Để thực hiện định hướng và mục tiêu thu hút FDI năm 2020 và trung, dài hạn, ngoài những việc đang thực hiện như hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, thì cần tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư.
FDI toàn cầu giảm sút
Báo cáo Đầu tư nước ngoài năm 2019 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận xét, FDI toàn cầu năm 2018 đạt 1.300 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2017 (1.500 tỷ USD). Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng giảm sút FDI là việc khá nhiều công ty đa quốc gia (MNE) Mỹ hồi hương từ nước ngoài để hưởng chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ, một số nước phát triển giảm đầu tư ra nước ngoài làm cho FDI của họ giảm khoảng 25%, còn 557 tỷ USD năm 2018.
FDI vào các nước đang phát triển tăng 2% trong năm 2018, chiếm 54% vốn đầu tư toàn cầu (năm 2017 là 46%). Do đó, một nửa trong số 20 nền kinh tế thu hút FDI hàng đầu thế giới là đang phát triển và chuyển đổi.
Năm 2019, FDI của các nước phát triển phục hồi khi hiệu ứng cải cách thuế của Mỹ giảm dần; 2 quý đầu năm, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tăng 18% do tác động của Chính phủ Mỹ yêu cầu các MNE nước này thanh khoản các chi nhánh nước ngoài của họ. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng tăng FDI toàn cầu không cao do bị chi phối bởi các yếu tố như rủi ro địa chính trị, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và chính sách bảo hộ mậu dịch.
Nếu loại trừ các yếu tố như cải cách thuế, megadeals (hợp tác kinh doanh lớn) và dòng tài chính biến động, thì FDI trong giai đoạn 2008 - 2018 chỉ tăng bình quân 1%/năm so với mức 8%/năm giai đoạn 2000 và 2007 và 20%/năm trước năm 2000. Xu hướng giảm tốc độ tăng FDI toàn cầu do nhiều nhân tố, chủ yếu là tỷ lệ hoàn vốn đầu tư nước ngoài giảm và chính sách, môi trường đầu tư ít thuận lợi hơn.
Dự báo trung hạn và dài hạn cho thấy, tốc độ tăng trưởng tương đối của tiền bản quyền, phí cấp phép và thương mại dịch vụ trong kinh doanh quốc tế vượt xa vốn FDI; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) rất lớn và tăng nhanh. Do đó, một phần đáng kể của đầu tư giữa các nước đang phát triển cuối cùng thuộc sở hữu của MNE các nước phát triển.
Trong các nước tiếp nhận FDI, thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhận vốn đầu tư lớn nhất. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Lần đầu tiên, Việt Nam nằm trong 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Nhật Bản trở thành nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Tiếp đó là Trung Quốc và Pháp. Lần đầu tiên Hoa Kỳ nằm ngoài danh sách top 20.
FDI vào các nước đang phát triển ở châu Á tăng 3,9% năm 2018, đạt 512 tỷ USD, chiếm 39% FDI toàn cầu (năm 2017 là 33%). Ông James Zhan, Giám đốc Ban Đầu tư và Doanh nghiệp của UNCTAD lạc quan về triển vọng FDI vào khu vực này nhờ tốc độ phát triển kinh tế và môi trường đầu tư được cải thiện.
FDI vào Đông Nam Á đạt mức kỷ lục trong năm 2018 với 149 tỷ USD, tăng 3%, trong đó Singapore, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan có mức tăng khá cao. Công nghiệp chế tạo, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, kỹ thuật số là những ngành mà các nước ASEAN thu hút được vốn FDI nhiều nhất.
FDI chủ yếu là đầu tư xuyên biên giới của các công ty xuyên quốc gia (TNC) thông qua việc thành lập các dự án tại các nước tiếp nhận vốn đầu tư. Để thích ứng với sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu trong thời đại kinh tế số, TNC đã áp dụng phương thức mới để tiếp cận thị trường không theo phương thức truyền thống, nhưng có hiệu quả hơn như thuê gia công, thuê dịch vụ, nhượng quyền, cấp phép và quản lý theo hợp đồng. Những hoạt động như vậy được gọi là “phương thức đầu tư xuyên biên giới không góp vốn” (NEM).
Hiện nay, các TNC đầu tư ra nước ngoài theo 2 phương thức: góp vốn như đã được thực hiện ở Việt Nam trong 30 năm qua với các hình thức chủ yếu: hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh và 100% vốn nước ngoài, M&A; không góp vốn theo NEM. Điển hình của NEM tại Việt Nam là Vingroup đã hợp tác với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như GM của Mỹ, Siemens của Đức để sản xuất ô tô tại Nhà máy VinFast.
Hai phương thức này có quan hệ với nhau. Một số nhà đầu tư thông qua phương thức NEM trước cho đến khi kinh doanh có lợi nhuận và đạt đồng thuận với đối tác trong nước thì chuyển sang phương thức góp vốn để tham gia quản trị doanh nghiệp.
FDI là một mảng sáng của kinh tế Việt Nam năm 2019
Thu hút FDI là một mảng sáng của bức tranh kinh tế năm 2019. Tính đến ngày 20/12, vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018; 3.833 dự án mới đăng ký với 16,75 tỷ USD, bằng 93,2%, 1.381 dự án điều chỉnh vốn 5,8 tỷ USD, tăng 18,1%; 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần với 15,47tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Do vậy, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành kinh tế, trong đó có chế biến, chế tạo với 24,56 tỷ USD, chiếm 664,6%; kinh doanh bất động sản với 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% vốn đăng ký; tiếp theo là bán buôn bán lẻ, khoa học và công nghệ.
Phân bố vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục giữ tỷ trọng như những năm trước, trong đó có một số chuyển dịch tích cực đối với kinh doanh bất động sản, do thị trường mở rộng, doanh nghiệp trong nước có tiềm lực mạnh hơn, nên một số nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết chuyển giao công nghệ mới, phương thức kinh doanh mới cho doanh nghiệp trong nước.
Hoạt động M&A trở nên sôi nổi trong những năm gần đây, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đăng ký: năm 2017 chiếm 17,02%, năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 56,4%. Đó là tín hiệu đáng mừng do 2 nguyên nhân chính: quy mô doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh tạo ra nguồn cung dồi dào cho M&A và chính sách mở cửa với thị trường chứng khoán theo chủ trương nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
M&A có lợi thế so với đầu tư mới, vì nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp có thể mang lại lợi nhuận cho họ trên cơ sở theo dõi và nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp bán cổ phần; thời gian thực hiện dự án nhanh hơn nhiều vì thủ tục đơn giản hơn.
Tuy vậy, chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Quy mô trung bình mỗi dự án FDI quá nhỏ, 3.833 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn đăng ký 16,75 tỷ USD, trung bình mỗi dự án chỉ có khoảng 4,3 triệu USD vốn đăng ký. Một số địa phương còn thu hút cả những dự án 1-2 triệu USD, thậm chí dưới 1 triệu USD. Tất nhiên, tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực để bàn về quy mô dự án; đối với một số lĩnh vực dịch vụ thì không đòi hỏi quy mô lớn, nhưng đối với sản xuất, chế biến thì cần quan tâm đến quy mô dự án, khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đủ năng lực, cần được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án đó.
Có tình trạng thiếu vắng dự án quy mô lớn. Nếu năm 2018 có một số dự án quy mô lớn như Thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội) liên doanh với Nhật Bản 4,14 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng của Hàn Quốc đầu tư 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu; thì năm 2019, dự án quy mô lớn nhất là 420 triệu USD.
Trong ngành chế tạo, chế biến, chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như AI, blockchain, fintech, trung tâm R&D, nhất là ở 2 trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP.HCM có tiềm lực khoa học và công nghệ lớn, dồi dào về lao động chất lượng cao.
Điều chỉnh tăng vốn chủ yếu là của các dự án nhỏ, không có dự án quy mô lớn như năm 2018 (Công ty TNHH Laguna - Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD).
Dự báo FDI 2020 và dài hạn
Theo SSI Research, tác động ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chủ yếu là gián tiếp, thông qua sự mất giá của nhân dân tệ, Bắc Kinh tăng cường kiểm soát vốn và tâm lý giá xuống trên thị trường chứng khoán. Việt Nam vẫn đang phát triển, nhưng quy mô sản xuất tương đối nhỏ trên thế giới, không nằm trong top 20, đủ nhỏ để “đứng ngoài” cuộc tranh chấp thương mại của các nền kinh tế lớn, không bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều trong ngắn hạn.
Cùng với đó, đồng tiền Việt Nam vẫn diễn biến tốt so với hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, chỉ mất giá 2,5% so với USD kể từ đầu năm. Tuy vậy, cảnh giác không bao giờ thừa khi kim ngạch thương mại của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Đối với FDI, đang có nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và châu Á chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba. Việt Nam nằm trong sự lựa chọn hàng đầu, 2 năm gần đây, đã có một số nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang nước ta.
Khi Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, buộc doanh nghiệp nước này tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ.
Việt Nam là nước láng giềng có tiềm năng lớn, nên sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội để mở rộng quy mô thương mại hai chiều, tăng nhanh các dự án đầu tư trực tiếp. Việt Nam cần nghiên cứu để nhận biết thách thức và cơ hội mới, có đối sách thích hợp với các doanh nghiệp Trung Quốc theo hướng lựa chọn, sàng lọc, bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực, việc cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, với một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về định hướng, chính sách mới về FDI, dự báo: tốc độ tăng vốn FDI thực hiện năm 2020 7-8%, đạt 23-24 tỷ USD, chiếm 22 - 23 % tổng vốn đầu tư xã hội; vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm), giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm); vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm), giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm).
Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao dự báo tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Mục tiêu số lượng có vốn đăng ký và vốn thực hiện. Vốn đăng ký là chỉ tiêu định hướng để tạo điều kiện cho vốn thực hiện. Trên thực tế, cho đến cuối năm 2019, vốn FDI đăng ký trên 360 tỷ USD, vốn FDI thực hiện 210 tỷ USD, còn 150 tỷ USD chưa thực hiện. Trong đó, chỉ 50-60 tỷ USD có thể giải ngân, hơn 100 tỷ USD là không hy vọng được thực hiện, trở thành “ vốn ảo”, cần loại ra khỏi thống kê về FDI để không tạo ra ảo tưởng còn quá nhiều vốn FDI chưa thực hiện.
Mục tiêu của giai đoạn 2021- 2025 vốn thực hiện 20 - 30 tỷ USD/năm và giai đoạn 2026 - 2030 30 - 40 tỷ USD/năm là hiện thực, vì năm 2019, vốn thực hiện khoảng 19 tỷ USD, tốc độ tăng bình quân năm 7-8% hoàn toàn khả thi.
Mục tiêu chất lượng đòi hỏi phải thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn đối tác và dự án FDI, bởi vì có liên quan đến chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những nhược điểm của 30 năm thu hút FDI của nước ta đã được bàn thảo nhiều, nhưng chậm được khắc phục.
Định hướng mới về FDI trung hạn và dài hạn phải lấy chất lượng làm trọng, không khoan nhượng với dự án của bất kỳ ngành nghề, đối tác, địa phương nào, phải đặt trong bối cảnh nước ta đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng với tốc độ cao để hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững.
Để thực hiện định hướng và mục tiêu thu hút FDI năm 2020 và trung, dài hạn, ngoài những việc đang thực hiện như hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, thì cần tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư.
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index) 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá, Việt Nam là quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2019. Tuy vậy, tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Singapore (số 1), Malaysia (27), Thái Lan (40), Brunei (56) và Philippines (64). Do đó, cần có cách tiếp cận mới trong việc cải cách nền hành chính quốc gia theo hướng xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị: “Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”.
Hoạt động đầu tư bắt đầu từ ý tưởng của các ngành, địa phương đối với các dự án trong từng giai đoạn, từng năm, trong đó có đầu tư nước ngoài. Từ ý tưởng phải lập phương án về mục tiêu, vốn đầu tư, phương thức đầu tư, các điều kiện bảo đảm đã và sẽ có về giao thông, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước, nhân lực tại chỗ và có thể đào tạo, các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường nội địa; các tổ chức dịch vụ tư vấn về pháp lý, lập dự án, xử lý quan hệ với cơ quan nhà nước, các địa chỉ cần liên hệ để có thêm thông tin về dự án.
Có như vậy, FDI mới trở thành bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc dân, khắc phục hiện tượng phổ biến là lãnh đạo các địa phương thụ động và dễ dàng chấp thuận những dự án đầu tư cả trăm triệu, cả tỷ USD, mà không quan tâm đến chất lượng và hiệu quả.
Cần nghiêm khắc hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Đã có dự án FDI trên 4 tỷ USD vừa cấp phép khoảng một năm thì bị rút giấy phép, vì nhà đầu tư lợi dụng sự cả tin của lãnh đạo địa phương để được cấp phép hoạt động, rồi tìm cách bán lại dự án kiếm lời; khi không thể thực hiện được đành bỏ cuộc.
Với nền kinh số, mạng Internet toàn cầu không khó để có được những thông tin về ý đồ và năng lực của nhà đầu tư. Đối với các TNC, việc đọc được ý đồ của họ là rất quan trọng. Muốn vậy, các cơ quan chức năng của địa phương, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất phải thu thập, xử lý các thông tin có liên quan đến nhà đầu tư, kể cả việc đề nghị họ cung cấp bản quyết toán năm đã được kiểm toán độc lập.
Vốn FDI tiếp tục đổ vào nước ta ngày một nhiều hơn; nước ta cũng cần có nguồn vốn đó để bảo đảm đủ vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế. Các bài học thành công và thất bại trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong đó có thu hút FDI là tài sản quý giá để người Việt Nam khôn ngoan hơn trong việc tiếp nhận vốn đầu tư quốc tế có hiệu quả hơn để phát triển bền vững hơn.
Điểm sáng của nền kinh tế năm 2019
Năm 2019, doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%% và chiếm 68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu đạt 145,5 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; xuất siêu gần 35,86 tỷ USD, không những bù đắp được 25,96 tỷ USD nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước, mà còn tạo ra xuất siêu 9,9 tỷ USD.
Trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng đầu với vốn đăng ký 7,92 tỷ USD, Hồng Kông thứ hai với vốn đăng ký 7,87 tỷ USD (có 3,85 tỷ USD mua cổ phần của Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), Singapore đứng thứ 3 với vốn đăng ký 4,18 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản,Trung Quốc.
GS-TSKH. Nguyễn Mại