Aa

Đẩy lùi tín dụng đen: Khó nhưng khả thi

Thứ Hai, 24/09/2018 - 08:37

Theo ước tính, tín dụng đen hiện có quy mô lên tới 500 nghìn tỷ đồng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với không chỉ ngành tài chính hay bản thân từng gia đình có người mắc nợ mà còn là căn nguyên của nhiều vấn nạn xã hội.

Nhận diện tín dụng đen

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, tín dụng “đen” là cách gọi hành vi cho vay nặng lãi, vay bất hợp pháp. Dù cách gọi này chưa thực sự thể hiện hết bản chất của loại hình vay mượn ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật này nhưng do được sử dụng từ lâu nên đã trở nên phổ biến.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Trong chương trình giao lưu trực tuyến “Đi tìm giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” vừa diễn ra tại báo điện tử Tri thức trẻ hôm cuối tuần qua, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tín dụng đen có 8 đặc điểm:

“Thứ nhất là cho vay quen biết giữa các cá nhân. Thứ 2 là có địa lý gần nhau, chủ yếu xảy ra ở nông thôn. Thứ 3 là không theo chuẩn mực nào, chủ yếu là vay nóng. Thứ 4 là thủ tục cực kỳ đơn giản, mọi lúc, mọi nơi, mọi yêu cầu, linh hoạt. Thứ 5 là món vay thường nhỏ. Thứ 6, tài sản đảm bảo cực kỳ đa dạng, có thể ti vi tủ lạnh, sổ đỏ, điện thoại,…. Thứ 7 là có thể gia hạn nếu cần. Cuối cùng là cực kỳ rủi ro.”

Cũng theo TS Lực, tín dụng đen hiện có quy mô lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế và gây hệ lụy rất lớn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo 138 (Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ), Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, “Tín dụng đen đi liền với tội phạm hình sự. Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều là cho vay mượn, thế chấp nhà cửa đất đai, tài sản. Nhiều vụ mở những giấy cam kết ra thấy như đi cướp ngày”. 

 

Đẩy lùi tín dụng đen: Khó nhưng khả thi

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy lùi tín dụng đen nhằm tăng cường sự bền vững của ngành tài chính và cải thiện tình hình xã hội, đại diện các cơ quan chức năng và các chuyên gia cũng đã nhiều lần thảo luận về vấn đề này. Trong đó, hầu hết các ý kiến đều đồng thuận rằng, việc đẩy lùi tín dụng đen là một cuộc chiến cam go nhưng hoàn toàn khả thi.

Cụ thể, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo 138, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ đã có những chỉ đạo xử lý quyết liệt, đặc biệt khu vực nông thôn.

Ông Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quy định lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng chính thức mở chi nhánh ở địa bàn, thông qua các kênh cho vay... phần nào giải quyết nhu cầu tiếp cận vốn nhằm giảm thiểu sự hoành hành của tín dụng đen. 

 

Còn trong cuộc giao lưu trực tuyến vừa mới diễn ra TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để giải quyết tình trạng tín dụng đen đang hoành hành thì việc giáo dục tài chính cần được xem là 1 trong những trụ cột chính.

“Tôi nhấn mạnh cần sự vào cuộc của truyền thông để thông tin tới người dân. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng cần vào cuộc, nên đưa giáo dục tài chính vào từ cấp 3, có thể là bộ môn tự chọn hoặc bắt buộc,…”.

Cụ thể hơn, theo TS Lực, việc giáo dục tài chính vừa nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ nhằm giúp họ có ý thức tìm đến tín dụng hợp pháp thay vì tín dụng đen, đồng thời nâng cao ý thức trả nợ để đảm bảo quyền lợi của chính người đi vay và góp phần thức đẩy thị trường tài chính phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, TS Lực cho rằng, cần tăng cường các biện pháp pháp luật răn đe với tín dụng đen vì các hình phạt hiện nay đã được luật định khá rõ, nhưng cần phải nghiêm hơn.

Bên cạnh đó, việc phát triển các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, "chân rết" của ngân hàng chính sách xã hội, chi nhánh của công ty tài chính,… và minh bạch hóa thị trường tài chính cũng là những biện pháp cần sớm được thực hiện trong thời gian tới.  

 

Chia sẻ thêm về các biện pháp đẩy lùi tín dụng đen, trên cương vị đại diện công ty tài chính tham gia thị trường này, ông Đoàn Xuân Phong, Đại diện kinh doanh miền Bắc Fe Credit nhấn mạnh, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa là thị trường có rất nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ tài chính tiêu dùng do số lượng khách hàng tại các khu vực này có nhu cầu vay lớn nhưng lại gặp hạn chế khi tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính hợp pháp. 

Vì vậy, theo ông Phong, trong thời gian tới, FE Creditsẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch mở rộng mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ, bán hàng thông qua việc hợp tác với các đối tác cung ứng sản phẩm; đồng thời tiến hành hoàn tất thử nghiệm công nghệ cao trên các ứng dụng cho vay tự động nhằm tiếp cận nhanh chóng và mang đến các trải nghiệm vay linh hoạt cho các khách hàng tại khu vực này.

Bên cạnh đó, Fe Credit cũng chú trọng các công tác tuyên truyền và giáo dục tài chính để làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về vay tiêu dùng tín chấp tại các công ty tài chính cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính toàn diện, tài chính cá nhân của người dân. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top