Cùng với đó, toàn ngành tập trung công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới, góp phần thay đổi diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Giải ngân 4 tháng đạt hơn 11.200 tỷ đồng
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), 4 tháng đầu năm 2022, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT đạt khoảng 11.200 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch giao chi tiết và đạt hơn 22% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam đã giải ngân 3.675 tỷ đồng, đạt gần 22% kế hoạch vốn được phân bổ. Riêng tháng 4/2022 dự kiến giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, lũy kế trong 4 tháng đầu năm, dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45 giải ngân khoảng 939 tỷ đồng (31,3%); dự án Phan Thiết - Dầu Giây đạt khoảng 673 tỷ đồng (29,4%). Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết giải ngân khoảng 197 tỷ đồng (13,1%); Cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 156 tỷ đồng (14,9%).
Các dự án thành phần: Cam Lộ - La Sơn dự kiến giải ngân 285 tỷ đồng (17,4%); Nha Trang - Cam Lâm khoảng 185 tỷ đồng (19,6%). Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu đạt khoảng 693 (34,7%), Diễn Châu - Bãi Vọt khoảng 17 tỷ đồng (0,9%); cao tốc QL45 - Nghi Sơn khoảng 285 tỷ đồng (20,8%); cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khoảng 245 tỷ đồng (23%).
Cũng theo Bộ GTVT, để tiếp tục nâng cao khối lượng giải ngân, các ban quản lý dự án (QLDA) cần chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp đẩy mạnh tiến độ thi công và hoàn thiện ngay thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành.
Ông Lương Văn Long - Giám đốc Ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45, Ban QLDA Thăng Long cho biết, để công tác giải ngân đi vào thực chất, thời gian qua, ban điều hành dự án và các nhà thầu đã chủ động dự liệu các khó khăn để có phương án khắc phục từ sớm để đảm bảo tiến độ. Quy chế thanh quyết toán rõ ràng, quy định thời gian giải quyết hồ sơ của từng bộ phận. Đặt mục tiêu thời gian từ lúc nhà thầu trình hồ sơ đến khi tiền về đến nhà thầu tối đa là 15 ngày, đảm bảo vòng quay nhanh nhất, giảm áp lực tài chính cho nhà thầu, công tác thi công được xuyên suốt.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả giải ngân, ông Lê Văn Sáu - Phó Giám đốc Ban QLDA Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc vận dụng quy định pháp luật cho phép, thanh toán đầy đủ sản lượng thi công để nhà thầu thu hồi vốn, ban QLDA cũng thực hiện điều phối nguồn lực, tăng sản lượng thi công các gói thầu xây lắp. Trên thực tế như tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, khi gói thầu số 5 và số 6 có sản lượng thấp hơn các gói thầu còn lại, ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu mạnh và thầu chính tăng cường nhân lực, thiết bị, hỗ trợ một phần cho công địa của các nhà thầu phụ chậm hơn. .
Đầu tư, khởi công nhiều dự án mới tại 2 miền Nam - Bắc
Cũng theo Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT được phân bổ tổng số hơn 304.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương. Số vốn này phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội.
Còn 157.000 tỷ đồng là để triển khai các dự án mới; trong đó, tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ đồng cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các điểm nghẽn thuộc năm chuyên ngành giao thông trong cả 5 năm trên 63 tỉnh, thành phố.
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, 1 trong những tỉnh rất quan trong của phía Nam, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối được khoảng 1.486 tỷ đồng để hoàn thành 1 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước (QL27 đoạn tránh Liên Khương) và khởi công mới 2 dự án (QL28B, đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên QL20). Bộ GTVT sẽ tiếp tục đề xuất cấp thẩm quyền xem xét bố trí nguồn lực để sớm đầu tư tuyến QL27C. Trước mắt, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại an toàn, êm thuận trên tuyến.
Còn tại phía Bắc, thông tin về tiến độ dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, đại diện Ban QLDA 2, Bộ GTVT cho biết, tính đến nay, 1/11 gói thầu của dự án khởi công cuối tháng 12/2021 đã đạt khoảng 3,7%, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Đối với các gói thầu còn lại, trong tháng 5/2022 dự kiến sẽ khởi công thêm 3 gói thầu (1 gói nhà tài trợ đã có ý kiến, ban QLDA đang phối hợp giải trình với nhà tài trợ về kết quả lựa chọn nhà thầu; 2 gói thầu nhà tài trợ đang xem xét, cho ý kiến, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2022).
5 gói thầu khác thuộc dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến khởi công trong tháng 6/2022. 2 gói thầu cuối cùng dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu vào cuối tháng 4 và khởi công trong tháng 7/2022” - đại diện Ban QLDA 2 thông tin.
Để đảm bảo tiến độ dự án, mới đây, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) đã đề nghị Ban QLDA 2 xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết thực hiện dự án để kiểm điểm tiến độ hàng tháng/tuần; rà soát, phân công nhiệm vụ cụ thể các phòng, ban gắn trách nhiệm từng cá nhân, đặc biệt trong công tác xét thầu các gói thầu xây lắp. Cục QLXD&CLCTGT cũng yêu cầu ban QLDA đẩy nhanh tiến trình thực hiện các thủ tục theo quy định của nhà tài trợ; chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân gói thầu đã khởi công.
Được biết, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ, nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Quy mô của dự án gồm 2 tuyến, gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.
Dự án có tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD. Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.
157.000 tỷ đồng triển khai các dự án mới
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ dành 157.000 tỷ đồng để triển khai các dự án mới; trong đó, tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ đồng cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các điểm nghẽn thuộc năm chuyên ngành giao thông trong cả 5 năm trên 63 tỉnh, thành phố.