Aa

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cuối năm 2022

Thứ Hai, 14/11/2022 - 06:22

Qua 10 tháng năm 2022, mới có gần 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân. Như vậy là chỉ còn hơn 2 tháng nữa để tăng tốc, nhằm đạt mục tiêu giải ngân trên 90% trong năm nay.

Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch

Theo Bộ KH&ĐT, giải ngân kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/10 đạt 297.774,16 tỷ đồng/580.000 tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%). Nhưng số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) 10 tháng năm 2021.

Các dự án trọng điểm quốc gia đang nỗ lực giải ngân nguồn vốn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282.000 tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương chiếm 30,5%; các địa phương chiếm 69,5%.

Chỉ rõ nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm trễ, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: "Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan chưa sát với thực tế. Quy trình thủ tục còn mất nhiều thời gian, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, người đứng đầu e ngại trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt; việc xử lý sai phạm chưa kịp thời, nghiêm minh".

Đơn cử, hai dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 cũng đã được Chính phủ nhấn mạnh trong báo cáo về tình hình đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch 2023. Theo đó, cả hai dự án trọng điểm này của ngành y tế đều đang vướng mắc về hợp đồng, đơn giá gốc để điều chỉnh hợp đồng, dẫn đến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu. Dự án phải dừng thi công nhiều năm, số vốn Ngân sách Nhà nước bố trí cho dự án từ các năm 2017 - 2018 phải kéo dài sang năm 2022.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB), thông tin từ ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ riêng phần đền bù, GPMB Dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên khu đất thuộc tỉnh Quảng Nam đã cần tới 4.164 tỷ đồng. Khoản tiền quá lớn, nên mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan tới Dự án.

Do quy định về ngân sách giải ngân đến 31/1 năm sau và giải ngân cả năm thường dồn vào 3 tháng cuối năm, nên để thúc đẩy giải ngân trong 3 tháng còn lại (tới 31/1/2023), Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, thực hiện những giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo tại các nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ, khắc phục khó khăn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 đạt 95 - 100%.

Gỡ vướng GPMB, tăng kỷ luật đầu tư công

Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Luật Đầu tư công quy định dự án đầu tư phải được phê duyệt trước ngày 30/10 hàng năm thì mới được bố trí vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Luật cũng quy định phải bố trí vốn thì mới được lập dự án và thiết kế. Thêm vào đó, sau khi được cấp vốn, thời gian lập dự án phải mất 1 năm; đền bù GPMB mất thêm 1 năm, như vậy mất đến 2 năm chưa giải ngân được.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng cần tách riêng GPMB như một tiểu dự án để đi trước một bước, còn lại phần xây lắp tách thành dự án riêng, nhà thầu có thể nhận mặt bằng và thi công ngay, có khối lượng và giải ngân ngay được. “Vừa qua, Quốc hội quyết định các dự án nhóm A tách phần GPMB ra khỏi dự án đầu tư. Từ đó, tránh hiện tượng khi ký hợp đồng xong, có tiền nhưng chưa GPMB  xong", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

“Hiện nay, Chính phủ vẫn tiếp tục kiến nghị Quốc hội cho phép tách GPMB thành một dự án độc lập, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị và triển khai dự án. Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết và bày tỏ: “Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị phải có chế tài đối với các đơn vị xin “trả lại” vốn. Theo Bộ trưởng, việc các đơn vị đề xuất “trả lại” kế hoạch là không thực hiện nghiêm chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. “Kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương là chỉ tiêu pháp lệnh, do đó việc không hoàn thành chỉ tiêu này thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc giải ngân đầu tư công thường dồn vào cuối năm, khi các dự án đã tích lũy đủ khối lượng để nghiệm thu và giải ngân. Điều này gần như đã thành quy luật. Kết hợp cùng với giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra ngay từ những ngày đầu năm và liên tục chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện, ước thực hiện giải ngân năm 2022 vẫn sẽ đạt trên 95% kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top