Aa

Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội: “Nhập gia phải tùy tục”

Thứ Tư, 10/07/2019 - 06:01

Giãn dân phố cổ chỉ là bài toán cơ học, công tác tuyên truyền không quan trọng bằng bài toán kinh tế bởi người dân chỉ cần một chỗ ngủ nhưng bước ra đường có thể kiếm sống được cả ngày.

Phố cổ không chỉ là một di tích kiến trúc xưa đơn thuần mà còn là di sản của một quá trình đất nước ta quản lý không gian đô thị, ở đây chứa chất rất nhiều yếu tố mà chúng ta phải gỡ như những mối tơ vò.

Duy trì và phát triển

Phố cổ là sự tổng hòa văn hóa của từng ngôi nhà, mà điều quan trọng nhất của mỗi ngôi nhà chính là gia phong. Mỗi ngôi nhà có một văn hóa riêng gắn liền với cư dân.

Ví dụ như nhà của quan chức khác với nhà của một người lao động, khác với của một nhà giáo, một nhà trí thức. Cho nên mỗi ngôi nhà là một không gian chứa đựng một văn hóa nhất định và tổng hòa văn hóa của từng ngôi nhà một sẽ là văn hóa của một không gian phố cổ.

Tôi thấy thật sự tiếc sau giải phóng Thủ đô rồi đến công cuộc cải tạo trong đó có cải tạo nhà cửa, chúng ta đã phá vỡ kết cấu truyền thống nhà cổ. Kết cấu đầu tiên là mỗi một ngôi nhà là một gia đình thì chúng ta đã biến ngôi nhà thành không gian công cộng, có thể lắp ghép rất nhiều gia đình khác nhau.

Có thể những gia đình mà người Hà Nội xưa không còn ở đây nữa, hoặc họ có thể thu hẹp lại một không gian nhỏ trong khu vực đấy. Và những văn hóa của mọi miền đất nước họ đến ở, những cư dân mới ấy căn bản không phải là cư dân đô thị. Và rất nhiều những yếu tố khác nữa tạo ra một khu phố cổ đồng nghĩa với sự đa dạng, nhưng đa dạng ở chỗ nó phá vỡ tất cả những gì văn hóa cũ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Cho đến bây giờ một trong những giải pháp mà tôi rất tán thành ngoài việc nghiên cứu xây dựng những ngôi nhà chuẩn như ở Hàng Ngang, Mã Mây để chúng ta hình dung Hà Nội ngày xưa như thế thì việc tạo ra một môi trường để ta tiếp nối hoặc duy trì và phát triển những văn hóa của những khu dân phố cổ là cần thiết.

Bài toán cuối cùng trong việc giãn dân chính là bài toán lợi ích, ai ở ai đi, việc dời đi với chính sách khuyến khích vẫn là câu chuyện không đơn giản. Nhà nước chỉ tạo ra mặt bằng để người dân có thể tạo điều kiện tái định cư, bởi tái định cư không chỉ là chỗ ở mà còn là cuộc sống, là sinh kế của những người ra đi. Không phải chỉ cần cho người ta chỗ ở là xong, mà còn phải có nguồn lực, tạo điều kiện giúp họ kiến tạo cuộc sống, kinh doanh.

Nguồn lực chúng ta có thể dùng những người có điều kiện là những hộ kinh doanh mặt tiền để hỗ trợ những người không có điều kiện. Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước thì đó là một điều không tưởng vì nhà nước cũng có giới hạn.

Còn đối với những người ở lại trong phố cổ, khi nào người ta nhận thức rằng chính sự cổ kính, sự truyền thống ấy mang lại lợi ích cho mình thì mới có thể thành công.

Giải bài toán lợi ích

Tại Hội An, bài toán lợi ích được tính rất thực tế, họ biết rằng giữ được giá trị cổ thì sẽ mang lại lợi ích cho họ. Việc thực thi nó một cách tự nguyện trước hết theo lợi ích của họ, sau đó vì lợi ích cộng đồng và cuối cùng là giá trị lịch sử.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Người Hội An thay vì xây những khách sạn cao tầng họ giữ những không gian cổ điển để thu hút du khách, khai thác được giá trị kinh tế. Họ không chỉ giữ được dáng vẻ, kiến trúc bên ngoài mà bên trong, họ tạo những điều kiện cho người dân có thể cải tạo để họ được hưởng thụ những điều kiện cho phép những giá trị ấy.

Như vậy khi hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân thì bao giờ cũng bền vững hơn còn nếu chỉ suy nghĩ đến việc bảo vệ mà không quan tâm đến lợi ích của những người sống ở đấy thì không thể nào hoàn thành được.

Ngoài ra, trách nhiệm còn nằm ở phía các cấp chính quyền, bởi thực tế nhiều người còn suy nghĩ theo tư duy nhiệm kỳ. Đó là ngày hôm nay dọn được một vạn dân chuyển đi đã là một thành tích. Và số lượng dân tăng lên lại là nhiệm kỳ của người khác. Khi cá nhân có trách nhiệm xử lý cái trách nhiệm một cách hết sức đúng mức thì vẫn hơn, còn nếu không ai chịu trách nhiệm sẽ không thành công mà tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Còn hiện tại phố cổ đã biến dạng rất nhiều mà không ai chịu trách nhiệm.

Theo quy định không được xây cao tầng trong khu phố cổ và cần phải truy trách nhiệm những người đã cấp phép xây dựng cao tầng trong khu vực. Để làm được việc này bước đầu có thể nhiều khó khăn nhưng sẽ vững chắc. Cần có những quy định chặt chẽ, phải quản lý trong những chế tài rõ ràng, để phố cổ phát triển trong một khuôn khổ phù hợp với khu vực mà nhà nước quan tâm, đầu tư tương xứng với giá trị của nó.

Di sản đã gắn với lịch sử rồi thì nhà nước phải có trách nhiệm theo luật di sản, nhưng mà những người dân sống trong không gian di sản thì cũng phải tuân thủ những yêu cầu rõ ràng, cụ thể. Như việc một thời kỳ chúng ta không cho xây nhà cao tầng, giữ đặc trưng mái ngói. Ở các nước trên thế giới, họ quyết định lùi lại phía sau thì người dân có thể được xây cao tầng nhưng ở phía trước cần phải giữ nguyên vẹn như cũ, để giữ hình hài, giá trị tập thể, do đó phải hết sức chính xác.

Và nhập gia thì phải tùy tục, khi gia nhập vào khu phố cổ thì phải thỏa mãn những điều kiện đấy thì nhà nước cho phép, còn không thì phải tìm ở nơi khác để sống. Có như vậy mới có thể vừa giãn dân về số học, nhưng vẫn duy trì vào bảo vệ được giá trị cốt lõi văn hóa phố cổ.

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top