Vân Đồn: Kỳ vọng vào sự bứt phá
Năm 2017, Vân Đồn thuộc một trong 3 đặc khu kinh tế trong tương lai. Đó là thời điểm, Vân Đồn được kỳ vọng trở thành bàn đạp đẩy tốc sự phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, năm 2018, giấc mơ trở thành đặc khu kinh tế tương lai lại bị dừng lại khi Quốc hội không "nhấn nút" thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào Vân Đồn, bởi tiềm năng của một vùng đất chưa khai phá, dư địa tăng trưởng lớn.
Tháng 2/2020, theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, Vân Đồn trở thành Khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino... Đây là một cú hích lớn đối với thị trường bất động sản Vân Đồn. Điều này cho thấy, Vân Đồn đã và đang hội tụ đầy đủ những yếu tố để chuẩn bị cho một cuộc đua tăng trưởng mới.
Dù nhận định và đánh giá cao về thị trường bất động sản Vân Đồn, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nếu thiếu đi định hướng rõ ràng và bản lề pháp lý cho mô hình mới này, khu kinh tế đặc biệt tại Quảng Ninh có thể sẽ phát triển lệch hướng.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Vân Đồn có rất nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển thành một cực tăng trưởng”. Tuy nhiên, ông Hiếu lo ngại: “Nếu không có định hướng và chiến lược bài bản, Vân Đồn sẽ đi vào vết xe đổ của Phú Quốc. Vì không có quy hoạch bài bản nên Phú Quốc bị băm xẻ, phát triển rất lộn xộn”.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, công bằng mà nói, bất động sản du lịch cũng giống như nhiều ngành nghề khác… vẫn là câu chuyện nguồn lực. Nếu có 1 đơn vị xây dựng được hàng ngàn sản phẩm khách sạn, phòng ốc chất lượng đồng đều, đẹp đẽ thì rất tuyệt. Nhưng đó là điều không thể.
Bởi vì thế nên phải bán, phải phân lô bán nền, bán dự án hình thành trong tương lai, liên doanh liên kết hợp tác đầu tư, phát triển condotel, officetel, shophouse,…
Tuy nhiên, để tránh việc xuất hiện những sản phẩm không đồng bộ, ‘méo mó’, xấu xí, vài hôm lạc hậu bất cập… thì cơ quan quản lý phải nhanh chóng đặt ra quy hoạch, vạch ra tiêu chuẩn sao cho hợp lý. Còn nếu chậm trễ trong bối cảnh thị trường đang vận động mạnh mẽ như hiện nay thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng làm bừa rồi sau đó phải trả giá khắc phục sửa sai.
Để Vân Đồn phát triển thực sự
Làm thế nào để Vân Đồn thực sự trở thành hình mẫu, phát triển đúng như kỳ vọng mong muốn? Đó là câu hỏi được giới chuyên gia và các nhà đầu tư bàn thảo.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngoài tiềm năng sẵn có, Vân Đồn đang có ưu điểm lớn khi đây là mảnh đất còn nguyên vẹn.
Vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, điều quan trọng đầu tiên, khi đã có quy hoạch, cần nghiêm túc triển khai theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra, Vân Đồn cần những tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng lớn, quy mô đa công năng và nhiều loại hình nghỉ dưỡng – giải trí, như Tổ hợp Sonasea Vân Đồn Harbor City của CEO Group…
“Bởi vị trí của Vân Đồn không chỉ thu hút khách nội địa mà còn hướng tới du khách quốc tế. Những tổ hợp không chỉ nâng tầm khu kinh tế mà sẽ góp phần hút du khách, tạo ra động lực tăng trưởng. Hơn nữa, những tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng là điều tất yếu cho một quá trình phát triển bền vững và lâu dài” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Mặt khác, vị chuyên gia này cho rằng, việc hút nhà đầu tư nước ngoài vào Vân Đồn là điều sẽ xảy ra nhưng chính quyền không nên dành các ưu đãi cho bất kỳ quốc gia nào.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, “Vân Đồn là điển hình, giờ bắt đầu mới xây từ đầu, thì đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý để làm thật bài bản, thật tốt”.
Luật sư Đức cũng nhấn mạnh, việc phát triển Vân Đồn không chỉ dừng lại ở mức độ bắt buộc theo luật, mà cần phải làm tốt hơn bằng cách bàn bạc thống nhất chủ trương, quan điểm phát triển, muốn có tương lai, muốn thu hút khách du lịch, đừng nói theo luật mà cần làm tốt hơn luật, đó mới chính là lợi ích lâu dài.
“Với Vân Đồn, mọi hình thức đầu tư đều nên chấp nhận, ví như condotel là rất hay, nguồn lực là vô biên. Vân Đồn chính là cơ hội vàng để xây dựng bài bản, làm tử tế bởi gần như là xây mới nên hãy làm hình mẫu phát triển. Với hành lang pháp lý hiện thời, Vân Đồn đã đủ cơ sở, tiềm lực để phát triển bất động sản du lịch cũng như kinh tế ban đêm.
Bởi những vướng mắc mà Vân Đồn có thể gặp phải thì là vướng mắc chung và phải sửa chung, ví dụ như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Hàng không,… tất cả đều phải xem xét chỉnh sửa cho phù hợp”, luật sư Đức phân tích sâu thêm và nhấn mạnh: “Còn bản thân Vân Đồn tại thời điểm này, tôi tin rằng hoàn toàn đủ khả năng, đủ hành lang pháp lý để làm được những cái tốt nhất để phát triển nhanh chóng, hiện đại và bền vững, trong đó có việc triển khai kinh tế ban đêm. Không thể nói không có vướng mắc, nhưng về cơ bản là ổn, vẫn làm được và có thể vượt qua được”.