Aa

Đầu tư cải tạo chung cư cũ sẽ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Bảy, 26/08/2017 - 20:01

Bộ Tài chính đang đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội một số chính sách bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ.

Người dân kiên quyết không di dời dù khu chung cư được xác định nguy hiểm.

Người dân kiên quyết không di dời dù khu chung cư được xác định nguy hiểm.

Đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ, theo quy định hiện hành thì hoạt động này không được ưu đãi thuế TNDN.

Qua công tác quản lý thu thuế thời gian qua, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện giải pháp tài chính và đất đai theo Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị trình Quốc hội cho bổ sung quy định phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước đã bán cho người đang thuê, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% tương tự như đang áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện hành.

Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập của từng dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để làm căn cứ hưởng ưu đãi thuế.

Được biết, cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã hoàn tất việc giao 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2-6 tầng. Trong số các doanh nghiệp được giao triển khai, bên cạnh trường hợp gây chú ý gần đây của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) với Khu tập thể Thành Công còn có nhiều tên tuổi lớn khác như các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC, UDIC, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Vinaconex…

Bên cạnh những đại gia bất động sản này, các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát… cũng được giao lập quy hoạch một số dự án. Tuy vậy, trong danh sách cũng có những chủ đầu tư từng dính vào kiện cáo với cư dân ở các dự án trước đây, như Công ty cổ phần Địa ốc Sông Hồng hay Tập đoàn Tung Shing... 

Khi giao các doanh nghiệp thực hiện nội dung nêu trên, UBND thành phố Hà Nội từng nêu rõ nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch chi tiết do các đơn vị này tự chủ động. Sau khi đồ án tổng thể quy hoạch chi tiết được phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia sẽ thực hiện theo quy định. Đến giai đoạn này, thành phố sẽ xem xét, đảm bảo nguồn lợi mà các nhà đầu tư đã thực hiện. 

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Lê Văn Dục, trên địa bàn thành phố có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng.

Trên thực tế, việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư tại Hà Nội đã được đặt ra từ lâu với sự tham gia của các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua, quá trình này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa chủ dự án và người dân đang sinh sống tại các khu tập thể./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top