để hóa giải những bất lợi trong phong thủy như che chắn sát khí, làm giảm luồng khí xung sát hay làm cân bằng môi trường có tính cực đoan, tạo môi trường hài hòa, có lợi cho con người. Vì vậy, việc trồng cây, hay đơn giản chỉ là thêm một chậu cây nhỏ đặt trên bàn, trên cửa sổ hay ngoài ban công…, không những có tác dụng xanh hóa môi trường sống, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong phong thủy, mang lại tài lộc, may mắn cho gia chủ đầu xuân năm mới.

Ngoài ra, theo quan niệm của người Việt, năm mới là khởi đầu mới, con người thường hy vọng những điều may mắn, tốt đẹp. Vì vậy, trong những ngày đầu năm người dân luôn coi trọng những giờ, ngày, tuổi đẹp để bắt đầu một công việc. Ví dụ như gia chủ mỗi nhà đều muốn tìm những người hợp tuổi, giờ đẹp để xông đất, cầu mong mở đầu cho một năm mới nhiều vận may, suôn sẻ. Hay những người đi làm ăn xa luôn coi trọng giờ xuất hành, ngày xuất hành nhằm hy vọng gặp nhiều may mắn, phát tài lộc… Tôi nghĩ, những điều đó cũng là tốt và nên làm. Khi bạn cảm thấy mình đã làm đúng theo những gì hợp phong thủy, chính là bạn đang sống hòa hợp với môi trường, thân thiện với thiên nhiên; hay ít nhất tự tâm bạn sẽ cảm thấy thanh thản, an yên, từ đó sẽ tiếp thêm tinh thần và nghị lực, ý chí và ước mơ, hoài bão cũng như có thể trạng tốt nhất để phấn đấu thực hiện ước mơ, hoài bão đó.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top