Aa

ĐBQH Tạ Văn Hạ: Xác định giá trị đất đai sai phạm tại thời điểm xảy ra vụ việc hay lúc khởi tố?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Tư, 01/11/2023 - 11:19

Vị đại biểu đoàn Quảng Nam nêu vấn đề xác định giá trị đất đai trong các vụ việc sai phạm tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tập trung tháo gỡ, trong đó phải kể tới tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm; du lịch quốc tế phục hồi chậm.

Việc triển khai một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm. Một số cơ chế, chính sách pháp luật chậm được sửa đổi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập....

Trong số nhiều nguyên nhân thì có vấn đề một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.

Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng nay (1/11), đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật, đồng thời đặt vấn đề có cách hiểu luật khác nhau, chưa thực sự thống nhất, nên cán bộ khi thực hiện hiểu luật thế này, khi kiểm tra, giám sát, thanh tra lại hiểu theo cách khác.

“Tôi lấy thí dụ là về xác định giá trị đất đai trong các vụ việc sai phạm, có trường hợp xác định giá trị ở thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm là phải xác định thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc. Việc nàyChánh án TAND Tối cao cũng từng trả lời tại Quốc hội rằng xác định thiệt hại tại thời điểm xảy ra vụ việc, nhưng có vụ việc thì lại xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, cho nên sau mấy năm giá trị đất đã khác.

Tôi lấy thí dụ có vụ án lúc đầu xác định thiệt hại 4 nghìn tỷ đồng, nhưng sau đó qua xác minh lại thì còn hơn 1 nghìn tỷ đồng. Có vụ ở TP.HCM ban đầu thì tính thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ đồng nhưng về sau chỉ còn hơn 200 tỷ đồng. Việc xác định giá trị tại thời điểm nào cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cán bộ sợ, không dám làm. Vì vậy khi rà soát các quy định của pháp luật thì phải làm sao để thống nhất cách hiểu, làm sao đơn giản dễ hiểu để người dân dễ tiếp nhận, tránh câu chuyện chúng ta lại hiểu theo cách khác nhau”, đại biểu Hạ phân tích.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cũng nêu thực trạng cán bộ cơ quan nhà nước sợ trách nhiệm, không dám làm là do còn vướng mắc chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật.

“Trong thời gian cực ngắn 3 tháng qua các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai rà soát lại, tôi đọc thì thấy chủ yếu ở luật, nghị định, thông tư, chưa có vấn đề từ văn bản của địa phương. Qua rà soát thì thấy tỷ lệ chồng chéo là có, mặc dù không cao nhưng nếu chúng ta để đó thì tức là chưa nhìn nhận được một trong những nguyên khiến cán bộ không dám làm, rồi địa phương thì hỏi trung ương, tỉnh thì hỏi Bộ trưởng. Rất nhiều vấn đề chưa rõ và tôi chỉ nêu một thí dụ thôi mâu thuẫn ngay trong Nghị định 60 năm 2021 về tự chủ tài chính, do đó chúng ta phải rà soát thật kỹ”, ông Thân nói.

Trong khi đó đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung.

vũ tiến lộc
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Ông Lộc nhận định, qua các số liệu thống kê đã công bố, nền kinh tế của nước ta đang khó khăn, các con số tăng trưởng GDP và phát triển doanh nghiệp đều ở mức rất thấp trong lịch sử các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế không phát huy như kì vọng và nêu quan điểm: "Để phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu khẳng định, điều bạn quan trọng là cải cách thể chế, “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được. Vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn để tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này. Trong thời điểm khủng hoảng thì giải pháp kinh điển trực diện có thể phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là bơm tiền của nền kinh tế". 

Trước đó, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thực hiện ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại các kỳ họp trước đây, Nghị quyết 101 của Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại kỳ họp này. 

Để bảo đảm tính chủ động, đánh giá khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, tổ chức điều kiện rà soát độc lập và yêu cầu 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND có báo cáo; các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách đều có ý kiến đánh giá độc lập về kết quả rà soát của Chính phủ cũng như của các địa phương.

Mục tiêu đặt ra là qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung....

Nguyên tắc là rà soát, đánh giá, nhận định phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, tránh phiến diện. Việc rà soát phải bảo đảm khách quan, tránh cả hai thái cực: mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hoặc tuyệt đối hóa pháp luật đều tốt mà bất cập, vướng mắc là do công tác tổ chức thực hiện. Việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung phải là thực sự cần thiết và xác đáng. 

Kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Hầu hết các các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp. 

Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.

nguyễn trường giang
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, gần 70% nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật đều thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản,..

Các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản cơ quan nhà nước cấp trên.

“Tuy nhiên, cũng có một số nội dung nhận định là chưa chính xác, một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và một số nội dung, một số nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng thực chất là vấn đề quan điểm chính sách”, ông Giang nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top