Aa

Đầu tư khách sạn tại Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 20/02/2022 - 06:00

Số vốn đổ vào thị trường khách sạn đạt 8,5 tỷ USD trong năm 2021. Con số này sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2022 khi ngành du lịch phục hồi và chiến lược dài hạn của nhà đầu tư.

Khách sạn luôn hấp dẫn các dòng vốn đầu tư

Thị trường khách sạn của Châu Á Thái Bình Dương đã ghi nhận sự phục hồi đầu tư mạnh mẽ vào năm 2021, nhưng vẫn còn thấp hơn các mức trước đại dịch do ngành vẫn đang tiếp tục trên đà phục hồi. Theo cáo Triển vọng đầu tư khách sạn của JLL, tổng lượng giao dịch tại Châu Á - Thái Bình Dương đạt 8,5 tỷ USD, chiếm 13% tổng lượng giao dịch khách sạn toàn cầu.

Việc phân bổ vốn vào thị trường khách sạn năm 2021 bị ảnh hưởng bởi các hạn chế do đại dịch, cũng như việc kiểm soát biên giới ở một số nền kinh tế trọng điểm. Ngoài ra còn có nguyên nhân do chênh lệch giá mua và bán lớn đối với bất động sản.

“Hoạt động giao dịch trong năm 2021 diễn ra mạnh mẽ và chứng tỏ rằng các nhà đầu tư đang tính đến vấn đề đầu tư dài hạn hơn khi xem xét các tài sản khách sạn ở Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi tin tưởng rằng khi du lịch quốc tế trở nên dễ tiếp cận hơn và khi thị trường du lịch giải trí và kinh doanh phục hồi nhiều hơn, các nhà đầu tư sẽ có thể khai thác nguồn tài nguyên lớn và triển khai chiến lược ở lĩnh vực khách sạn trên nhiều thị trường khác nhau”, ông Nihat Ercan, Giám đốc điều hành cấp cao, Trưởng phòng Kinh doanh Đầu tư, Châu Á Thái Bình Dương, JLL Hotels & Hospitality Group, chia sẻ.

“Đầu tư khách sạn châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Trong khi Covid-19 tiếp tục tác động đến hoạt động của ngành và việc triển khai vốn, các nhà đầu tư lại coi đây là thời điểm thích hợp để hoàn thành các giao dịch”, ông Mike Batc, CEO của JLL Hotels & Hospitality Group tại châu Á - Thái Bình Dương nhận định.

Số vốn đổ vào thị trường khách sạn đạt 8,5 tỷ USD trong năm 2021 (Ảnh minh hoạ)

“Người mua đang xem bối cảnh hiện tại là sự khởi đầu của một chu kỳ đầu tư mới trong ngành khách sạn. Tuy nhiên, khu vực này tiếp tục chứng kiến mức chênh lệch giá mua - giá bán khá lớn, vì các chủ sở hữu khách sạn được hỗ trợ bởi các khoản vay với lãi suất tương đối thấp và mối quan hệ tốt với các bên cho vay. Do đó, người bán đang giữ giá cao hơn trong khi chờ các điều kiện thị trường được cải thiện. Tất cả các yếu tố này khiến chúng tôi tin tưởng vào sức hấp dẫn lâu dài của ngành này”, ông Nihat Ercan cho biết thêm.

Theo phân tích của JLL, dòng vốn xuyên biên giới sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong đầu tư khách sạn vào năm 2022. Các nguồn vốn mới sẽ tham gia thị trường, chẳng hạn như các quỹ đầu tư của các gia đình tài phiệt và các nhà đầu tư đến từ Châu Âu và Trung Đông.

Như vậy, dòng vốn toàn cầu cùng sự lạc quan của các nhà đầu tư ngày càng tăng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, trong đó có thị trường khách sạn.

Một số yếu tố tác động tới thị trường khách sạn 2022

Thị trường khách sạn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, với việc các thành phố đóng cửa và những lo ngại về sức khỏe đã hạn chế số lượng du khách. Tuy nhiên, việc triển khai vắc-xin đang diễn ra nhanh chóng cùng với sự dồn nén “cơn khát” được đi du lịch của người dân dự kiến sẽ tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ. Theo đó, các nhà đầu tư phải tính toán ngay từ bây giờ, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội khi ngành khách sạn hồi phục.

Dòng vốn toàn cầu cùng sự lạc quan của các nhà đầu tư ngày càng tăng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 (Ảnh minh hoạ).

Báo cáo từ JLL cho biết, một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch trong lĩnh vực khách sạn Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022. Nhà đầu tư có thể cân nhắc các yếu tố để tiến hành thâu tóm các khách sạn hoặc duy trì vận hành tài sản khách sạn đang có.

Thứ nhất, các nhà đầu tư sẽ tập trung tiền của họ vào các thị trường có lợi thế làm tăng danh mục đầu tư của họ kể từ đại dịch. Cụ thể, các thị trường có lợi thế du lịch, có vị thế dự kiến sẽ thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư.

Thứ hai, các thị trường có nhu cầu nội địa mạnh mẽ vẫn là trọng tâm chính cho các nhà đầu tư xuyên biên giới. Cụ thể Nhật Bản và Úc là các thị trường mục tiêu được ưu tiên.

Thứ ba, các chủ khách sạn sẽ tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn hậu Covid-19, đe dọa lợi nhuận hoạt động và cản trở tăng trưởng RevPAR (doanh thu trên mỗi phòng). Bên cạnh đó, JLL cho rằng, trong năm 2022, các chủ khách sạn sẽ cần theo dõi chặt chẽ các thách thức chính, bao gồm: tình trạng thiếu lao động, các vấn đề về chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát, bởi tất cả các yếu tố đều đe dọa đến mức tăng trưởng lợi nhuận.

Thứ, cam kết bền vững của ngành khách sạn có thể đem đến giá trị tài sản tăng cao hơn, giảm chi phí hoạt động và tăng nhu cầu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng, nhà khai thác và nhà đầu tư đều sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngành khách sạn giảm lượng khí thải carbon.

Thứ năm, lĩnh vực co-living tăng trưởng đáng kể và đang nổi lên như một loại hình lưu trú thay thế phổ biến trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. JLL kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty mới xuất hiện quản lý và cho thuê các không gian một cách linh hoạt đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn của khách sạn.

“Thị trường khách sạn Châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi nhanh hơn dự đoán, nhưng thú vị hơn là, thị trường đang chứng kiến sự chuyển mình của để đáp ứng các nhu cầu thay đổi về hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng. Đồng thời, các chủ khách sạn sẽ cần điều chỉnh các chiến lược để thích ứng và tạo ra một môi trường làm việc hỗ trợ sức khỏe và hạnh phúc cho lực lượng lao động. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên thực hiện các nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải carbon và giảm thiểu rủi ro khí hậu”, ông Xander Nijnens, Giám đốc điều hành, Trưởng ban cố vấn và quản lý tài sản, Châu Á Thái Bình Dương cho hay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top