Ban quản lý dự án 85 vừa trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án có điểm đầu - Km0+200 (sau nút giao Quốc lộ 19), thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định – kết nối với điểm cuối Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn; điểm cuối - Km66+965,91, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên – kết nối với điểm đầu dự án thành phần đoạn Chí Thạnh – Vân Phong; Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 66,76 km, bao gồm 5,1km đi chung với dự án hầm đường bộ Cù Mông.
Hướng tuyến đi song song và cách Quốc lộ 1 khoảng 0,5 - 6,5km tùy theo từng vị trí. Cụ thể, từ nút giao với Quốc lộ 19 (Km22+400 – lý trình QL.19) thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, tuyến đi về phía Đông Nam (theo hướng đi ra Quốc lộ 1), đi qua khe núi Chà và núi Sơn Triệu sang địa phận xã Phước An, huyện Tuy Phước.
Tại đây, tuyến tiếp tục đi theo hướng Đông Nam sang địa phận xã Phước Thành, giao cắt với Quốc lộ 19C (Km4+900 – lý trình Quốc lộ 19C) và đường sắt Thống Nhất, tuyến vượt qua Sông Hà Thanh tại khu vực Cảnh An, sau đó tuyến đi vào eo núi hòn Chà trước khi cắt qua ĐT.638. Tuyến đi song song với Quốc lộ 1A và đấu nối vào Dự án hầm đèo Cù Mông tại khoảng Km1239+100 (lý trình QL.1A) đã được xây dựng sang địa phận tỉnh Phú Yên.
Sau khi qua hầm Cù Mông, tuyến đi theo hướng Nam qua địa phận xã Xuân Lộ, Xuân Bình, đi qua khu vực Hồ Xuân Bình, giao với Đường tỉnh 644 tại khoảng Km43+450. Tuyến tiếp tục đi theo hướng Đông Nam, bám sườn núi Con Quan qua địa phận xã Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2. Tại khu vực xã Xuân Thọ 2, tuyến đi về sườn phía Tây của núi Côn Lôn, rồi tiếp tục đi theo hướng Đông Nam, qua địa phận xã An Dân, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tuyến vượt sông Kỳ Lộ, giao cắt với Đường tỉnh 641, đường sắt Bắc Nam và kết nối với dự án Chí Thạnh - Vân Phong tại thị trấn Chí Thạnh.
Theo đề xuất của Ban quản lý dự án 85, đối với chính tuyến thuộc Dự án có các yếu tố hình học đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế từ 100-120km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Hệ thống đường gom là đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B, một số đoạn qua khu đông dân cư, xem xét quy mô lưu thông 2 làn xe cơ giới.
Trên tuyến dự kiến xây dựng 4 nút giao liên thông, 4 cầu vượt trực thông trên các tuyến đường quốc lộ và đường địa phương vượt cao tốc.
Theo Ban quản lý dự án 85, Dự án sẽ xây dựng 41 cầu với tổng chiều dài khoảng 12,02 km, trong đó 32 cầu trên tuyến chính đường cao tốc, 5 cầu trong phạm vi nút giao liên thông, 4 cầu vượt ngang vượt đường cao tốc; 1 công trình hầm qua núi Sơn Triệu. Dự kiến bố trí 1 trạm dừng nghỉ tại vị trí khoảng Km28+770. Phạm vi dự án sẽ thực hiện công tác GPMB, đối với công tác khác sẽ được đầu tư bằng dự án đầu tư khác.
Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn phân kỳ là 14.853,03 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 1.154,13 tỷ đồng; chi phí xây dựng 11.673,61 tỷ đồng; chi phí thiết bị 34,43 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 730,76 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.260,10 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư Dự án sẽ được cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án sẽ khởi công dự kiến trong Quý IV/2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.