Aa

Đề nghị tăng vốn điều lệ Agribank lên hơn 50 nghìn tỷ đồng

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 23/05/2023 - 20:55

Chiều 22/5, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo Quốc hội về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Theo đó, Chính phủ cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là rất cần thiết bởi: Thứ nhất, theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn 2021-2025, các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Vì vậy, các NHTM Nhà nước cần được nâng cao năng lực tài chính, trong đó có giải pháp thực hiện tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Giải pháp này cũng đã được Quốc hội cho chủ trương tại Nghị quyết 43.

Hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank là 34.328 tỷ đồng, ở mức thấp so với các NHTM có vốn Nhà nước khác và thậm chí còn nhỏ hơn nhiều so với một số NHTM cổ phần. Do vậy, tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ tăng cường vai trò chủ lực, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.

Thứ hai, theo Điều 130 Luật các TCTD và Điều 6 Thông tư số 41 của NHNN, các TCTD phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Trên thực tế, tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank mới chỉ đạt mức 7%, thấp hơn nhiều so với mức vốn tối thiểu 8%. Vì vậy, việc bổ sung thêm vốn điều lệ sẽ giúp Agribank đảm bảo tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn lên trên mức 8% và duy trì ổn định tỷ lệ này theo quy định, hướng đến tuân thủ quy định của Basel 2.

Thứ ba, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa.

Thứ tư, việc tăng vốn là cơ sở quan trọng để Agribank mở rộng quy mô hoạt động, nhất là tín dụng, góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ.

thống đốc nguyễn thị hồng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Về căn cứ pháp lý, Thống đốc cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 và Điều 13 Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của khoản 4 Điều 5, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, Agribank thuộc đối tượng, phạm vi được đầu tư bổ sung vốn điều lệ vì đây là doanh nghiệp 100 % vốn Nhà nước. Hoạt động của Agribank tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Agribank được xếp loại A theo tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các TCTD, nhưng mức vốn điều lệ của Agribank không đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Agribank cũng đã xây dựng phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 3 năm 2021-2023 đảm bảo theo đúng quy định tại Luật số 69 và Nghị định số 91.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ tại doanh nghiệp nhà nước, Thống đốc đề xuất Agribank được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với số tiền 17.100 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2023, lớn hơn mức vốn từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên của dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Luật Đầu tư công.

Do đó, căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 14, Luật số 69, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với Agribank, Quốc hội có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và Agribank có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn được đầu tư bổ sung đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thống đốc cho biết, về thực trạng tài chính và kết quả kinh doanh của Agribank giai đoạn 2016-2021, đa số các chỉ tiêu tài chính chủ lực như tổng tài sản, huy động vốn, hiệu quả sử dụng vốn, lợi nhuận trước thuế đều có mức tăng trưởng tích cực qua các năm.

Bên cạnh đó, Agribank cũng đã kiểm soát được chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu luôn đảm bảo dưới 2% theo yêu cầu của NHNN. Agribank cũng đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn như cơ cấu lại tài sản có rủi ro, trích các quỹ từ lợi nhuận sau thuế hàng năm, thoái các khoản đầu tư, góp vốn và phát hành trái phiếu thứ cấp được tính vào vốn tự có cấp hai.

Về thực trạng vốn tự có và nhu cầu vốn tự có của Agribank, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, vốn tự có của Agribank tại thời điểm 31/12/2021 đạt 101.081 tỷ đồng. Vốn tự có của Agribank xác định dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn 2021-2023 là 11.580 tỷ đồng, chủ yếu do giảm giá trị trái phiếu tính vào vốn tự có cấp hai.

Với mục tiêu đưa tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu lên mức trên 8% theo quy định, Agribank đã xác định nhu cầu vốn tự có đến 31/12/2023 là 136.300 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm 31/12/2021, vốn tự có của Agribank còn thiếu 46.798 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu vốn tự có, đến 31/12/2023, Agribank dự kiến bổ sung một số vốn tự có, một phần bằng nguồn trích lập các quỹ theo chế độ tài chính hiện hành; thu lãi trái phiếu đặc biệt của Chính phủ, trích lập dự phòng chung và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp hai… tổng cộng khoảng 29.700 tỷ đồng.

Như vậy, số vốn tự có thiếu hụt còn lại khoảng 17.100 tỷ đồng. Agribank đề xuất được ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ và số tiền này tương đương với số lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ của Agribank dự kiến nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023.

Về nguồn cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội sử dụng các nguồn vốn như sau:

Một, từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70 ngày 11/11/2022 là 6.753 tỷ đồng.

Hai, phần còn lại là 10.347 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Về đánh giá tác động về hiệu quả kinh tế - xã hội, Thống đốc cho biết, với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ, mở rộng hoạt động tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8% theo quy định, gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hóa, đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần giảm nghèo cũng như góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế của Chính phủ.

Về tác động của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đến cân đối thu, chi ngân sách, Thống đốc cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ không ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách trong năm 2023 do số tiền 6.753 tỷ đồng đã được cân đối, bố trí trong dự toán chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước Trung ương và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 70.

Đối với phần vốn còn lại, Chính phủ cũng đã dự kiến chi khi báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước phân bổ ngân sách Trung ương trong năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước ba năm 2023-2025. Tuy nhiên, Agribank dự kiến số lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023 là 19.057 tỷ đồng, lớn hơn đề xuất cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank nên đề xuất này hoàn toàn khả thi.

Từ những trình bày nêu trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với nội dung:

Một là, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Agribank nhưng tối đa không quá 17.100 tỷ đồng.

Hai, nguồn vốn bổ sung Điều lệ từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70 với trị giá là 6.753 tỷ đồng, phần còn lại 10.347 tỷ đồng được bố trí cấp trong năm 2024 từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước

Ba, trình tự, thủ tục thực hiện quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank được thực hiện theo quy định tại Luật số 69 và Luật Ngân sách nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top