Aa

Đầu tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương có đạt kỷ lục trong năm tới?

Chủ Nhật, 24/10/2021 - 06:00

Các chuyên gia phân tích dự báo, với niềm tin về nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19, khối lượng đầu tư bất động sản sẽ tiếp tục tăng mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Xu hướng đầu tư bất động sản năm 2022

Knight Frank, công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) thành lập từ năm 1896, mới đây đã công bố báo cáo các Nguồn vốn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản năm 2021 (Active Capital 2021). Theo đó, công ty này dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến khối lượng đầu tư tăng ⅓ , phần lớn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các công ty tư nhân. 

Theo dõi dòng vốn đầu tư bất động sản tại 289 thành phố, báo cáo này nhận định: “Sự hồi sinh của dòng vốn đầu tư vào bất động sản, đạt mức kỷ lục so với trước đại dịch trong các lĩnh vực chính bao gồm văn phòng, logistics và dân cư, báo hiệu sự trở lại đáng kể của các nhà đầu tư.”

Phân khúc cao ốc văn phòng được kỳ vọng sẽ thu hút đến 50% tổng khối lượng đầu tư của các nhà đầu tư xuyên biên giới trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tư nhân sẽ có sự gia tăng nhu cầu với lĩnh vực khách sạn trong năm tới. 

đầu tư bất động sản, châu á thái bình dương, bất động sản, đầu tư, tokyo
Những tòa cao ốc văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: EPA) 

Ông Neil Brookes, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu (Global Capital Market) tại Knight Frank cho biết: “Kết quả từ báo cáo Nguồn vốn hoạt động năm nay là một dấu hiệu đáng hoan nghênh về sự phục hồi liên tục trong khu vực, liên quan đến sự trở lại của đầu tư xuyên biên giới vào bất động sản”.

Báo cáo cũng chỉ ra một trong những nhân tố sẽ ảnh hưởng đến nguồn đầu tư bất động sản là yếu tố “bền vững” hay tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social and Governance - môi trường, xã hội và quản trị). Các nhà đầu tư sẽ có sự quan tâm nhiều hơn đến các tòa nhà xanh và vấn đề phát thải khí carbon. 

Trong 5 thành phố được báo cáo là 5 thành phố dẫn đầu xu hướng đầu tư bất động sản bền vững thì có đến 2 thành phố thuộc khu vực APAC là Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Bất động sản tại những thành phố này hưởng lợi từ những yếu tố như giảm phát thải, hệ thống giao thông công cộng phát triển mạnh và số lượng lớn các tòa nhà đạt tiêu chuẩn xanh.

đầu tư, bất động sản, châu á thái bình dương, seoul
Chính quyền thành phố Seoul đã tích cực thúc đẩy các công trình xanh bằng cách đưa ra các biện pháp khuyến khích, đáng chú ý nhất là cắt giảm thuế cũng như trợ cấp cho việc cấp giấy chứng nhận công trình xanh (Ảnh: The Korea Bizwire)

Những tiêu chuẩn quốc tế về công trình xanh như NABERS (National Australian Built Environment Rating System - Hệ thống đánh giá công trình xây dựng của Úc) hoặc BREEAM (BRE Environmental Assessment Method - Bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh của Anh) sẽ trở thành một trong những điểm mạnh then chốt của một công trình bất động sản. 

Những tòa nhà đạt tiêu chuẩn xanh có giá bán cao hơn 8 - 18% so với các tòa nhà tương đương không có xếp hạng BREEAM hoặc NABERS trên các thị trường London (Vương quốc Anh), Sydney và Melbourne (Úc). Tính riêng tại 2 thành phố Sydney và Melbourne thuộc khu vực APAC, các tòa nhà văn phòng cao cấp có xếp hạng NABERS từ 5 trở lên được hưởng mức phí bảo hiểm 17,9% trên giá bán so với các tòa nhà tương đương chưa được xếp hạng. Ngay cả những tòa nhà có xếp hạng NABERS thấp hơn cũng được hưởng mức phí bảo hiểm 8,3%.

đầu tư, bất động sản, châu á thái bình dương, apac, sydney
Tòa nhà One Central Park tại Sydney, Úc (Ảnh: Procore.com) 

Có thể thấy, năm 2022 được dự đoán sẽ là năm sôi động của thị trường đầu tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương từ những nhà đầu tư nước ngoài, với những tiêu chí xanh và bền vững đối với các lĩnh vực bất động sản riêng biệt. 

Những dấu hiệu khả quan từ năm 2021

Theo Colliers, công ty cung cấp dịch vụ quản lý đầu tư tại Úc, khối lượng giao dịch trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đã vượt 160 tỷ USD trong 3 quý đầu năm (bao gồm cả các giao dịch đã ký hợp đồng). Con số này cao hơn đáng kể so với năm ngoái và tăng 14% so với kỷ lục trước đó vào năm 2019.

Ông Terence Tang, Giám đốc điều hành thị trường vốn và dịch vụ đầu tư khu vực châu Á tại Colliers cho biết: “Chúng tôi đang đi đúng hướng cho một năm kỷ lục của hoạt động đầu tư từ năm 2021. Tăng trưởng đầu tư đang được tạo ra bởi một số động lực mới, bao gồm sự tăng trưởng của hoạt động doanh nghiệp, sự phát triển của các loại tài sản thay thế và tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực logistics”.

“Trong khi khối lượng đầu tư trong năm 2021 có thể sẽ cao hơn từ 15 - 20% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi hầu hết các nền kinh tế đang dần phục hồi, chúng tôi kỳ vọng năm 2022, con số này sẽ còn mạnh hơn khi dòng chảy thương mại được cải thiện hơn nữa, lệnh hạn chế đi lại được giảm bớt và tâm lý tiêu dùng trở nên tích cực hơn”, bà Regina Lim, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại JLL cho biết.

Cũng theo bà Lim, trên thực tế, trong quý III năm nay, khối lượng đầu tư vào châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và Mỹ đã tăng lên mức gần kỷ lục khi Chính phủ các nước tích cực hơn trong việc mở cửa nền kinh tế. 

Bà Lim nói thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng xu hướng tương tự có thể xảy ra ở châu Á trong những quý tới.” Trên thực tế, nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đối với bất động sản châu Á đã tăng trở lại từ đầu năm nay. 

Ngày 11/10 vừa qua, AXA IM Alts, công ty toàn cầu về các khoản đầu tư thay thế và đang quản lý nguồn tài sản 163 tỷ Euro, thông báo đã mua lại danh mục đầu tư gồm hai tài sản nhà ở tại Osaka, Nhật Bản, từ PGIM Real Estate Japan, chi nhánh quản lý tài sản của công ty bảo hiểm Mỹ Prudential Financial, với giá 10,6 tỷ Yên (82 triệu Euro).

Trước đó, tháng 03/2021, CapitaLand, công ty bất động sản có trụ sở tại Singapore, đã mua một khuôn viên gồm 4 tòa nhà với tổng diện tích sàn lên đến 75.000m2 thuộc quận Minhang, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) - nơi được xem như là “trung tâm dữ liệu” của thành phố với giá 566,6 triệu USD, theo báo cáo đầu tư của Savills trong quý II. 

đầu tư, bất động sản, châu á thái bình dương, shanghai
Quận Minhang, thành phố Thượng Hải (Ảnh: Internet)

Như vậy, nhiều khả năng dòng đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở nên mạnh mẽ hơn vào năm 2022, với niềm tin vào sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế khu vực từ nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng sẽ mang đến cơ hội và cả thách thức cho các nhà đầu tư nội địa trước sự cạnh tranh từ dòng vốn nước ngoài. Hơn hết, nắm bắt xu hướng đầu tư sẽ là chìa khóa để thị trường bất động sản khu vực nóng trở lại sau một thời gian trầm lắng vì Covid-19./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top