Aa

Thị trường khách sạn Hà Nội sôi động trở lại trong năm 2022

Thứ Tư, 19/01/2022 - 06:03

Hoạt động bất động sản tại Hà Nội bắt đầu ghi nhận những cải thiện tích cực. Trong đó, thị trường khách sạn đang có diễn biến sôi động từ đầu năm 2022.

Trái ngược với không khí rộn ràng vào dịp cuối năm thường thấy ở giai đoạn trước đại dịch, hoạt động kinh doanh khách sạn năm nay có phần trầm lắng hơn. Theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, mặc dù kết quả hoạt động của thị trường khách sạn không có sự đột biến trong dịp cuối năm 2021 nhưng thị trường vẫn kỳ vọng sự khởi sắc vào quý I/2022, thậm chí đầy hy vọng cho quý II khi các đường bay thương mại quốc tế được phục hồi. 

Báo cáo mới đây của Savills cho hay, nguồn cung khách sạn trên thị trường Hà Nội khá ổn định. Hơn một nửa số phòng đến từ 17 khách sạn 5 sao. Phân khúc này dự kiến dẫn dắt nguồn cung đến năm 2023 với 8 trên 13 dự án mới đi vào hoạt động. Thị trường chủ yếu nằm tại khu vực nội thành, chiếm 54% tổng nguồn cung.

Mặc dù giãn cách xã hội được nới lỏng từ tháng 10, công suất quý IV/2021 chỉ đạt 27%. Phân khúc khách sạn 5 sao có công suất cao nhất với 31%, theo sau là khách sạn 4 sao đạt 24% và khách sạn 3 sao đạt 18%. Phân khúc khách sạn 5 sao với nguồn cầu ổn định từ khách doanh nhân và khách ở dài hạn vẫn dẫn đầu về lượng khách thuê.

Bên cạnh đó, giá thuê khách sạn trung bình năm 2021 giảm 9%, xuống mức 1.680.000 VND/phòng/đêm. 

Theo Savills, với các lệnh cấm di chuyển quốc tế nghiêm ngặt, khách du lịch nội địa vẫn là nhóm động lực chính cho ngành. Dù Việt Nam đã có một chiến dịch tiêm chủng thành công và có các chương trình để phục hồi du lịch quốc tế, tuy nhiên triển vọng ngành khách sạn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ và diễn biến của biến chủng Covid-19 mới.

Thực tế cho thấy, nhiều khách sạn cao cấp tại Hà Nội, TP.HCM đã bắt đầu ghi nhận sự cải thiện về nguồn cầu, chủ yếu đến từ dịch vụ F&B. Nhu cầu về tổ chức sự kiện cũng đang cho thấy tín hiệu phục hồi khi các khách sạn nhận được quan tâm về tổ chức hoạt động MICE.

Cũng theo giới phân tích, những gì mà Việt Nam đã làm được trong giai đoạn cuối năm 2021 cho thấy, trong năm 2022 Việt Nam sẽ kiểm soát dịch tốt hơn. Điều này sẽ kích hoạt nền kinh tế Việt Nam hoạt động trở lại, trong đó có lĩnh vực khách sạn.

Đồng thời, để tái phát triển, chắc chắn ngành du lịch sẽ được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ, các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn. Và thực tế, vào ngày 11/1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua gói 35.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Ngoài ra, ngành du lịch còn được hỗ trợ bởi chính sách tiêm vắc-xin nhanh và rộng của Việt Nam. Việc tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người dân mà còn đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có “hộ chiếu vắc-xin” và điều này sẽ giúp cho việc giao lưu, du lịch quốc tế sớm trở lại bình thường.

Triển vọng ngành khách sạn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ và diễn biến của biến chủng Covid-19 mới. (Ảnh minh hoạ)

Chia sẻ về tiềm năng hồi phục của thị trường khách sạn, ông Matthew Powell - Giám Đốc Savills Hà Nội cho biết: “Nới lỏng hạn chế đi lại đồng nghĩa với việc các khách sạn tại Hà Nội cải thiện công suất trong quý IV/2021. Chương trình tiêm chủng nhanh chóng là một bước đệm tích cực để chào đón du khách nước ngoài trở lại. Tuy nhiên, du khách nội địa vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành khách sạn tại Việt Nam trong năm 2022”.

Nhận định tổng quan thị trường, ông Matthew Powell cho hay: “Tình hình bất động sản tại Hà Nội đang ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tốt. Các nhà đầu tư vẫn luôn thể hiện sự lạc quan về thị trường. Bởi vậy, khi các hạn chế được dỡ bỏ và tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động của thị trường cũng trở nên sôi động hơn.

Bên cạnh đó, việc biên giới được mở cửa vào đầu năm 2022 sẽ là chìa khóa cho sự trở lại của ngành du lịch, vốn là một phần lớn của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới và năm 2022 sẽ là một năm tuyệt vời cho sự phát triển của ngành bất động sản Việt Nam”.

Còn theo CBRE, mặc dù dịch Covid-19 để lại nhiều thiệt hại và tác động sâu rộng đến thị trường du lịch và khách sạn, song triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam rất khả quan nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.

Hơn nữa, Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch. Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng thành công hình ảnh là một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời sẽ thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, bức tranh thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2022 trong đó có sản phẩm khách sạn sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Bởi hiện nay, các địa phương đang triển khai kế hoạch thích ứng an toàn trong tình hình mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, từ đó giúp cho hoạt động du lịch bắt đầu ấm dần lên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top