Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2022 thị trường bất động sản sẽ gắn với một biến số rất quan trọng đó là khả năng giải ngân vốn đầu tư công.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Theo ông Thiên, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn tăng trưởng chậm nên rất cần gói kích thích lớn với tham vọng không chỉ phục hồi mà còn phải tạo ra cơ hội để bứt phá mạnh mẽ hơn. Một trong những trọng tâm của chương trình phục hồi là việc triển khai các tuyến giao thông huyết mạch.
"Nếu thực hiện tốt, hiệu quả chắn chắn sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bất động sản", PGS. Trần Đình Thiên nhận định.
Thực tế cho thấy, dù Chương trình thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế (hay còn gọi là gói kích cầu) vẫn đang trong quá trình bàn thảo nhưng quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được Chính phủ ưu tiên.
Cụ thể, theo thông tin cập nhật tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ GTVT trong năm 2022, Bộ sẽ được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm thì theo các chuyên gia, trong Chương trình thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế cũng có nhiều hạng mục dự kiến được phân bổ ngân sách, nếu thực hiện tốt cũng sẽ là tiền đề tốt cho thị trường bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết trong dự thảo Chương trình kích cầu kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất Quốc hội thẩm tra liên quan đến chính sách tiền tệ có có một số chính sách sẽ tác động đến thị trường bất động sản.
Thứ nhất, dự kiến sẽ có một chương trình hoặc gói cho vay mua nhà ở, tầm 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này tương tự gói 30.000 tỷ đã từng tung ra thị trường năm 2013, trong vòng 3 năm.
Thứ hai, tiếp tục có gói cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội. Hiện nay, có nhiều chủ đầu tư sẵn sàng tham gia vào kênh nhà ở xã hội vì thấy nhu cầu còn lớn và nhiều tiềm năng. Tất nhiên, các cơ quan quản lý giải quyết khá nhiều vấn đề liên quan đến chuyện này trong thời gian vừa qua như: Pháp lý, việc dành 20% quỹ đất và các dịch vụ đi kèm,…
Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển nhà ở trong 10 năm (2021 - 2030) cũng dành nhiều nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở dành cho đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, cũng theo TS. Cấn Văn Lực, trong Nghị định do Chính phủ đang dự thảo liên quan đến khu công nghiệp, có yêu cầu rất quan trọng là khu công nghiệp phải có nhà ở dành cho công nhân, có thể nằm trong hoặc bên ngoài khuôn viên.
"Tất cả những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở và đất nền", ông Lực nhận định.
Gỡ nhiều "nút thắt"
Dù được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế nói chung hồi phục cũng như kéo thị trường bất động sản đi lên nhưng theo nhận định của các chuyên gia việc thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng có không ít thách thức.
Việc giải ngân chậm được lý giải do đặc thù năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Một số dự án khởi công mới cần thời gian để chuẩn bị thủ tục đầu tư, đấu thầu.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế năm 2022, một trong những điểm rất quan trọng hiện đang được thảo luận đó là việc tháo gỡ những cơ chế để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, TS. Thành cho rằng các vấn đền liên quan đến giải ngân đầu tư công hiện nay cần được tháo gỡ gồm: Hình thức PPP, chỉ định thầu, phân cấp trung ương, địa phương, phân bổ hợp lý các mô hình đầu tư, giải tỏa ách tắc về nguyên vật liệu, vật tư xây dựng,... Do đó, nếu đẩy nhanh được việc giải ngân này có thể thúc đẩy các dự án hạ tầng phát triển, cũng tạo nền tảng tốt cho những năm tiếp theo.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Tiến sĩ Sử Ngọc Khương đánh giá, để phục hồi kinh tế và phát triển thị trường địa ốc năm 2022 cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: giải ngân đầu tư công, bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ, kích cầu, kiểm soát dịch bệnh, phủ vaccine nhanh chóng và chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Khương phân tích, năm 2021, bất động sản Việt Nam đang bị lạm phát giá (giá tăng quá nhanh và quá cao). Pháp lý kéo dài, chi phí tài chính tăng, sức nén quá lớn sẽ đẩy giá trị bất động sản đội lên khiến cho tương lai của thị trường trở nên bất định. Lạm phát giá nhà gây khó khăn cho người mua có nhu cầu để ở thực trong thời gian tới. Các phân khúc bình dân có thể bị biến động giá khá mạnh trong năm 2022.
Các nhà đầu tư tổ chức đang đi theo hướng phát triển các dự án đại đô thị ở tỉnh vệ tinh TP.HCM khiến tâm điểm thị trường bất động sản dịch chuyển về vùng phụ cận của đô thị lớn, khi đó kết nối hạ tầng đóng vai trò sống còn.
"Việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là thiệt thòi cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản trong việc kết nối vùng từ đô thị đến các thành phố vệ tinh. Để phát triển các dự án đại đô thị này rất cần các dự án hạ tầng huyết mạch để kết nối kinh tế vùng", ông Khương nhấn mạnh.