UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành công văn chỉ đạo tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ.
Theo đó, Khu kinh tế Ninh Cơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 với tổng diện tích khoảng 13.950ha, bao gồm địa bàn các xã, thị trấn: Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa, Thịnh Long (Hải Hậu); Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền, Quỹ Nhất (trước đây là xã Nghĩa Bình), Rạng Đông và vùng bãi bồi ven biển (Nghĩa Hưng).
Khu kinh tế này được định hướng trở thành một khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh Nam Định với cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thuận lợi, góp phần kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa phương lân cận.

Phối cảnh Khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định). Ảnh minh họa
Việc xây dựng khu kinh tế không chỉ nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn gắn với mục tiêu bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển cũng như các di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.
Đồng thời, đây sẽ là trung tâm kinh tế biển phát triển với khả năng bổ trợ và liên kết với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực tăng trưởng cho vùng Đồng bằng sông Hồng và Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, mang lại nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.
Theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh được giao chủ trì lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục lập, thẩm định, trình phê duyệt theo quy định pháp luật, trong khi Sở Xây dựng cùng các Sở, ngành liên quan sẽ theo dõi, hướng dẫn quá trình triển khai, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra.
Dù được kỳ vọng trở thành động lực phát triển quan trọng, việc triển khai khu kinh tế quy mô lớn này cũng đặt ra không ít thách thức đối với Nam Định.
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối khu vực vẫn còn hạn chế, đặc biệt là các tuyến đường liên kết với cao tốc, cảng biển và khu công nghiệp, đòi hỏi địa phương phải huy động nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, với diện tích gần 14.000ha, bài toán thu hút vốn không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các khu kinh tế lớn như Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hóa) hay Đình Vũ - Cát Hải (TP. Hải Phòng).
Ngoài ra, việc xây dựng khu kinh tế ven biển cũng cần tính toán đến vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi nếu không có quy hoạch hợp lý, khu vực này có thể đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái địa phương.