Aa

Đề nghị lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước

Chủ Nhật, 03/11/2019 - 14:00

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần hài hoà lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, song cũng cần rà soát, đánh giá trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chậm trễ ban hành các văn bản liên quan.

Cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần hài hoà lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, song cũng cần rà soát, đánh giá và xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chậm trễ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này

Hài hòa lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân liên quan

Tại Tờ trình số 437/TTr-CP ngày 04/10/2019 của Chính phủ gửi Quốc hội về việc đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Chính phủ cho biết, để triển khai thi hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ được giao xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. 

Theo đó, ngày 28/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/01/2014 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 203), chậm 02 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành; ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 01/9/2017 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 82), chậm 04 năm 8 tháng kể từ ngày Luật tài nguyên nước có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Ngô Trung Thành: Trong điều kiện chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền thì không nên, không thể bắt doanh nghiệp, người dân phải chịu trách nhiệm khi lỗi xảy ra do cơ quan nhà nước

Về nguyên nhân của việc chậm ban hành các Nghị định nêu trên, Chính phủ chỉ rõ, tại thời điểm trình dự án Luật Khoáng sản (năm 2010) và Luật Tài nguyên nước (năm 2012), hồ sơ trình được thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Theo đó, Luật này không quy định trong hồ sơ trình dự án Luật phải có văn bản quy định chi tiết. Trong quá trình xây dựng các Luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã được thực hiện nhưng còn chưa toàn diện, cụ thể (riêng đối với thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu được hình thành trong quá trìnhhoàn thiện dự thảo Luật Khoáng sản). Do đó, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp.

Trong đó, với tài nguyên khoáng sản, các thông số tính tiền là trữ lượng và chất lượng của từng mỏ, từng loại khoáng sản. Tại thời điểm xây dựng Nghị định, có hơn 400 Giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường) và gần 4.000 Giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp phép qua nhiều thời kỳ (có mỏ cấp phép từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20) theo nhiều cơ chế, quy định quản lý khác nhau.

Hơn nữa, để bảo đảm tính khả thi của Nghị định sau khi được ban hành, việc xác định các thông số để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng và chất lượng khoáng sản, trong khi đó nội dung của gần 5.000 Giấy phép khai thác nêu trên là không thống nhất, phức tạp, chỉ ghi công suất khai thác, phần lớn không có trữ lượng, chất lượng khoáng sản dẫn đến việc hoàn thiện phương pháp tính, mức thu là rất khó khăn do phải mất nhiều thời gian, nguồn lực để khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng (thường từ 2- 3 năm) nhằm bao quát được tính phức tạp, đa dạng của nhiều loại Giấy phép khai thác khoáng sản.

Vì những lý do nêu trên, cần phải có nhiều thời gian để hoàn thiện phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời phải tính toán kỹ lưỡng các phương án để lựa chọn phương án có tính khả thi khi lần đầu tiên thực hiện chính sách, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan khi triển khai chính sách thu thêm một khoản tiền ngoài các khoản thu đã được quy định trước đây để tạo sự đồng thuận cao.

Lùi, miễn hay tạm hoãn thu?

Đại biểu Lê Minh Chuẩn: Nếu thu hồi, hồi tố thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề tái đầu tư lại phát tiển các mỏ than

Cho ý kiến vào đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) khẳng định, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã được quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước là chính sách hết sức đúng đắn và việc trong thời gian đầu thực thi hai đạo luật này chúng ta chưa thu được khoản tiền cấp quyền khai thác là do khâu tổ chức thi hành.

Về vấn đề hồi tố, truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, đại biểu Thành phân tích, Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước đã có hiệu lực và các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể đều đã phát sinh và thực hiện kể từ thời điểm luật có hiệu lực. Trong đó có trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, vì vậy, không thể có việc hồi tố đối với việc truy thu khoản tiền này.

Việc hồi tố như Chính phủ nêu trong Tờ trình bản chất là hồi tố thực hiện các nghị định quy định chi tiết hai đạo luật về khoáng sản và tài nguyên nước. Tuy nhiên ngay trong các nghị định này đã không có quy định nào về vấn đề hồi tố, tức là không có quy định nào quy định áp dụng phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác từ thời điểm luật có hiệu lực. 

Do vậy về mặt pháp lý, khoảng thời gian từ khi luật có hiệu lực cho đến thời điểm nghị định quy định chi tiết có hiệu lực vẫn chưa có quy định nào của pháp luật quy định về phương pháp tính, mức thu cụ thể của giai đoạn này, cho nên nếu có thu thì cũng không thể tính toán được giá trị cụ thể của khoản thu này và vì thế cũng không thể thu được.

“Trong điều kiện chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền thì không nên, không thể bắt doanh nghiệp, người dân phải chịu trách nhiệm khi lỗi xảy ra do cơ quan nhà nước”, đại biểu Thành nói và cho biết ông tán thành với đề xuất của Chính phủ không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trong giai đoạn này đối với doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - chỉ rõ, việc tính thời gian, mức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1/7/2011 nhưng đến cuối năm 2013 Nghị định 203 mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/1/2014 thì rất khó khả thi.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi mới chứng kiến một doanh nghiệp vừa mới tháo bỏ toàn bộ công nghệ, chỉ một động tác công nghệ sai, bỏ đi cả trăm tỷ thì người ta lấy tiền đâu ra để có thể nộp tiền quyền khai thác và thuế không thể trùng thuế được

“Từ năm 2011, 2012, 2013 các doanh nghiệp đã được hạch toán kinh tế, đã được phân bổ lợi nhuận và công khai tài chính. Nếu hồi tố lại thì chúng ta phải hồi tố sau thời kỳ 2014 và về quy định của pháp luật là không có cơ sở pháp lý để chúng ta thu tiền thu nhập doanh nghiệp, đây là một vấn đề không khả thi”, ông Chuẩn nói.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2016, thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thu thuế tài nguyên khoáng sản với mức thu tăng cao. Cụ thể, hiện nay 1 tấn than tiêu thụ trong nội địa, riêng thuế, phí và tiền cấp quyền khai thác, thì mức thu nộp là 26% và 36% đối với than xuất khẩu. 

“Nếu có thu hồi, hồi tố thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề tái đầu tư lại phát tiển các mỏ than”, ông Chuẩn nói và cho rằng, để vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa thực hiện nghiêm luật thì đề xuất của Chính phủ cho lùi việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các đơn vị, doanh nghiệp là phù hợp với thực tiễn khi áp dụng.

Tuy nhiên, để tránh sự hiểu lầm sau này là việc lùi thời gian thu tiền đồng nghĩa với việc là tạm hoãn thu tiền, sau này có thể truy thu, ông Chuẩn đề xuất phải sửa lại cụm từ “lùi thời gian thu tiền cấp quyền” thành “lùi thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền”. Theo đó, thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước sẽ không được tính từ ngày Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực mà được xác định tại thời điểm quy định tại Nghị định 67/2019 của Chính phủ, thay thế Nghị định 203 và Nghị định số 82/2017 của Chính phủ.

Cho rằng ý kiến của các đại biểu phát biểu trước mình có tình, có lý, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) phần tích, rất nhiều người cho rằng khai thác khoáng sản là cứ việc đào lên để bán là không thoả đáng. Ví dụ, khi khai thác đá hoa trắng, người ta chỉ thu từ 1%-3% lợi nhuận, còn lại là các khoản chi đầu tư trong quá trình khai thác. Và, “chúng ta phải lưu ý rằng tiền cấp quyền khai thác bản chất là một loại thuế để được vào khai thác”, đại biểu Nhưỡng nói và nhấn mạnh: “Tôi mới chứng kiến một doanh nghiệp vừa mới tháo bỏ toàn bộ công nghệ, chỉ một động tác công nghệ sai, bỏ đi cả trăm tỷ thì người ta lấy tiền đâu ra để có thể nộp tiền quyền khai thác và thuế không thể trùng thuế được”, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

Một ý kiến khác cũng rất đáng quan tâm của đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) rằng, Nhà nước không mất gì vì chưa đánh giá được trữ lượng, chưa tính được khối lượng thì không thể thu được. Khi đánh giá được trữ lượng, biết rõ khối lượng thì năm nay thu hoặc năm sau thu hoặc 2 năm thu thì cũng trên cơ sở trữ lượng đó.

“Ví dụ trữ lượng 100 triệu tấn tính ra số tiền và chia ra chu trình thu, có thu 1 lần, 2 lần, 3 lần chẳng hạn, do đó đâu vẫn còn đó không phải lùi lại. Cho nên tôi nhất trí và đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top