Aa

Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Bảy, 18/12/2021 - 14:12

Đây là nhận định của ông Nguyễn Thanh Nghị - Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Xây dựng vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị.

Phấn đấu năm 2022, diện tích nhà ở bình quân đạt 25,5m2/người

Theo báo cáo, giá trị gia tăng ngành xây dựng ước quý IV/2021 tăng 33% so với quý III/2021, trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%. Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong quý IV/2021 nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020.

Trong năm 2021, ngành xây dựng ước đạt một số chỉ tiêu như giá trị tăng thêm của ngành xây dựng dự kiến tăng 0,2 - 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25m2/người.

Về vật liệu xây dựng, ước tính sản lượng tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xi măng tiêu thụ ước đạt khoảng 105,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; kính xây dựng khoảng 186 triệu m2, tăng khoảng 24%; sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7%; đá ốp lát khoảng 17 triệu m2, giảm khoảng 10%; gạch ốp lát khoảng 440 triệu m2, giảm khoảng 13%; với công nghiệp khoảng 2,3 triệu tấn, giảm khoảng 8%; tấm lợp amimăng khoảng 36 triệu m2, giảm khoảng 20%; gạch nung 18,4 tỷ viên, giảm khoảng 26%; gạch không nung 3,35 tỷ viên, giảm khoảng 33%...

Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020). Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn: 17,2% (giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2020); tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý 15% (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020).

bất động sản việt nam
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021 chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1%, diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25m2/người.

Năm 2022, bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt 6 - 6,5% với mục tiêu chính thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường… Ngành Xây dựng quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, cố gắng cao độ thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao.

Ngành xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96 - 5,56%; diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5m2/người; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 - 42% (chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15); tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm dưới 16,5%; tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 16%.

Ngành xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý vật liệu xây dựng; chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu…

Đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nghị - Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, để triển khai, thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác năm 2022 các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu Ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành xây dựng:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.

Theo đó, các đơn vị có liên quan cần tập trung lập Hồ sơ đề xuất xây dựng một số Luật mới như: Luật quản lý phát triển đô thị, Luật cấp thoát nước, Luật quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý không gian ngầm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Trước mắt, sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ngay trong tháng 12 Nghị định sửa các Nghị định trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển của Ngành.

Trong quá trình xây dựng pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc: Phù hợp với Hiến pháp và các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tránh chồng chéo; phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đảm bảo tính khả thi; tuân thủ luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tiến độ, chất lượng; tăng cường phân cấp cho địa phương, đồng thời phải có công cụ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong công tác xây dựng pháp luật.

bộ trưởng bộ xây dựng
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị.

Thứ hai, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị.

Nâng cao chất lượng công tác lập Quy hoạch đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi. Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch. Vụ Quy hoạch kiến trúc phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch cụ thể để triển khai.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn.

Trong đó, Cục Phát triển đô thị phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng các Chương trình, Kế hoạch để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về đô thị. Phải nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất Luật Quản lý phát triển đô thị và các văn bản pháp luật có liên quan về quản lý phát triển đô thị theo hướng hình thành các công cụ mới, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát và thúc đẩy phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ phát triển không gian đô thị; tổ chức và quản lý đô thị đồng bộ về hạ tầng, hợp lý, thông minh, xanh, văn minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; có bản sắc…

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu. Phối hợp với một số địa phương có điều kiện phù hợp để thí điểm xây dựng một số đô thị thông minh kiểu mẫu, là tiền đề tổng kết, đánh giá và nhân rộng.

Bám sát, kịp thời giải trình ý kiến UBTV Quốc hội và các cơ quan có liên quan về sửa đổi Nghị quyết 1210 của UBTV QH về phân loại đô thị; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc đầu tư, cải thiện các chỉ tiêu còn thiếu, còn yếu ở các đô thị được phân loại và các đô thị có sự sáp nhập các xã, vùng nông thôn vào đô thị để thành lập đơn vị hành chính mới khi thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tập trung nguồn lực thích đáng để sớm hoàn thiện Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, ban hành trong năm 2022.

Cục Hạ tầng kỹ thuật quan tâm, có giải pháp, xây dựng chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là vấn đề cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải...

Thứ ba, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Theo đó, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cùng các đơn vị có liên quan cần tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản.

Xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.

Bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.

nhà ở xã hội bộ xây dựng
Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội.

Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Thường xuyên bám sát diễn biến thị trường Bất động sản để có giải pháp kịp thời xử lý các biến động tiêu cực của thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top