Aa

Để có một đô thị thông minh, Việt Nam vẫn còn cả chặng đường dài

Thứ Năm, 06/02/2020 - 17:10

"Nhiều người vẫn lầm tưởng các đô thị như Đà Nẵng, Bình Dương, TP.HCM đang xây dựng đô thị thông minh, dự kiến hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, ngay cả khi hoàn thành đúng tiến độ, các đô thị đó mới chỉ là giai đoạn 1..."

Lợi thế của việc xây dựng các đô thị thông minh

Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, hiện nay, vẫn chưa có khái niệm thống nhất về đô thị thông minh.

Tuy nhiên, về cơ bản, đô thị thông minh là mô hình áp dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng cuộc sống trong đô thị.

Trong đó, để được công nhận là đô thị thông minh sẽ phải đáp ứng được 6 yếu tố bắt buộc. Đầu tiên, cơ quan quản lý, tổ chức Nhà nước phải là chính quyền điện tử, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Về cơ bản, đô thị thông minh là mô hình áp dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ảnh: Toàn Vũ

Thứ hai, đối với công nghệ, các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu của Smart City được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh.

Thứ ba, cộng đồng dân cư, chủ thể chính của Smart City phải là những công dân hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, thậm chí phối hợp hỗ trợ quản lý thành phố.

Thứ tư, nền kinh tế thông minh, là động lực chính để xây dựng Smart City.

Thứ năm, hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển Smart City.

Cuối cùng, môi trường tự nhiên là cốt lõi của Smart City là ứng dụng công nghệ để phát triển bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, cũng như chống chọi tốt với các tác nhân gây nên biến đổi môi trường tự nhiên.

Việc triển khai và xây dựng các đô thị thông minh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Ví dụ, việc áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong lĩnh vực quản lý Nhà nước sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động chỉ đạo, điều hành; nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu một số thủ tục rườm rà trong thủ tục hành chính,...

Đặc biệt, một đô thị thông minh sẽ đẩy mạnh việc sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo như năng lượng mặt trời, gió... ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng xanh, vật liệu tái chế. Từ đó, hạn chế các tác động xấu của ô nhiễm môi trường và tăng chất lượng cuộc sống.

Việt Nam mới chỉ thực hiện giai đoạn 1 của đô thị thông minh

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có định hướng phát triển các đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam. 20 tỉnh, thành phố cũng bắt đầu có các dự án bất động sản triển khai theo hướng đô thị thông minh.

Xe điện trong khu đô thị Ecopark

Tuy nhiên, các dự án này mới chỉ bắt đầu thực hiện giai đoạn 1 của đô thị thông minh, đó là gắn kết với các công ty công nghệ, thông tin, truyền thông để khai thác công cụ truyền thông - thông tin hiện đại.

“Ở giai đoạn 1, các đô thị thông minh đang được triển khai tại Việt Nam sẽ áp dụng các công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để kết nối các điểm thông tin, khai thác nguồn dữ liệu công cộng và truyền tải thông tin cho người dân”, ông Nghiêm nói.

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, nếu mới chỉ khai thác ở giai đoạn 1 không thể gọi đó là một đô thị thông minh.

“Hiện nay, nhiều người vẫn đang lầm tưởng, các đô thị như Đà Nẵng, Bình Dương hay TP.HCM đang xây dựng đô thị thông minh, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Tuy nhiên, ngay cả khi hoàn thành đúng tiến độ, các đô thị đó mới chỉ là giai đoạn 1, như vậy không thể gọi đó là đô thị thông minh. Nếu muốn có đô thị thông minh, các đô thị này phải dung hòa được 5 yếu tố còn lại, mà theo tôi được biết 5 yếu tố này chưa thực hiện được”, ông Nghiêm nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam đang có một lợi thế rất lớn là nhiều chủ đầu tư bất động sản đã kết nối với các công ty công nghệ thông tin, tạo tiền đề để phát triển các dự án đô thị thông minh trong tương lai.

Ngược lại, còn rất nhiều khó khăn như hạ tầng, cơ sở vật chất còn thiếu, môi trường đang gặp rất nhiều sự cố hoặc xã hội dân cư, lối sống của người dân vẫn còn nhiều điều cần phải tuyên truyền.

Ông Nghiêm nhìn nhận, Việt Nam muốn có đô thị thông minh còn một chặng đường khá dài.

"Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có hơn 20 đô thị được công nhận là thông minh. Chúng ta muốn làm được điều này, trước tiên phải đưa ra một khái niệm tổng thể và gắn kết được 6 điều kiện bắt buộc như trên", ông Nghiêm nhìn nhận.

Trong khi đó, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc cũng cho rằng, trước khi hướng đến xây dựng các đô thị thông minh, thì Việt Nam có thể áp dụng công nghệ, khoa học giải quyết các bài toán bức thiết của từng vùng, từng đô thị.

Đơn cử như TP.HCM, Hà Nội có thể ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh để quản lý hạ tầng và giao thông, quản lý ngập lụt môi trường, quản lý hành chính và chính quyền điện tử. Việc ứng dụng công nghệ, khoa học không chỉ đem lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế mà còn giúp giải nhiều bài toán vướng mắc trong thực tế.

Ngoài ra, Chính phủ cần nhanh chóng lập một chiến lược quốc gia về phát triển đô thị thông minh.

Trong tương lai xa hơn, cần xây dựng chiến lược chuẩn bị cho việc phát triển mạng đô thị thông minh trên toàn quốc kết nối tốt với nhau và với các vùng đô thị, quốc gia và quốc tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top