Aa

Đấu thầu qua mạng - Phương thuốc trị nạn “quân xanh, quân đỏ“

Thứ Tư, 14/07/2021 - 09:30

Hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” đang là tác nhân làm hư hại, méo mó công tác đấu thầu, gây ra nhiều cuộc thầu “nội bộ” thiếu tính cạnh tranh. Giải pháp nào hữu hiệu để loại bỏ vấn nạn này?

“Quân xanh, quân đỏ” - màn kịch trong đấu thầu

Trong công tác đấu thầu, việc các nhà thầu bị loại không có gì kỳ lạ, cũng không thể tránh khỏi những trường hợp nhà thầu bị loại bởi hồ sơ dự thầu (HSDT) không đủ tư cách, không hợp lệ. Nhưng nếu các trường hợp này xảy ra thường xuyên, liên tục với những lỗi sơ đẳng, tối thiểu nhất như HSDT không hợp lệ hoặc không có bảo lãnh dự thầu, hồ sơ không niêm phong, đơn dự thầu cũng không hợp lệ… thì cần phải xem xét lại. 

Với việc chuẩn bị cho công tác đấu thầu cả một dự án hàng chục, hàng trăm tỷ liệu doanh nghiệp có dễ mắc phải những lỗi sơ đẳng đến vậy hay không? Nếu cứ xảy ra liên tục, không tránh phải đặt ra câu hỏi về việc nhà thầu này tham dự với mục đích làm "quân xanh" cho nhà thầu khác, đôi khi còn có sự tiếp tay của bên mời thầu để dựng nên một "vở kịch" trong đấu thầu. Như vậy, đối với những gói thầu này, tính minh bạch và hiệu quả cũng như sự cạnh tranh lành mạnh là không tồn tại và hậu quả của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu nghiêm túc tham gia đấu thầu. 

"Quân xanh, quân đỏ" vốn đã trở thành một thuật ngữ không còn xa lạ trong công tác đấu thầu. Quân xanh là quân giả, làm nhiệm vụ lót đường, nhà thầu quân xanh là nhà thầu tham gia để trượt. Quân đỏ thì ngược lại, là nhà thầu được sắp xếp để trúng thầu.

Tình trạng "quân xanh, quân đỏ" diễn ra không phải là ít, thậm chí một số doanh nghiệp còn tạo thành “liên minh” để thay phiên nhau trượt, trúng thầu. Tuy nhiên, rất khó có thể điểm mặt, chỉ tên một hay nhiều doanh nghiệp cũng tham gia đấu thầu có phải là quân xanh, quân đỏ hay không, mà chỉ có thể nhìn ra một dạng mẫu số chung.

Có thể lấy ví dụ, tại Gói thầu xây lắp công trình hạ tầng khu hành chính mới huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên), hạng mục Quảng trường và đường giao thông trị giá 41 tỷ đồng có 3 nhà thầu tham gia: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ (tổ 24, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Công ty TNHH Tân Thịnh (tổ 10, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên), Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Minh Dũng (tổ 23, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên).

goi-thau-quang-truong
Gói thầu xây lắp công trình hạ tầng khu hành chính mới huyện Đồng Hỷ mang ý nghĩa và tầm vóc quan trọng
(Ảnh: Minh Hoàng)

Ngày 10/3/2020, theo Quyết định số 672/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ. Giá trúng thầu là 41.858.136.299 đồng. Nguồn vốn lấy từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện Đồng Hỷ. Thời gian thực hiện hợp đồng trong 150 ngày. Hai doanh nghiệp còn lại (Công ty Tân Thịnh và Công ty Minh Dũng) trượt thầu.

Theo đó, Công ty Minh Dũng trượt thầu với lý do: Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng của nhà thầu trong vòng 03 năm gần đây (2017, 2018, 2019) đạt 54,1 tỷ đồng, do vậy không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu là doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng tối thiểu 63 tỷ đồng trong vòng 03 năm trở lại đây (2017, 2018, 2019); Không đáp ứng các yêu cầu về kinh nghiệm trong thi công hợp đồng tương tự.

Các nhân sự chủ chốt như: Chỉ huy trưởng công trình, phó chỉ huy trưởng công trình, cán bộ kỹ thuật thi công san nền + phần hào kỹ thuật, cán bộ thi công đường giao thông, cán bộ kỹ thuật thi công phần cây xanh + quảng trường, cán bộ kỹ thuật thi công phần cấp thoát nước, cán bộ kỹ thuật thi công phần chiếu sáng, cán bộ kỹ thuật phụ trách thanh quyết toán, cán bộ kiểm soát chất lượng, cán bộ phụ trách đo đạc không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Các thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu cũng không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Công ty Tân Thịnh không được lựa chọn vì các lý do cụ thể như: Nhà thầu không có cam kết đang không trong tình trạng kiện tụng, tranh chấp theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; Không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm trong thi công hợp đồng tương tự. Các nhân sự chủ chốt như: Phó chỉ huy trưởng công trình, cán bộ kỹ thuật thi công phần chiếu sáng, cán bộ phụ trách đo đạc không đáp được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Các yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu cũng không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

công ty hữu tuệ
Công ty Hữu Huệ nhiều lần xuất hiện cùng Công ty Minh Dũng, Công ty Tân Thịnh trong các gói thầu tại Thái Nguyên
(Ảnh: Minh Hoàng)

Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp này “sát cánh” bên nhau tham gia các cuộc đấu thầu. Bởi lẽ vào tháng 11/2019, tại Gói thầu thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị công trình Khu tái định cư liên tổ 13, 19, 23 phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên (giai đoạn 1) thì doanh nghiệp trúng thầu là Công ty Minh Dũng. Giá gói thầu 33.017.058.249 đồng. Tại báo cáo của tổ chuyên gia của gói thầu này ghi rõ, Công ty Tân Thịnh và Công ty Hữu Huệ không được chọn do không đáp ứng được yêu cầu về năng lực kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu.

Xa hơn nữa, vào tháng 3/2019, tại gói thầu Thi công xây lắp công trình Cải tạo, nâng cấp hệ thống mương thoát nước tổ 24, 25 phường Quang Trung và tuyến đường Lê Quý Đôn, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, đơn vị trúng thầu là Công ty Tân Thịnh. Công ty Hữu Huệ trượt thầu vì không đáp ứng được yêu cầu về năng lực kinh nghiệm của gói thầu.

Việc 3 doanh nghiệp là Công ty Minh Dũng, Công ty Tân Thịnh, Công ty Hữu Huệ đều có mặt ở các gói thầu của Thái Nguyên và lần lượt thay nhau trúng - trượt thầu khiến không ít người nghi ngờ về một "màn kịch quân xanh, quân đỏ".

Khó để "nắm đuôi quân xanh, quân đỏ"

Ông Vũ Văn Mác, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Hỷ cho hay, liên quan đến Gói thầu xây lắp công trình hạ tầng khu hành chính mới huyện Đồng Hỷ, phía UBND huyện Đồng Hỷ đã làm đúng theo các quy định pháp luật, với việc thông qua một bên thứ ba phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu một cách khách quan nhất để chọn ra nhà thầu thắng cuộc là Công ty Hữu Huệ. Bên cạnh đó, trong gói thầu này có đến 7 đơn vị mua hồ sơ thầu, thế nhưng chỉ có 3 đơn vị là Công ty Minh Dũng, Công ty Tân Thịnh và Công ty Hữu Huệ tham gia đấu thầu, chứ không phải chỉ có duy nhất 3 đơn vị này từ đầu đến cuối.

“Nhà thầu được lựa chọn hoàn toàn dựa trên các hồ sơ dự thầu được nộp, UBND huyện Đồng Hỷ cũng không thể kiểm tra được các nhà thầu này từng tham gia các gói thầu nào, tại tỉnh thành nào hay các hồ sơ dự thầu trước đó họ làm ra sao, vì chúng tôi không có quyền hạn. Chỉ có các cơ quan thanh tra, cơ quan cảnh sát điều tra mới có khả năng làm việc này. Tham gia đấu thầu là “án tại hồ sơ”, hồ sơ có gì thì xét tới đó, nếu có sai phạm thì UBND huyện Đồng Hỷ cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Mác nói.

Ông Mác cho hay, nạn "quân xanh, quân đỏ" không ai muốn thừa nhận nhưng nó vẫn xảy ra tại không ít các gói thầu công khai, có nhiều nhà thầu tham dự. Với việc các nhà thầu có thể biết có bao nhiêu nhà thầu tham gia, là những đơn vị nào thì hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các nhà thầu này cùng ngồi lại với nhau để quyết định ai sẽ là người thắng thầu. Những nhà thầu chấp nhận thua cuộc sẽ được “đền đáp” bằng một khoản tiền hay lợi ích khác, hoặc sẽ được nhà thầu thắng lần này hỗ trợ để giành chiến thắng trong gói thầu sau.

Ông Mác lấy ví dụ, một gói thầu đấu giá đất công có 4 nhà thầu tham gia, tuy nhiên không nhà thầu nào thực sự muốn bỏ ra một số tiền quá lớn để đấu giá, bởi lẽ nếu “cố sống cố chết” để có được mảnh đất mình muốn thì khi thắng thầu sẽ phải bỏ ra số tiền lớn, thậm chí vượt mức dự tính ban đầu. Như vậy, giải pháp dễ dàng nhất và có lợi cho tất cả là các nhà thầu sẽ cũng ngồi lại với nhau, kết thành “liên minh” để cùng quyết định ai sẽ là người thắng cuộc.

Đây là kịch bản thường thấy của "quân xanh, quân đỏ" trong công tác đấu thầu, thế nhưng luật pháp chưa có quy định nào có thể thực sự triệt tiêu vấn nạn này, bởi lẽ việc bàn chuyện làm ăn, trao đổi giữa các doanh nghiệp, cá nhân là hoàn toàn hợp pháp. Các loại “giao dịch làm ăn” này về cơ bản không được ghi chép lại, không có văn bản cũng như bằng chứng xác thực... do đó để các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ cũng không phải dễ dàng. 

Thế nhưng, không thể để nạn "quân xanh, quân đỏ" tiếp tục hoành hành gây ảnh hưởng tới cả những nhà thầu sạch và gây thất thoát ngân sách Nhà nước, ông Mác cho biết với việc xúc tiến triển khai công tác đấu thầu qua mạng, từng bước theo Thông tư số 11/2019TT-BKHĐT, có thể triệt tiêu nạn "quân xanh, quân đỏ".

Cụ thể, Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, nhận được sự đồng thuận rất lớn của các nhà thầu bởi cách tổ chức lựa chọn nhà thầu được điều chỉnh theo hướng phù hợp và hiệu quả.

Với những quy định trong Thông tư, bên mời thầu “hết cửa” ngăn chặn, gây khó dễ khi nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu. Thông tư này cũng quy định về lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng và có nhiều đổi mới tạo thuận lợi cho nhà thầu cùng các bên liên quan tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Hướng tới triệt tiêu "quân xanh, quân đỏ"

Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định về Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT đối với các nhà thầu như sau:

Thứ nhất là về việc tiếp cận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của nhà thầu. Trong thời gian qua, vẫn còn xảy ra tình trạng ngăn cản nhà thầu tiếp cận mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, gây bức xúc cho các nhà thầu. Một số bên mời thầu sử dụng những “chiêu trò” gây hạn chế cạnh tranh ngay từ khâu phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Tuy nhiên, với quy định cụ thể tại Thông tư 11, bên mời thầu bắt buộc phải đăng tải file hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các nhà thầu quan tâm có thể tự tải (download) về nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trên mạng sẽ khắc phục triệt để tình trạng bên mời thầu cố tình không phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu như đã xảy ra trong đấu thầu truyền thống, tạo thuận lợi tối đa cho nhà thầu trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Thứ hai là việc đăng ký thông tin nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo quy định tại Thông tư 07, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu, nhà đầu tư chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 của Luật Đấu thầu. Nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà thầu khi tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tại Điều 21 Thông tư 11 quy định về trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư theo hướng “mở” hơn so với quy định tại Thông tư 07.

Nói về tính minh bạch, Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương cho hay, với quy định mới tại Thông tư 11, việc bắt buộc bên mời thầu công khai hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của tất cả các gói thầu lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được các nhà thầu đánh giá là bước tiến vượt bậc trong công khai thông tin về đấu thầu, giúp tăng cường cạnh tranh, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu.

Bên cạnh đó, việc công khai thông tin về đấu thầu, trong đó có file hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên mạng sẽ góp phần đơn giản hóa các thủ tục trong đấu thầu, công khai tối đa thông tin về đấu thầu, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trên mạng sẽ khắc phục triệt để tình trạng bên mời thầu cố tình không phát hành hồ sơ cho nhà thầu như đã xảy ra trong thời gian qua, đồng thời nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Nguyen-Dang-Truong
Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho hay đấu thầu qua mạng sẽ là bước tiến vượt trội
so với đấu thầu truyền thống

Theo ông Trương, Thông tư 11 đã quy định lộ trình đấu thầu qua mạng cho các năm 2020, 2021 và giai đoạn 2022 - 2025. Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu mua sắm tập trung.

Như vậy, có thể thấy rằng nếu bám sát lộ trình, các gói thầu đấu qua mạng vẫn còn giá trị thấp, thế nhưng Nhà nước đang dần hướng tới việc 100% đấu thầu qua mạng.

Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Hỷ - ông Vũ Văn Mác cho biết: “Đấu thầu qua mạng không chỉ giảm tải số lượng thủ tục hành chính, mà còn minh bạch hơn trong công tác đấu thầu. Khi một nhà thầu tham gia, họ không thể biết các nhà thầu còn lại là ai, cũng không thể biết hồ sơ tham dự thầu của các bên kia thế nào, đưa ra giá đấu là bao nhiêu. Nhà thầu tham dự buộc phải tính toán kỹ lưỡng nếu thật sự muốn thắng thầu. Tính khách quan được đảm bảo, nạn 'quân xanh, quân đỏ' cũng vì thế mà sẽ chết dần và biến mất hẳn”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top