Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với các nhà đầu tư vì đại dịch Covid-19. Việt Nam dù thoát tăng trưởng âm nhưng mức dự báo GDP khoảng 2% là mức tăng thấp nhất trong cả thập kỷ qua. Hệ lụy của nó là hàng vạn doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc.
Nhận định về các kênh đầu tư ngắn hạn có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong thời điểm cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, hiện nay dòng tiền nhàn rỗi đang tìm kiếm đến những kênh đầu tư mới, có tỷ suất sinh lời lớn và có thể kể đến kênh chứng khoán.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
“Điều này khẳng định sức hút rất lớn của thị trường chứng khoán, tôi nghĩ từ nay đến cuối năm và sang cả năm sau thì nó vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, nhất là đối với các nhà đầu tư cá nhân”, ông Khánh cho hay.
Ông Khánh phân tích, nhóm cổ phiếu penny vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là nhà đầu tư F0 vì họ vào thị trường để kiếm lời, khi giá tăng thì bán. Mặt khác, lượng tiền không nhiều, họ cũng sẽ cảnh giác khi mua những cổ phiếu giá quá cao.
Với những kênh đầu tư còn lại, ông Khánh cho rằng, tiết kiệm ngân hàng thì lãi suất rất thấp không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, thậm chí nhiều người còn rút tiền khỏi kênh này để đầu tư vào các kênh sinh lời lớn. Còn thị trường vàng có “nổi sóng” nhưng ở Việt Nam sức hút cũng rất yếu, gần như không có ai đầu tư giai đoạn này.
Ngay kể cả thời điểm vàng trở lại đỉnh 62 triệu đồng/lượng vừa qua thì người mua vàng cũng rất khó có lãi, vì chênh lệch giá mua vào - bán ra rất lớn, người dân mua xong đã lập tức lỗ gần 1 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước cũng chênh lệch rất lớn so với vàng thế giới và khi thị trường thế giới biến động thì các doanh nghiệp vàng trong nước sẽ có xu hướng điều chỉnh giá vàng có lợi cho mình, đẩy phần thiệt về người mua.
Bên cạnh kênh đầu tư chứng khoán, các chuyên gia nhận định, đầu tư vào bất động sản thời điểm này cũng có thể sinh lời gấp đôi, gấp ba so với gửi tiết kiệm hiện nay bởi giá bất động sản liên tục tăng “nóng” trong thời gian qua.
Thực tế, trước các thông tin lạm phát toàn cầu, lượng giao dịch bất động sản tại thị trường thứ cấp đã tăng mạnh, minh chứng là thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 tăng gấp đôi tháng 9.
Song song với đó, thị trường sơ cấp cũng sôi động không kém. Báo cáo quý III/2021 của CBRE cho thấy, mức hấp thụ căn hộ toàn thị trường tại TP.HCM đạt 82%, cao hơn năm 2020. Tại Hà Nội, các dự án mở bán trong quý III cũng đạt tỷ lệ bán trung bình cao hơn tỷ lệ mở bán trung bình trong quý đầu tiên mở bán của năm 2019 và 2020.
Nhìn xa hơn, giá bất động sản tại nhiều thị trường đang cho thấy xu hướng tăng, xuất phát từ tốc độ lạm phát toàn cầu, kết hợp với nhu cầu bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư trước những diễn biến kinh tế bất ổn. Theo Knight Frank, tính đến quý III/2021 chỉ số giá nhà tại 56 quốc gia lãnh thổ trên toàn cầu đã tăng trung bình 9,4% theo năm, trong đó 48% các quốc gia, lãnh thổ đã tăng trên 10%.
Theo dự báo của TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, sang năm 2022 đầu tư bất động sản sẽ là lựa chọn khôn ngoan nếu nhà đầu tư biết “chớp thời cơ”.
Ông phân tích, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện đã hụt hơi có thể sẽ phải "bán đổ bán tháo" tài sản của họ để trả nợ ngân hàng. Khi đó, nhà đầu tư có thể "ôm" vào và chỉ đến cuối năm 2022 hoặc sau một năm khi nền kinh tế phục hồi, thị trường bất động sản sẽ lại nóng lên và tỷ suất sinh lời có thể gấp đôi, gấp 3 lãi suất tiết kiệm.
Xét dưới góc độ kỹ thuật, bà Đỗ Quỳnh Chi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ mới Việt Nam (VnServices) cho rằng, so với các kênh gửi tiết kiệm, đầu tư vàng hay bất động sản… đầu tư chứng khoán có những ưu điểm vượt trội, đó là rào cản gia nhập thị trường thấp, dễ dàng định giá, thanh khoản tốt, gia tăng giá trị nhanh, song cũng có nhược điểm là đòi hỏi nhà đầu tư phải có am hiểu về tài chính và thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, trong 5 kênh đầu tư phổ biến: Gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại tệ, không có kênh nào bền vững và mang lại lợi nhuận cao. Quan trọng là nhà đầu tư phải có kiến thức về tài chính để phân tích thị trường, đầu tư và chốt lời đúng thời điểm.