Aa

Đấu thầu tại Dự án metro số 1 Hà Nội: Xóa cờ đánh lại

Thứ Ba, 03/04/2018 - 07:00

Quy trình tuyển chọn nhà thầu Gói thầu HURC1- 101 (Chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu) Tổ hợp Ngọc Hồi thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (giai đoạn I) sẽ khởi động lại từ đầu.

“Hủy sơ tuyển”

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của Ban Quản lý dự án Đường sắt về phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu Gói thầu HURC1- 101 - Chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu Khu tổ hợp Ngọc Hồi thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (giai đoạn I).

“Giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tổng hợp, báo cáo Nhà tài trợ là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thống nhất việc hủy kết quả sơ tuyển trước đây (năm 2013) và tổ chức sơ tuyển lại theo quy định, hướng dẫn của nhà tài trợ và pháp luật Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.

Muốn trúng thầu nhà thầu không thể chỉ cung cấp bản sao báo cáo tài chính (ảnh minh họa)

Muốn trúng thầu nhà thầu không thể chỉ cung cấp bản sao báo cáo tài chính (ảnh minh họa)

Cần phải nói thêm rằng, Dự án giai đoạn I vừa được Bộ GTVT tách thành 2 dự án riêng biệt. Trong đó, giai đoạn I điều chỉnh sẽ tập trung xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi để hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát hiện tại và đầu tư một số khu chức năng cho các tuyến đường sắt trong tương lai.

“Sau khi điều chỉnh, phạm vi dự án giai đoạn I sẽ không đầu tư đoạn tuyến trên cao từ Giáp Bát - Gia Lâm (giảm 11,5 km) như theo phương án đầu tư ban đầu, mà chỉ tập trung vào Tổ hợp Ngọc Hồi, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.302 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Đối với Dự án giai đoạn IIA điều chỉnh sẽ xây dựng đoạn tuyến Ngọc Hồi - Hà Nội (gồm dự án giai đoạn IIA cũ và điều chuyển đoạn tuyến từ Giáp Bát đến Hà Nội từ giai đoạn I trước đây). Sau khi điều chỉnh, phạm vi dự án giai đoạn 2, sẽ đầu tư bổ sung đoạn tuyến trên cao từ Giáp Bát - ga Hà Nội. Tại thời điểm được Bộ GTVT phê duyệt năm 2012, Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 24.825 tỷ đồng.

“Sau khi điều chỉnh, phạm vi của 2 dự án thành phần có sự thay đổi so với trước đây; cụ thể, sẽ không đầu tư đoạn tuyến trên cao từ Hà Nội đến Gia Lâm (trong đó có cầu đường sắt sông Hồng); các hạng mục còn lại của giai đoạn I và giai đoạn IIA sẽ được phân kỳ triển khai vào các dự án thành phần trong giai đoạn sau của dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Như vậy, tiến độ triển khai Dự án tuyến số 1 đang phụ thuộc vào việc xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi với đường găng nằm ở việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu HURC1 -101 vốn đang bị “ngưng đọng” suốt 5 năm qua.

 Mở rộng cơ hội

Trước đó, vào giữa tháng 2/2018, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã kiến nghị Bộ GTVT hủy kết quả sơ tuyển gói thầu HURC1 - 101 (được tổ chức năm 2013) và tổ chức sơ tuyển mới và đấu thầu theo đúng trình tự quy định của Luật Đấu thầu và hướng dẫn của nhà tài trợ JICA.

Gói thầu HURC1 - 101 là một trong những gói thầu xây lắp lớn tại Dự án Tuyến metro số 1 Hà Nội. Năm 2012 và 2013, chủ đầu tư dự án khi đó là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành thực hiện công tác sơ tuyển và đã có 9 nhà thầu, liên danh nhà thầu vượt qua vòng sơ tuyển. Do ảnh hưởng của vụ việc Công ty tư vấn JTC tại Gói thầu Cung cấp dịch vụ tư vấn HURC1 - 001, việc phát hành hồ sơ mời thầu cho Gói thầu HURC1 - 101 được Bộ GTVT yêu cầu tạm dừng.

Đến tháng 4/2017, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (giai đoạn I) được Bộ GTVT điều chỉnh lại với nhiều thay đổi về khối lượng, phân kỳ đầu tư. Trong đó, quy mô gói thầu HURC1 cũng được điều chỉnh giảm (diện tích xử lý nền đất yếu giảm từ 110,4 ha xuống còn 95,2 ha). Hiện công tác cập nhật, hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu cho gói thầu đang được Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải, SAPMAN (tư vấn do JICA hỗ trợ) khẩn trương hoàn thiện với mốc thời gian đệ trình vào tháng 4/2018.

Để chuẩn bị cho việc khởi động lại Gói thầu HURC1 - 101, tháng 10/2017, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã gửi thư tới các nhà thầu qua vòng sơ tuyển năm 2013 đề nghị xác nhận sự quan tâm tới gói thầu này. Tính đến tháng 2/2018, đã có 5/9 nhà thầu trong danh sách xác nhận tiếp tục quan tâm tới gói thầu HURC1 - 101.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Ban Quản lý dự án Đường sắt, gói thầu HURC1 - 101 đã được sơ tuyển cách đây 5 năm và hiện tại có một số nhà thầu mới có năng lực quan tâm, nên việc mở rộng thêm danh sách nhằm tăng tính cạnh tranh và hiệu quả đấu thầu là cần thiết.

Phương án tối ưu

Cần phải nói thêm rằng, ngoài phương án sơ tuyển mới (phương án kiến nghị lựa chọn), đại diện chủ đầu tư đã cân nhắc thêm 3 phương án khác để lựa chọn nhà thầu cho gói thầu HURC1 - 101 là giữ nguyên kết quả sơ tuyển cũ; sơ tuyển sau và sơ tuyển kết hợp.

Ban Quản lý dự án Đường sắt cho rằng, ngoài ưu điểm gia tăng tính cạnh tranh khi chắc chắn có thêm nhiều nhà thầu tham dự do quy mô gói thầu giảm, phương án sơ tuyển mới sẽ giúp chủ đầu tư có đủ thời gian để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đấu thầu.

Trong thời gian Dự án được chuẩn bị để báo cáo Quốc hội, nếu phương án sơ tuyển mới được lựa chọn, thì sẽ có đủ thời gian để Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ gói thầu và thực hiện các thủ tục cho phép thực hiện trước công tác sơ tuyển (dự kiến từ tháng 3/2018 đến hết tháng 6/2018).

Nếu theo được kế hoạch này, công tác phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu HURC1 - 101 sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 7/2018 – mốc thời gian phù hợp với tiến độ phê duyệt hồ sơ mời thầu, đáp ứng tiến độ hoàn thành Dự án giai đoạn I vào năm 2024.

Hai rủi ro đối với việc sơ tuyển mới gói thầu HURC1 - 101 là, hiện không có quy định, hay hướng dẫn liên quan đến hủy sơ tuyển cũ và có thể phát sinh khiếu nại của các nhà thầu đã đạt sơ tuyển. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư dự án đã thay đổi từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sang Bộ GTVT và một số thành viên liên danh cũng đã có sự thay đổi về hình thức doanh nghiệp.

“Điều thuận lợi là, JICA đồng thuận với bất kỳ phương án nào trong 4 phương án nếu phù hợp với quy định Việt Nam và hướng dẫn của JICA. Tuy nhiên, JICA yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đấu thầu ngay sau khi Biên bản Điều chỉnh thảo luận của Hiệp định vay vốn số VN12 - P4”, ông Đinh Mạnh Đức, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top