PV: Thưa TS. Đỗ Hoài Linh, thời gian gần đây, hoàng loạt các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” với hình thức thu hồi nợ trái pháp luật đã gây rúng động dư luận. Thực tế, có thể ai cũng lường trước được hệ lụy, nhưng đến hiện tại, “tín dụng đen” vẫn tiếp tục “bành trướng”. Thưa TS. Đỗ Hoài Linh, bà có thể lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
TS. Đỗ Hoài Linh: Trong xã hội luôn có những cá nhân và doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng, do đó, nếu không nhận được sự hỗ trợ hoặc vay mượn từ người thân quen hoặc nhận được vốn vay từ các kênh chính thức như ngân hàng/công ty tài chính…, người dân (gồm cá nhân/doanh nghiệp) sẽ tìm đến tín dụng phi chính thức (trong đó có “tín dụng đen”) để có nguồn hỗ trợ tài chính là điều tất yếu.
Không những thế, kênh tín dụng chính thức thường có những tiêu chuẩn nhất định về khách hàng, mục đích sử dụng vốn, tài sản bảo đảm cũng như thủ tục vay vốn.
Trong khi những tiêu chuẩn ngặt nghèo đó trong “tín dụng đen” lại được loại bỏ nên hình thức này sẽ dễ thích hợp với tâm lý muốn giản tiện của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là những khách hàng không muốn vay từ kênh chính thức (có nhu cầu vay những khoản nhỏ, tức thời và không thường xuyên) và những khách hàng dưới chuẩn (underbanked – không đủ điều kiện vay từ kênh chính thức).
Ngoài ra, vì các khoản vay thường có giá trị nhỏ nên khách hàng của “tín dụng đen” thường không quan tâm tới lãi suất mà điều họ thực sự quan tâm là số tiền mà họ phải trả khi đến hạn. Do đó, dù có mức lãi suất cắt cổ nhưng theo quy luật cung – cầu, “tín dụng đen” tồn tại và có xu hướng “bành trướng” trong xã hội cũng là điều dễ hiểu.
PV: Để giải quyết tình trạng này, tháng 12/2018, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng, xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn. Bà đánh giá như thế nào về tính khả thi của phương án này nhằm ngăn chặn “tín dụng đen”?
TS. Đỗ Hoài Linh: Ngoài thông báo về gói tín dụng cho vay tín chấp 5000 tỷ đồng được triển khai bởi Agribank, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện nhiều nỗ lực trong việc đẩy lùi “tín dụng đen” thông qua những giải pháp như: Tổ chức triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng; phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn “tín dụng đen”…
Những nỗ lực này, theo tôi rất đáng ghi nhận, nó thể hiện mong muốn và quyết tâm của nhà quản lý trong việc đẩy lùi vấn nạn gây nhức nhối cho toàn xã hội. Những giải pháp này sẽ giải quyết được phần nào đó của “tín dụng đen”, nhưng việc loại bỏ hoàn toàn hoạt động này là khó khăn, vì thực tế cho thấy, mục đích vay tiền của người dân không phải lúc nào cũng chính đáng và hợp pháp.
Nên việc tăng nguồn vốn để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng, xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn sẽ không hoàn toàn xóa bỏ được tín dụng đen, vì theo quy luật cung – cầu, ở đâu có cầu tất yếu sẽ có cung để thỏa mãn, do đó rất cần những giải pháp giải quyết mối quan hệ cung – cầu về vốn, với mọi mục đích sử dụng thì mới có thể xử lý được vấn nạn này.
Một lưu ý về khía cạnh pháp lý mà tôi muốn ghi nhận đó là việc ban hành Nghị Định 19 quy định về họ, hụi, phường mà Chính phủ vừa ban hành. Tôi đánh giá rất cao việc ban hành văn bản này, nó thể hiện một bước tiến lớn trong việc đưa những hoạt động tín dụng phi chính thức vào tầm quản lý chính thức của pháp luật.
PV: Một giải pháp khác mà theo nhiều chuyên gia kiến nghị có thể thay thế “tín dụng đen”, đó là phát triển cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính. Theo đó, cho vay tiêu dùng được đánh giá là “hội tụ” nhiều ưu điểm như cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo được tính an toàn cho người vay… Quan điểm của TS. Đỗ Hoài Linh thì sao?
TS. Đỗ Hoài Linh: Theo tôi, kiến nghị này hoàn toàn có có sở. So với các tiêu chuẩn, quy định và thủ tục vay từ phía ngân hàng thì công ty tài chính dễ dàng hơn rất nhiều. Cùng với đó, hệ thống đại lý khá rộng khiến sự nối dài hoạt động của công ty tài chính thời gian vừa qua khá tốt.
Nhận xét khách quan chúng ta thấy với thị trường 60 triệu dân sống tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu, cộng với tâm lý e ngại của người dân khi tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức nên “tín dụng đen” vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu.
Do đó, cần nhiều hơn nữa sự đa dạng của những hình thức tổ chức cung cấp tín dụng để phù hợp với từng phân khúc khách hàng, với mục đích vay vốn và độ rủi ro khác nhau, từ đó mới có thể đẩy lùi được “tín dụng đen”.
PV: Trên thế giới, việc áp dụng lãi suất đối với cho vay tiêu dùng được quy định như thế nào, thưa TS. Đỗ Hoài Linh?
TS. Đỗ Hoài Linh: Tại Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng trên thị trường rất đa dạng, nhiều loại hình, bao gồm: Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, hiệp hội tiết kiệm và cho vay, công ty bảo hiểm nhân thọ, các tổ chức tài chính vi mô, hiệu cầm đồ, công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), trung tâm thương mại (rent to own centers)…
Mỗi một loại hình nhà cung cấp sẽ phục vụ những nhóm khách hàng có độ rủi ro khác nhau, từ đó dẫn đến lãi suất của tín dụng tiêu dùng giữa các loại hình cũng rất khác nhau. Ví dụ như lãi suất của các khoản tín dụng tiêu dùng như cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe có thể là 200%/năm hoặc vay trong ngày với lãi suất lên tới 391%/năm… Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật bảo vệ bảo vệ khách hàng tín dụng tiêu dùng khá toàn diện và đầy đủ.
Hiện tại, Mỹ đang có 8 đạo luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền lợi khách hàng tín dụng tiêu dùng, các đạo luật này rất chi tết và cụ thể với nội dung nổi bật là các nhà cung cấp sản phẩm tài chính tiêu dùng phải công khai các thông tin liên quan đến sản phẩm, các điều khoản của hợp đồng, lãi suất, phí suất… tới mọi khách hàng. Ngoài ra, chống phân biệt đối xử, không được tiết lộ thông tin của khách hàng, đánh giá trung thực điểm số tín dụng của khách hàng… là những nội dung chủ đạo của các đạo luật này.
PV: Giải pháp nào cần đặt ra để cho vay tiêu dùng phát huy được vai trò của mình trong thị trường tài chính đặc biệt là khả năng giảm tệ nạn “tín dụng đen”, thưa TS. Đỗ Hoài Linh?
TS. Đỗ Hoài Linh: Như đã trình bày ở trên, để giải quyết tận gốc được tín dụng đen, rất cần các giải pháp giải quyết tận gốc cung – cầu về vốn. Theo tôi, cần chia ra những nhóm như sau:
Cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý các hoạt động tín dụng phi chính thức để chuyển những hoạt động này thành chính thức, nằm dưới sự quản lý của pháp luật.
Rà soát, tổ chức lại hoạt động của hệ thống ngân hàng chính sách, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân theo cả hướng mở rộng quy mô lẫn nâng cao chất lượng để các loại hình tổ chức này hoạt động hiệu quả và an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân.
Nghiên cứu cho triển khai thêm những hình thức cấp tín dụng siêu nhỏ và vừa khác mà các nước đã triển khai hiệu quả như công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), trung tâm thương mại (rent to own centers)… để bảo đảm các phân khúc đa dạng của thị trường vay vốn đều được phục vụ.
Xử phạt nghiêm minh các hành vi thúc ép khách hàng vay vốn, cho vay nặng lãi, thu nợ bằng các biện pháp xã hội đen.
Nâng cao dân trí tài chính và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua các biện pháp tuyên truyền như các gameshow trên báo đài, các chương trình giáo dục…
Tôi tin rằng với ý trí quyết liệt của cả hệ thống cùng với thực thi đồng bộ các giải pháp, vấn nạn “tín dụng đen” sẽ được từng bước đẩy lùi trong cuộc sống.
Cảm ơn Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh!