Aa

Nhiều người đầu tư trái phiếu chỉ quan tâm lãi suất cao mà bỏ qua các rủi ro

Chủ Nhật, 23/04/2023 - 05:19

Đại diện Bộ Tài chính ngày 21/4 cho biết: Thực tế cho thấy, một số nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất cao, mà không đánh giá các rủi ro khi mua trái phiếu.

Hoặc không hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, của doanh nghiệp, của tổ chức phân phối trái phiếu (bao gồm cả các ngân hàng thương mại). 

Theo đại diện Bộ Tài chính, kể từ sau các vụ vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, số doanh nghiệp mua lại khối lượng trái phiếu trước hạn lớn. 

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ lợi ích hợp pháp và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) ngày 5/3/2023 sửa đổi các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, trong đó tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải nắm giữ danh mục chứng khoán trị giá 2 tỷ đồng trong vòng 6 tháng tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Việc tạm ngưng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại nợ và đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh có thể tiếp tục phát hành trái phiếu. "Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua TPDN riêng lẻ và quan trọng hơn nữa là nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm TPDN với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.

Trong bối cảnh tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản trên thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp phải chủ động thu xếp nguồn lực, cơ cấu lại tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường. 

Về phía nhà đầu tư, cần lưu ý trang bị đầy đủ hiểu biết về quy định của pháp luật về đầu tư TPDN, tiếp cận đầy đủ thông tin và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình; tránh việc đầu tư thiếu hiểu biết, gây thiệt hại cho chính bản thân nhà đầu tư và không được pháp luật bảo vệ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong quý I/2023, giá trị TPDN phát hành đạt 24.708 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08 có hiệu lực lên đến 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng. Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và kéo dài trong quãng thời gian chưa tới 2 năm rưỡi (chính xác là  2,37 năm).

Trong đó, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Chuyên gia Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết: "Hiện tại, thị trường khó khăn, chúng ta giãn thời gian, chứ không thay đổi, tinh thần là vậy, rõ ràng trước mắt tháo gỡ cho doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nâng tầm chuyên nghiệp, chứ không tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát hành thuận lợi hơn. Tinh thần là doanh nghiệp nâng tầm của mình, hướng tới chuyên nghiệp và minh bạch hơn".

Theo bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán VnDirect, sau khi Nghị định 08 được ban hành, có 9 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong số 11 đợt phát hành của quý 1 năm 2023, chiếm 97% tổng giá trị phát hành của cả 3 tháng đầu năm. Lưu ý nữa, là các đợt phát hành riêng lẻ lớn trong quý đều là của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin doanh nghiệp hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành mới có thời gian thành lập chưa đến 1 năm.

Đây cũng là điều lý giải vì sao khách hàng của TPDN phát hành trong quý I/2023 chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, với tỷ lệ 99,99%, trong đó ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ 77%. Rõ ràng, những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ để cơ cấu nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn.

Điều quan trọng là thị trường phải hướng đến việc cơ cấu lại người mua theo hướng tham gia chủ yếu của nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp, chứ không phải là giải pháp nhất thời./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top